Sắp Bội Thực NM Sắn
Với chủ trương của lãnh đạo tỉnh, diện tích sắn tại Đăk Lăk sẽ tăng lên ít nhất hàng chục nghìn ha, kéo theo nhiều hệ lụy. Viễn cảnh là "bội thực" nhà máy sắn, và theo đó rừng chắc chắn sẽ bị chặt phá đi nhiều hơn nữa để lấy đất trồng sắn.
* Thêm 4 NM sắn nữa, rừng tiếp tục bị "cạo trọc"
Mặc dù diện tích trồng sắn của tỉnh Đăk Lăk đã lên tới 28.000-32.000 ha/năm, với 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn nhưng mới đây, UBND tỉnh này vẫn đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép xây dựng thêm 4 nhà máy nữa. Đây là động thái có thể làm gia tăng tình trạng mất rừng, tàn phá môi trường và nhiều hệ lụy khác.
“Cạo” rừng để trồng sắn
Những năm trước đây, người dân huyện Krông Bông chưa mặn mà với cây sắn, giờ số hộ có vài chục ha sắn không phải là hiếm.
Ông Nguyễn Văn Sỹ ở xã Hòa Phong, huyện Krông Bông cho biết: “Thấy người ta trồng sắn có lãi quá, năm ngoái gia đình tôi cũng chuyển 3 ha đất trồng thuốc lá để trồng loại cây này, trừ hết chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng. Ở đây có nhà còn thuê thêm đất ở các huyện khác để trồng thêm đấy”.
Còn ở xã Cư Đrăm, rất đông đồng bào dân tộc di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc dắt díu nhau vào tận rừng sâu thuộc tiểu khu 1176, ngang nhiên chặt phá cây rừng để lấy đất trồng sắn. Những cánh rừng ở tiểu khu này trước đó không lâu còn ngằn ngặt xanh, thâm u huyền bí, giờ đã bị cạo trọc để thay vào đó là bạt ngàn những sắn là sắn...
Thống kê trong vài năm gần đây cho thấy, diện tích sắn tại Đăk Lăk tăng chóng mặt theo thời giá. Năm 2009, toàn tỉnh có 24.000 ha, năm 2011 tăng lên trên 31.000 ha (sản lượng 610.000 tấn), năm 2012 có gần 26.000 ha (sản lượng 470.000 tấn), năm 2013 trên 29.000 ha (sản lượng trên 570.000 tấn), năm 2014 khoảng 32.000 ha, với sản lượng ước khoảng 1 triệu tấn củ tươi/năm.
Ông Trịnh Tiến Bộ - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Đăk Lăk, cho biết: “Từ nhiều năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh luôn khuyến cáo người dân tập trung thâm canh, không ồ ạt trồng mới cây sắn.
Sở dĩ diện tích sắn trên địa bàn tỉnh tăng nhanh trong những năm gần đây là do từ năm 2008, thương lái Trung Quốc vào thu mua với số lượng lớn, mức giá hấp dẫn nên người dân bất chấp khuyến cáo, đua nhau trồng mới, trong đó có nhiều hộ thậm chí còn phá bỏ một số loại hoa màu truyền thống khác để trồng sắn".
Năm 2013, người trồng sắn được phen điêu đứng khi giá sắn lát bất ngờ rớt xuống còn 1.200 đồng/kg, chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, không hiểu do sức hấp dẫn nào mà niên vụ này, diện tích sắn của tỉnh Đăk Lăk vẫn “nhảy” lên tới khoảng 32.000 ha (trong khi quy hoạch ban đầu chỉ có 15.000 ha).
Đơn cử như huyện Ea Súp: Quy hoạch ban đầu là 1.500 ha, trong khi trên thực tế nông dân huyện này đã trồng tới 3.200 ha sắn; huyện Ea H’leo 4.213 ha, huyện Cư M’ga 5.022 ha, huyện Ea Kar 1.022 ha, huyện Krông Bông 3.433 ha... Các huyện này cũng là nơi có 4 nhà máy tinh bột sắn của tỉnh.
Bất ổn từ một chỉ đạo
Theo tính toán của nông dân, bình quân mỗi ha sắn nông dân đầu tư từ 10-15 triệu đồng sẽ thu được 25-30 tấn. Với giá bán cao , trung bình người trồng sắn sẽ thu lãi 30-35 triệu đồng/ha. Chính vì thấy cái lợi trước mắt từ giá trị kinh tế cây sắn mang lại mà người dân đổ xô làm liều, bất chấp mọi khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Theo ông Trịnh Tiến Bộ, chủ trương của tỉnh là không tăng thêm diện tích trồng sắn, nhưng vừa rồi nhiều huyện vẫn đề nghị cho doanh nghiệp xây dựng thêm nhà máy, kích thích mở rộng vùng nguyên liệu.
Với chủ trương của lãnh đạo tỉnh, diện tích sắn tại Đăk Lăk sẽ tăng lên ít nhất hàng chục nghìn ha. Không thể phủ nhận giá trị kinh tế mà cây sắn mang lại, tuy nhiên cần sớm có kế hoạch tăng cường thâm canh, sử dụng các giống mới có năng suất cao tốt hơn là ồ ạt mở rộng diện tích một cách tràn lan.
Điều đáng nói là với cây sắn, chỉ trồng 2-3 vụ, bao nhiêu dinh dưỡng trong đất đều bị hút sạch. Đất trở nên bạc màu, cằn cỗi, khó có thể gieo trồng được loại cây nào khác. Chưa kể việc mở rộng diện tích ồ ạt như hiện nay sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa, nông dân bị ép giá, khó tránh khỏi thua lỗ.
Có nhiều ý kiến cho rằng: Diện tích sắn của tỉnh Đăk Lăk chủ yếu tập trung ở những địa bàn đất xấu, khó phát triển các loại cây khác; hơn nữa nếu trồng sắn theo đúng khoa học kỹ thuật sẽ ít ảnh hưởng đến đất mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…
Đó chỉ là một cách bao biện của một nhóm người nào đó bởi trên thực tế, do thấy cái lợi lớn trước mắt nên nông dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng sắn trên tất cả các vùng đất, loại đất mà cây sắn có thể mọc, không cần biết đó là rừng cấm, thậm chí còn phá bỏ nhiều diện tích cây trồng truyền thống khác của địa phương để trồng sắn.
Còn “trồng sắn theo đúng khoa học kỹ thuật” thì cũng mới chỉ dừng lại ở ý tưởng tốt bởi sự tự phát nâng diện tích trồng sắn, chạy theo lợi nhuận trước mắt của thị trường nên “ý tưởng” này - với bà con nông dân, xem ra còn quá… xa xỉ!
Trong khi đó, tại cuộc họp mới đây, ông Hoàng Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk đã chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh tiếp tục cho triển khai bổ sung quy hoạch, đầu tư xây dựng thêm 4 nhà máy tinh bột sắn tại các huyện M’Đrắk, Ea Kar và Krông Bông với công suất khoảng 20.000 tấn/năm cho mỗi nhà máy.
Lãnh đạo tỉnh này cũng chỉ đạo Sở NN-PTNT hướng dẫn, thống nhất với các doanh nghiệp xác định, quy hoạch vùng nguyên liệu đảm bảo cho hoạt động sản xuất nhà máy trong thời gian tới. Rõ ràng với số các nhà mấy xây thêm thì Đăk Lăk sẽ "bội thực" nhà máy sắn, và theo đó rừng chắc chắn sẽ bị chặt phá đi nhiều hơn nữa để lấy đất trồng sắn.
Có thể bạn quan tâm
Tính đến hết tháng 10/2015, tổng giá trị XK cá tra đạt 1,3 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2014. Cả chuỗi giá trị sản xuất và XK cá tra đều gặp nhiều khó khăn và không có lãi.
Với diện tích nuôi trồng thuỷ sản tương đối lớn, những năm qua, phát huy tiềm năng, thế mạnh về diện tích mặt nước, xã Thịnh Hưng đã vận động nhân dân tập trung nuôi trồng thuỷ sản, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân trong xã.
Tại hội thảo “Hiện trạng và tiềm năng phát triển cá cảnh tại Việt Nam” do Sở NN&PTNT TP.HCM, Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức ngày 19/11/2015 tại TP.HCM, đa số các đại biểu đều thống nhất cần xây dựng thương hiệu cá cảnh Việt Nam, đánh thức tiềm năng phát triển của ngành này.
Xuất khẩu cá tra sang EU có thể tăng từ 19% hiện nay lên 40% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong những năm tới nếu các doanh nghiệp (DN) có những chiến lược marketing thương hiệu tốt, hướng đến các thị trường giá cao, chất lượng cao.
- Tên tiếng Anh: Alaska Pollock - Tên khoa học: Theragra chalcogramma Pallas, 1814 Tên khoa học mới: Gadus halcogrammus - Thuộc họ Cá tuyết: Gadidae - Thuộc bộ Cá tuyết: Gadiformes