Rầu Vì Sâu Cuốn Lá
Lâu ngày không gặp, cuối tuần rồi, trên đường về quê, Tư tôi tranh thủ ghé thăm anh Chín Hương An ở huyện Quế Sơn. Chạm ngõ, thấy cửa đóng then cài, hỏi người hàng xóm thì được biết vợ chồng anh đang ở ngoài đồng, tôi tìm ra ruộng.
- Chi mà cả vợ lẫn chồng đều mang bình thuốc xịt trên ruộng lúa non rứa ông anh?
- Vừa diệt xong ốc bươu vàng thì khoảng 10 ngày trở lại đây sâu cuốn lá bùng phát mạnh trên diện rộng. Bây giờ, nhiều vạt lúa đã cháy trắng xóa, nếu không khẩn trương phun trừ thì chắc chắn sẽ khó tránh khỏi nguy cơ mất mùa...
Đầu vụ hè thu này, vợ chồng anh Chín Hương An triển khai gieo sạ 6 sào lúa bằng loại giống dài ngày Nhị ưu 838. Cách đây chừng nửa tháng, thấy ốc bươu vàng xuất hiện mỗi lúc một nhiều, sợ mùa màng thất bát nên mọi người phải túc trực thường xuyên ở ngoài đồng để bắt và tiêu hủy. Chưa kịp mừng vì ốc bươu vàng không còn gây hại thì hơn một tuần nay, anh Chín lại lao đao trước sự hoành hành ngày càng dữ dội của sâu cuốn lá.
Anh Chín lắc đầu: “Cuối tháng 6, thấy sâu cuốn lá gây hại rải rác, tui lập tức mua thuốc về xịt nhưng tình hình không giảm mà còn lan rộng. Chừ cây mạ đang đẻ nhánh rộ, nếu không tiêu diệt loại sâu nguy hiểm này thì sản lượng lúa tụt giảm mạnh là điều khó tránh khỏi, thậm chí mất trắng”.
Trao đổi với Tư tôi, ông Nguyễn Văn Chín - Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, 3 tuần trở lại đây, sâu cuốn lá bùng phát rất mạnh trên khắp các cánh đồng lúa của huyện. Tính đến thời điểm này tại 14 xã, thị trấn đã có ít nhất 150ha lúa non bị gây hại. Theo ông Chín, sâu cuốn lá thường nở rộ và gây hại trên phạm vi rộng vào giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ.
Để phòng trừ tốt, nông dân cần tích cực giám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình. Thời kỳ lúa đẻ nhánh, chỉ nên phun thuốc khi mật độ sâu xuất hiện chừng 20 con/m2, bởi trong giai đoạn này nếu sâu gây hại với mật độ thấp thì thiệt hại không đáng kể vì cây lúa có khả năng tự bù đắp.
Còn ở thời kỳ lúa làm đòng và trổ, nếu sâu xuất hiện với mật độ 6 - 9 con/m2 thì phải phun thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ. ông Chínkhuyến cáo: “Quan sát đồng ruộng, nếu thấy bướm rộ nhiều thì bà con tiến hành phun thuốc sau đó khoảng 5 - 7 ngày để diệt sâu mới nở, cách này sẽ đem lại hiệu quả cao hơn”.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2020. Trong đó có nhiệm vụ “Nghiên cứu bảo tồn, tư liệu hóa đánh giá sơ bộ nguồn gen cây mè đen 2 vỏ trên địa bàn tỉnh”. Công tác bảo tồn nguồn gen chủ yếu tập trung vào các đối tượng nguồn gen đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao đang có nguy cơ cạn kiệt, điển hình là mè đen 2 vỏ Bình Thuận.
7 tháng đầu năm, XK gạo chất lượng cao tăng trưởng rất tốt. Ông Huỳnh Minh Huệ- Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)- khẳng định: Đây là phân khúc gạo cần được đẩy mạnh sản xuất để XK thời gian tới.
Thanh long ở Bình Thuận liên tục rớt giá trong gần nửa tháng qua khi vụ thu hoạch chính vào đợt cao điểm, bắt đầu từ giữa tháng 7.
Viện KHKT nông nghiệp Bắc Trung bộ (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đã nghiên cứu, chọn tạo thành công giống mía VĐ00-236 có năng suất, chất lượng cao phù hợp với sinh thái vùng đất đồi.
Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, anh Nguyễn Văn Cường, xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) giờ trở thành ông chủ trang trại trồng khoai lang rộng 60ha, thu lãi hơn 8 tỷ đồng mỗi năm.