Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Từ Nghề Nuôi Cá Lồng

Triển Vọng Từ Nghề Nuôi Cá Lồng
Ngày đăng: 18/09/2013

Lào Cai có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển thuỷ sản như số lượng ao, hồ nhiều với tổng diện tích mặt nước khoảng 1.500 ha; các hồ chứa có nguồn nước dồi dào phù hợp với điều kiện sinh sống của nhiều loài cá nuôi, nguồn nước chưa bị ô nhiễm. Nghề nuôi cá lồng mặc dù quy mô nhỏ nhưng đã sớm hình thành.

Tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản, đây là những cơ sở quan trọng để hy vọng nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nghề nuôi cá lồng đã hình thành và phát triển ở một số địa phương như Bảo Yên, Bảo Thắng với trên 70 lồng nuôi, đối tượng nuôi lồng chủ yếu là cá trắm cỏ, cá chiên, cá nheo được nuôi trong lồng tre, lồng lưới, lồng gỗ hoặc lồng sắt thép. Sản lượng nuôi hàng năm đạt 38-40 tấn, năng suất bình quân đạt 13 kg/m3.

Mới đây, huyện Bắc Hà đã triển khai mô hình thí điểm nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bắc Hà, nhằm tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho bà con nông dân sinh sống khu vực xung quanh hồ. 20 hộ nông dân tại xã Cốc Ly được chọn làm mô hình trình diễn. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cá giống và nguyên vật liệu làm lồng, đồng thời được cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn quá trình chăm sóc cho đến khi thu hoạch sản phẩm.

Mô hình nuôi cá lồng được triển khai và bước đầu đi vào hoạt động góp phần hình thành nghề mới phù hợp cho người dân, đặc biệt là các hộ dân ven lòng hồ thủy điện. Từ đó, giúp cho người dân trên địa bàn có thể khai thác được tiềm năng sẵn có để đầu tư phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào công tác xoá đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nghề nuôi cá lồng tại các địa phương trong tỉnh cũng gặp một số khó khăn như: Còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch, phát triển sản xuất chưa gắn với bảo vệ môi trường, dịch bệnh phát sinh. Trình độ kỹ thuật của người nuôi còn hạn chế, chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, nên năng suất, sản lượng chưa cao, loại giống thủy sản nuôi chưa phong phú; thị trường tiêu thụ không ổn định…

Để phát huy được tiềm năng, lợi thế về phát triển thủy sản trên các hồ chứa, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Các địa phương có tiềm năng phát triển nghề nuôi cá lồng cần tuân thủ theo quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh; có kế hoạch bồi dưỡng cho lực lượng cán bộ khuyến nông của xã có thêm nghiệp vụ chuyên môn về thuỷ sản, để họ trực tiếp hướng dẫn, phổ biến cho nông dân.

Cùng với đó, lồng ghép các chương trình, mô hình khuyến ngư để tập huấn kỹ thuật cho cán bộ đoàn thể (thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ), lực lượng này sẽ giúp cho việc triển khai các chương trình, dự án và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất nhanh có hiệu quả. Ngoài ra cần học tập kinh nghiệm nuôi cá lồng tại các tỉnh có nghề nuôi cá lồng phát triển như Hải Dương, Hòa Bình, Yên Bái… và xác định các loại giống thủy sản có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện nuôi lồng, bè tại địa phương gắn với nhu cầu thị trường.

Xây dựng và tuân thủ quy chế quản lý, phối hợp giữa các cấp, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng trong công tác chỉ đạo, phát triển nuôi cá hồ chứa theo hình thức cộng đồng; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ; quản lý chặt các hoạt động về cung cấp giống, thức ăn, xử lý các trường hợp dịch bệnh, thiên tai, chú trọng việc bảo vệ môi trường nước.

Đồng thời, tiếp tục rà soát và ban hành chính sách hỗ trợ nghề nuôi cá lồng, nhất là chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện bao tiêu sản phẩm với các cơ sở nuôi, tạo vùng cung cấp ổn định và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đầu tư thực hiện các dự án về phát triển cá lồng tại các địa phương có nghề nuôi cá lồng mới phát triển như Bắc Hà, Si Ma Cai để thúc đẩy hình thành và nhân rộng nghề nuôi cá lồng.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, sự phối hợp đồng bộ của các cấp ngành và người dân, trong thời gian tới, nghề nuôi cá lồng trên các hồ chứa của tỉnh sẽ có nhiều triển vọng, góp phần xóa đói, giảm nghèo và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi.


Có thể bạn quan tâm

Diệt Chuột Bằng Bẫy Phên Tự Làm Diệt Chuột Bằng Bẫy Phên Tự Làm

Vụ mùa năm nay thời tiết thuận lợi nên lúa phát triển nhanh nhưng cũng chưa vụ nào ở Hòa Bình (Vũ Thư, Thái Bình) chuột nhiều như vụ này. Từ đầu vụ, Ban quản trị HTX chủ động tổ chức 3 đợt rải mồi diệt chuột bằng thuốc sinh học trên diện tích canh tác toàn xã. Các hộ nông dân nhà nào cũng chống chuột bằng cách căng nilon bao vây quanh ruộng, một số hộ kết hợp cả diệt chuột bằng thuốc tự mua, song chuột vẫn rất nhiều.

26/08/2013
Đừng Bỏ Lỡ Cơ Hội Của Trái Thanh Long Đừng Bỏ Lỡ Cơ Hội Của Trái Thanh Long

Là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái đứng đầu cả nước nên việc thay đổi ngành Nông nghiệp, Tiền Giang không thể bỏ qua nhóm hàng này. Theo đánh giá của Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), có lẽ chưa có loại nông sản nào có mức tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng và ổn định như trái thanh long.

26/08/2013
Thấp Thỏm Với Giá Lúa Thấp Thỏm Với Giá Lúa

Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thu hoạch sớm vụ lúa Thu đông 2013. Tuy nhiên, giá lúa liên tục sụt giảm trong những ngày qua, nhất là những giống có phẩm cấp gạo thấp (IR 50404), đã khiến nhà nông không khỏi lo lắng.

26/08/2013
Nhộn Nhịp Sản Xuất, Kinh Doanh Mùa Lũ Nhộn Nhịp Sản Xuất, Kinh Doanh Mùa Lũ

Nước lũ đang đổ mạnh về các địa phương ở vùng ĐBSCL. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh mùa lũ theo đó cũng bắt đầu nhộn nhịp. Người dân ở TP Cần Thơ đang kỳ vọng nước lũ về nhiều hơn mọi năm, tạo thuận lợi cho kinh doanh chài lưới, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản…

27/08/2013
Làm Giàu Nhờ Nuôi Chồn Hương Làm Giàu Nhờ Nuôi Chồn Hương

Anh Hồ Duy Trung (ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) với ý định ban đầu nuôi chồn hương để làm thú cảnh, nhưng giờ trở nên khá giả nhờ loại động vật hoang dã này.

27/08/2013