Nuôi Kết Hợp Ốc Hương Và Tu Hài Hiệu Quả Kép
Từ năm 2012 đến nay, mô hình nuôi ốc hương kết hợp với tu hài đã được ngành chức năng chuyển giao cho nhiều hộ dân ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Mô hình này đã mang lại hiệu quả kép về kinh tế lẫn môi trường nên đang được khuyến khích nhân rộng tại các vùng ven biển của tỉnh.
Dự án Ứng dụng công nghệ nuôi ốc hương kết hợp với tu hài trên biển theo hướng bền vững tại vịnh Vân Phong do Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa chủ trì thực hiện, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III chuyển giao kỹ thuật, công nghệ. Trong 2 năm 2012 và 2013, hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ, hướng dẫn để thực hiện mô hình. Tại xã Vạn Hưng, bên cạnh hướng dẫn kỹ thuật, Dự án còn hỗ trợ con giống, thức ăn, vật tư để nuôi ốc hương, tu hài cho 20 hộ dân tham gia.
Ông Nguyễn Sang (thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng) cho biết: “Qua 2 năm tham gia Dự án, tôi nhận thấy hiệu quả cao hơn hẳn so với nuôi đơn loài ốc hương hoặc tu hài. 2 năm trở lại đây, trong khi các hộ xung quanh có ốc bị bệnh và chết hàng loạt thì các hộ nuôi ốc hương kết hợp với tu hài không bị ảnh hưởng lớn. Nhờ vậy, hiệu quả đạt cao hơn”.
Theo tính toán của ông Sang, mỗi vụ, ông được hỗ trợ 4 vạn con giống ốc hương, 160 rổ tu hài để thả nuôi. Kết quả, ông đã thu được 400kg ốc hương, lợi nhuận đạt 40 triệu đồng; còn số tu hài chưa đủ kích cỡ nên ông tiếp tục nuôi, dự kiến sẽ thu hơn 15 triệu đồng. Tính ra, với 4 vạn con ốc hương và 160 rổ tu hài thả nuôi kết hợp đã cho gia đình ông lợi nhuận 65 triệu đồng/vụ.
Các hộ tham gia Dự án cho biết, tốc độ sinh trưởng, tỉ lệ sống, hiệu quả môi trường và hiệu quả kinh tế trong các mô hình nuôi ghép 2 đối tượng ốc hương và tu hài cao hơn so với việc nuôi đơn loài; các yếu tố dinh dưỡng dư thừa trong ao nuôi ghép ở 2 mô hình đều thấp hơn so với việc nuôi đơn loài trước đây, nhờ vậy mà môi trường nuôi được cải thiện đáng kể. Ông Lữ Liệt Tân (thôn Xuân Đông) nói: “Khi nuôi ốc hương kết hợp với tu hài, mật độ ốc thả nuôi thưa hơn so với cách nuôi bình thường.
Tuy số ốc giống thả ít hơn nhưng sản lượng đạt cao hơn nhờ ốc nhanh lớn. Ngoài ốc, người nuôi còn thu hoạch thêm tu hài. Khi nuôi kết hợp 2 đối tượng này, tỷ lệ sống của ốc hương đạt hơn 92%, tu hài hơn 62%; năng suất ốc hương đạt từ 25 đến 28 tấn/ha/vụ, tu hài đạt 15 tấn/ha/vụ”. Với những kết quả đạt được, nhiều nông dân ở xã Vạn Hưng dự tính sẽ mạnh dạn đầu tư nhân rộng mô hình này trong vụ tới.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi mà mô hình nuôi ốc hương kết hợp với tu hài còn góp phần cải thiện môi trường vốn đang bị ô nhiễm. Vì vậy, mô hình này đang được các địa phương khuyến khích nhân rộng. Ông Phan Văn Yên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Hưng cho biết, những năm gần đây, nghề nuôi ốc hương trên địa bàn xã gặp không ít trở ngại, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường nuôi. Điều này đã khiến cho nhiều hộ nuôi lao đao. Năm 2012, nhiều hộ lâm vào cảnh thua lỗ nặng do tỷ lệ ốc hao hụt lớn. Qua thành công của mô hình nuôi ốc hương kết hợp với tu hài của 20 hộ dân trên địa bàn xã, trong vụ nuôi tới, địa phương sẽ nhân rộng mô hình này…
Nghề nuôi trồng thủy sản đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do môi trường nuôi ngày càng bị ô nhiễm nên hiệu quả khá bấp bênh. Trên cơ sở kết quả khả quan của mô hình nuôi ốc hương kết hợp tu hài tại xã Vạn Hưng, các cơ quan chức năng cần nhân rộng mô hình này đến các vùng nuôi khác trên địa bàn tỉnh.
Ông Huỳnh Kim Khánh - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh: “Việc nuôi kết hợp ốc hương và tu hài sẽ tạo cho môi trường nuôi trong sạch hơn. Điều này giúp tỷ lệ sống, sinh trưởng của cả 2 đối tượng nuôi này cao hơn. Khi nuôi, ốc hương ăn những thực phẩm tươi sống, tạo ra chất thải gây ô nhiễm môi trường nước thì sẽ được tu hài hấp thu. Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương nhân rộng mô hình này cho nông dân vùng ven biển.
Có thể bạn quan tâm
Nông dân Bình Thuận đang phát triển mô hình trồng đậu phộng dại thay thế rơm rạ phủ vườn thanh long. Đây là loài cây có thời gian sinh trưởng khá dài, từ 1 - 5 năm và có khả năng chống xói mòn, khống chế sự phát triển cỏ dại để lại nguồn hữu cơ cho đất và cây trồng.
Nông dân trồng vú sữa ở Tiền Giang, đang bước vào vụ thu hoạch vú sữa nâu sớm với niềm vui bán được giá cao, thị trường tiêu thụ rộng mở và người tiêu dùng ưa chuộng. Theo chị Ngô Thị Nhu, chủ vựa trái cây Dũng Nhu ở chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim, huyện Châu Thành cho biết: Vú sữa nâu được bán ở chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim với giá khoảng 420.000 đồng/chục (14 trái). Do vú sữa đầu mùa xuất hiện ít, nên phương thức mua bán được tính theo trái chứ không theo chục như chính vụ, tương đương 30.000 đồng/trái (loại trên 400 gam/trái). Giá này cao hơn chính vụ từ 8 đến 10 lần. Với mức giá trên, nhà vườn trồng vú sữa nâu thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng/ha.
Trong 3 năm từ 2010 – 2013, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng phối hợp với dự án Jica – Sofri triển khai thực hiện dự án “Cải thiện hệ thống khuyến nông để áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng trọt cho nông dân nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long” tại huyện Kế Sách. Sau hơn 3 năm thực hiện, mô hình đã thu được kết quả khả quan.
Tại chợ Long Biên, phần lớn cam đổ về chợ là cam Trung Quốc, cam Văn Giang (Hưng Yên). Trong đó, cam Trung Quốc bán đổ đống với giá 15.000-17.000 đồng/kg. Từ chợ Long Biên, cam về các chợ nhỏ lẻ, được “thay tên, đổi họ” gắn mác cam Vinh bán với giá cao.
Sau 2 năm dự án cạnh tranh nông nghiệp “vào” với vùng cam Minh Thành (Yên Thành - Nghệ An), những vườn đồi cam nơi đây đã có sự đổi thay rõ rệt. Chất lượng cũng như năng suất cây cam được cải thiện, thu nhập và đời sống người dân cũng được nâng lên đáng kể.