Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) Triển Vọng Nghề Nuôi Hươu

Sau hơn một năm nuôi thử nghiệm, những cá thể hươu trong mô hình “Chăn nuôi hươu lấy nhung và sinh sản” của Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), cho thấy sự thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương, sinh trưởng và phát triển tốt. Mô hình mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nông dân.
Năm 2013, Trạm Khuyến nông Sơn Tịnh đã triển khai mô hình “Chăn nuôi hươu lấy nhung và sinh sản”. Đến nay, sau hơn một năm nuôi thử nghiệm, những cá thể hươu của các hộ tham gia mô hình đều cho thấy sự thích nghi tốt với khí hậu tại địa phương, tăng trọng nhanh và khỏe mạnh, hươu đực đã cho thu hoạch nhung và hươu cái đã sinh sản. Thành công bước đầu của mô hình là một tín hiệu vui, mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho bà con nông dân.
Là người đầu tiên tham gia mô hình, lão nông Phan Văn Tỵ, ngụ thôn Phú Thành, xã Tịnh Trà, tươi cười nói: “Lúc đầu tôi còn lo sợ sẽ không thành công, vì đã bao giờ thấy con hươu ngoài đời đâu mà nuôi nó. Nhưng khi nuôi thấy cũng dễ, chẳng khác gì nuôi con bò, con trâu. Hươu nhà tôi lớn nhanh lắm, lúc mới đem về nó chỉ nặng hơn 30kg nhưng giờ đã gần 80kg rồi. Con đực thì cũng đã cho nhung, còn con cái thì đã mang thai tháng thứ tư rồi”.
Cũng theo ông Tỵ, thức ăn của hươu chủ yếu là cỏ sữa, lá cây và thân cây chuối… Ngoài ra còn bổ sung thêm một ít thức ăn tinh, mỗi ngày một con hươu trưởng thành cũng chỉ ăn hết khoảng 10kg thức ăn. Chăm sóc hươu không tốn nhiều thời gian và công sức, hiện tại chưa phát hiện dịch bệnh. Chuồng nuôi cần thông thoáng và tránh gió lùa, mỗi chuồng nên bố trí một bãi đất trống nhỏ để làm sân chơi cho hươu chạy nhảy.
Cũng là một hộ nông dân tham gia mô hình từ những ngày đầu. Hiện tại, đàn hươu ba con của gia đình anh Từ Đình Vang ở thôn Cù Và, xã Tịnh Giang sinh trưởng rất tốt. Chỉ tay về phía chú hươu non vừa tròn một tháng tuổi, anh Vang hào hứng chia sẻ “được Nhà nước hỗ trợ một cặp hươu đực giống trị giá 51 triệu đồng, tôi bỏ thêm 12,5 triệu để mua thêm một con hươu cái. Hơn một năm nuôi tôi thu được hai cặp nhung, bán được hơn 20 triệu đồng, còn con hươu cái thì sinh được một con hươu con, sắp tới tôi dự định mở rộng chuồng trại và mua thêm hươu để nuôi”.
“Nhung hươu là một loại dược liệu quý, được thị trường rất ưa chuộng, hiện tại trên thị trường nhung hươu có giá khoảng 40 triệu đồng/kg. Nhận thấy đây là vật nuôi phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên thời gian tới chúng tôi sẽ phổ biến rộng rãi đến bà con nông dân để mở rộng mô hình, qua đó giúp nông dân có thêm một hướng phát triển kinh tế mới”. Ông Phạm Quang Vinh - Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tịnh, cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Cá rô phi có thịt trắng, ít mỡ và có thể chế biến được nhiều dạng sản phẩm khác nhau. Đặc biệt, loài thủy sản này dễ nuôi, có thể sinh sống và phát triển tốt ở hệ sinh thái nước ngọt, lợ… ít bệnh, thức ăn không đòi hỏi chất lượng cao; giá thành sản xuất thấp.

Nghề Lờ dây phát triển mạnh tại các tỉnh duyên hải. Đây là nghề hoạt động tự phát, chủ yếu khai thác ở vùng ven bờ, đánh bắt tất cả các loài thủy sản lớn nhỏ gây ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái vùng ven biển.

Về xã Như Hòa (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), chúng tôi được người dân nơi đây kể nhiều về mô hình nuôi cá trắm đen của anh Nguyễn Văn Thảnh ở xóm 7.

Nghề nuôi ngao ở xã Phú Hải (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) có từ năm 90 của thế kỷ trước, khi ấy chỉ có vài hộ nuôi. Người nọ học hỏi người kia, người biết nhiều cũng chỉ là kiến thức được đúc kết từ những vụ đã qua, có khi đúng khi không, bởi vậy nuôi ngao năm được, năm mất.

Cà Mau là tỉnh có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng thủy sản, nhất là con tôm với nhiều hình thức nuôi: Nuôi tôm công nghiệp, quảng canh cải tiến, quảng canh truyền thống… Những hình thức nuôi này đã thực sự mang lại hiệu quả, giúp nhiều hộ dân khá giàu.