Về Thành Đông Xem... Nông Thôn Mới
Xuôi theo Quốc lộ 54, rẽ vào con đường láng nhựa dài 3km, hai bên đường là những ruộng khoai lang Nhật mơn mởn, chúng tôi đến trung tâm xã Thành Đông (huyện Bình Tân), địa phương được tỉnh Vĩnh Long chọn thí điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM).
Phát triển toàn diện
Sau hơn một năm triển khai thực hiện chương trình, đến nay, xã Thành Đông đã có những đổi thay rõ rệt, mà điển hình là hệ thống hạ tầng nông thôn. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Thành Đông vinh dự là 1 trong 2 xã được UBND tỉnh chọn thí điểm xây dựng NTM. Đây là vinh dự cũng như trách nhiệm nặng nề đối với cấp ủy, chính quyền xã. Trên cơ sở đề án xây dựng NTM của xã được phê duyệt, Ban quản lý xây dựng NTM đã triển khai quán triệt trong Đảng bộ, chính quyền xã. Cán bộ, đảng viên đi tiên phong, phối hợp cùng các ngành, đoàn thể có liên quan của huyện, tỉnh triển khai sâu rộng, vận động nhân dân hiểu và đồng tình tham gia thực hiện; các gia đình phấn đấu tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, khu dân cư sạch đẹp, văn minh...".
Năm 2010, Thành Đông được đầu tư 10 tỉ đồng thực hiện đề án xây dựng NTM. Xã dành phần lớn kinh phí để bồi hoàn thu hồi đất, tạo mặt bằng xây dựng công trình hạ tầng và đã triển khai thi công 5 công trình như chợ trung tâm xã, Trường mẫu giáo Hoa Mai, đường cấp V đồng bằng (mặt nhựa 3,5m) từ cầu Ngã Cạn đến tuyến dân cư vượt lũ ấp Thành Tân, Thành Khương, nạo vét kinh Bông Vải dài 2.300m, kiên cố hóa 4 đập thủy lợi. Từ đầu năm 2011 đến nay, xã đã khởi công xây dựng trạm y tế xã, đường ấp Thành Khương, 2 cây cầu giao thông kinh Ngã Cạn, đường giao thông từ trung tâm xã đến ranh xã Tân Thành dài 4km, xây dựng 2 nhà máy nước ở ấp Thành An, Thành Hậu; nhà văn hóa xã, kiên cố 4 đập thủy lợi. Kết quả này giúp Thành Đông đạt được 8/19 tiêu chí xã NTM. Các tiêu chí còn lại đạt từ 20 - 50%, xã sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện trong những năm tiếp theo.
Thế mạnh từ vùng chuyên canh khoai lang
Cách đây 10 năm, với diện tích đất nông nghiệp khoảng 900ha, nông dân Thành Đông chỉ trồng lúa, rau màu trong điều kiện hết sức khó khăn mỗi khi lũ tràn về. Đến nay, xã đã có bước chuyển đổi ngoạn mục trong sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng chuyên canh khoai lang trên 600ha. Vùng chuyên canh khoai lang Nhật xuất khẩu đã góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.
Theo khảo sát của xã, vụ khoai sớm năm nay, bình quân mỗi công khoai lang (1 công = 1.000m2) cho thu nhập khoảng 24 triệu đồng, đó là chưa kể nguồn thu 4 triệu đồng từ việc bán dây khoai giống. Bà con nông dân rất phấn khởi vì khoai dễ tiêu thụ, bán được giá. Ông Trần Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã cho hay: "Trước đây, đời sống của hội viên Hội CCB gặp rất nhiều khó khăn. Mấy năm nay, nhờ trồng khoai lang xuất khẩu, gia đình nào cũng có của ăn của để. Hội CCB Thành Đông đã thành lập được 2 CLB chuyên canh khoai lang Nhật xuất khẩu". Sau khi thu hoạch khoai sớm, nông dân tiếp tục xuống giống khoai vụ mùa. Nhờ thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà thu nhập bình quân trên địa bàn xã Thành Đông tăng lên đáng kể.
Sản xuất phát triển, thu nhập tăng, nên việc đóng góp xây dựng NTM cũng dễ dàng. Nhiều công trình thủy lợi đã được thực hiện theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến nay, xã đã xây dựng bờ bao khép kín cho gần 80% diện tích đất nông nghiệp, trong đó cơ bản khép kín gần hết đất ruộng, giúp dân ổn định sản xuất. Chủ tịch UBND xã Trần Văn Dũng cho biết: "Từ khi thực hiện đề án xây dựng NTM, đời sống của bà con đã có sự cải thiện rõ rệt, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung và xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân".
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập là cách làm phù hợp đối với xã thuần nông như Thành Đông. Đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ để hoàn thành tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều năm qua, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp (tiền thân là Trung tâm giống nông nghiệp Đồng Tháp) thường xuyên tổ chức nghiên cứu, khảo nghiệm chọn ra những giống lúa tốt và mới, có triển vọng để bổ sung hiệu quả vào bộ giống lúa sản xuất của tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm còn phục tráng những giống lúa đã bị thoái hóa nhằm cung ứng kịp thời nhu cầu bà con nông dân.
Các cơ quan quản lý lẫn người nuôi cá tra vùng ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang đang hết sức kỳ vọng vào sự đổi thay mạnh mẽ từ Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Thế nhưng, quá trình triển khai thực hiện bước đầu gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhất là định hướng người dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sau đề án tái cơ cấu của Bộ NN-PTNT, một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cũng xây dựng đề án riêng. Theo các chuyên gia, cần phải có vai trò của đầu mối để tăng cường mối liên kết vùng, chứ không thể để tự mỗi địa phương làm theo ý riêng của mình.
Được thành lập năm 1998, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vân Hùng (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao) có nhiệm vụ chính phục vụ sản xuất nông nghiệp, đến năm 2002 chuyển sang quản lý điện, công trình nước sạch và các khâu dịch vụ. Hiện nay HTX có 1.270 xã viên, trong đó có 39 người trực tiếp làm 7 dịch vụ: Thuỷ lợi, bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, điện, vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt.
Ngày 24.11, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Nam phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bắc Trà My mở lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, xây dựng đề án khuyến công cho hơn 60 học viên là cán bộ chuyên trách công tác khuyến công và cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn của huyện.