Gia Cầm Chết Hàng Loạt Ở Tuy Phước Bình Định
Hơn tháng qua, người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tuy Phước (Bình Định) như ngồi trên đống lửa khi đàn gia cầm bị dịch bệnh chết hàng loạt. Điều đáng lo ngại là nhiều hộ chăn nuôi đã vứt bỏ gia cầm chết xuống kênh mương thủy lợi, gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Nhiều hộ chăn nuôi trắng tay
Tình trạng gia cầm trên địa bàn huyện Tuy Phước bị chết xảy ra từ thời điểm trước Tết Nguyên đán đến nay, trong đó xã Phước Hiệp có đàn gia cầm bị chết nhiều nhất. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Anh Tú, ở thôn Giang Bắc, xã Phước Hiệp, vừa có đàn gia cầm hàng ngàn con bị chết.
Đưa chúng tôi ra khu vực chuồng trại trống không, ông Tú buồn rầu cho biết: “Năm nay tôi đầu tư chuồng trại mua 6.000 con gà giống về thả nuôi và hy vọng mang lại nguồn thu lớn. Không ngờ đến ngày mùng 6 tháng Chạp (thời điểm gà chuẩn bị xuất bán), bỗng dưng gà bị tím mồng, đen đầu, xuất huyết chân, chết hàng loạt. Chỉ trong vòng 6 ngày, đàn gà 6.000 con chết sạch, gia đình tôi đào hố chôn không kịp, thiệt hại khoảng gần 500 triệu đồng.
Nhà ông Huỳnh Văn Đệ, ở đội 1 thôn Giang Nam cũng có đàn gia cầm 2.000 con bị dịch bệnh chết. Ông Đệ bộc bạch: Đàn gà của tôi đã nuôi được 2 tháng rưỡi, dự định sẽ xuất bán trước Tết Giáp Ngọ 2014, nhưng từ ngày 18 đến ngày 23 tháng Chạp, đàn gà chết sạch, trở tay không kịp, thiệt hại khoảng 140 triệu đồng.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài 2 hộ nói trên còn nhiều hộ chăn nuôi khác ở xã Phước Hiệp cũng có đàn gia cầm bị chết. Tình trạng này cũng đã và đang xảy ra ở các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận, Phước Thắng, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi. Điều đáng nói là một số hộ chăn nuôi đã vứt bỏ gia cầm chết xuống các tuyến kênh mương thủy lợi ở địa phương, gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, khiến cho người dân hoang mang, lo lắng.
Quan sát nhiều tuyến kênh mương thủy lợi thuộc địa bàn các xã nói trên, chúng tôi thấy có rất nhiều bao tải chứa đựng xác gia cầm đang trôi nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối.
Trong tình hình dịch cúm gia cầm (DCGC) đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trong nước, người dân địa phương hoài nghi đàn gia cầm bị chết là do bị DCGC và mong muốn chính quyền địa phương, ngành chức năng của tỉnh tìm nguyên nhân, hỗ trợ người chăn nuôi phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.
Đàn gia cầm chết là do bệnh Newcastle
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Hiện tượng gia cầm chết tại các xã Phước Hiệp, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận, Phước Thắng là có thật, nhưng đến nay các địa phương chưa có báo cáo chính thức về số lượng gia cầm chết trong thời gian qua.
UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền các địa phương kiểm tra thực trạng và báo cáo với ngành chức năng của tỉnh để lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy, hầu hết đàn gà bị chết đều bị bệnh Newcastle, chứ không phải bị DCGC.
Trong những ngày qua, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã triển khai công tác phun thuốc khử độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi, tổ chức thu gom xác gia cầm để chôn theo đúng quy định. Bên cạnh đó, tổ chức đồng loạt ra quân tiêm vắc-xin phòng DCGC cho đàn gia cầm.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, cho biết thêm: Sau khi kiểm tra thực tế, chúng tôi xác định đàn gà của người dân ở một số xã trên địa bàn huyện Tuy Phước bị chết là do nhiễm bệnh Newcastle hay còn gọi là bệnh dịch tả gà.
Nguyên nhân là do thời tiết lạnh kéo dài làm cho sức đề kháng của vật nuôi giảm; một số hộ chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho gia cầm chưa đúng quy trình, nên vi rút gây bệnh Newcastle có điều kiện thuận lợi để bùng phát gây hại đàn gia cầm. Chi cục đã hỗ trợ thuốc thú y cho huyện Tuy Phước để tiêm phòng phòng chống dịch bệnh Newcastle và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, bảo vệ đàn gia cầm.
Riêng đối với bệnh Newcastle, người chăn nuôi cần sử dụng vắc-xin đúng quy trình hướng dẫn, kết hợp với chăm sóc nuôi dưỡng tốt, bổ sung trong thức ăn và nước uống các loại vitamin cùng khoáng chất để tăng sức kháng bệnh. Bên cạnh đó, phải dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ và thường xuyên phun thuốc sát trùng chuồng trại chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Dù kim ngạch xuất khẩu thanh long tiếp tục có sự bứt phá ấn tượng ở hầu hết các thị trường, nhưng người nông dân đang được khuyến cáo phải tập trung vào chất lượng của trái để tránh rơi vào cảnh “sống dở, chết dở” như bài học đối với dưa hấu đầu năm nay
Được trồng làm nguyên liệu giấy từ năm 2004, đã 10 năm trôi qua kể từ ngày đưa vào trồng, hơn 60ha cây luồng đến thời kỳ khai thác không có người đến thu mua, tưởng chừng sẽ chẳng để làm gì, nay luồng đã bắt đầu đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng ở xã Mỹ Phương (Ba Bể).
Nhằm giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất, Đồng Tháp đang nỗ lực tổ chức lại sản xuất để đưa nông sản vào hệ thống phân phối. Thế nhưng, trong khi các siêu thị có nhu cầu rất lớn đối với nhóm hàng rau, củ, quả tươi sống thì nông dân trong tỉnh lại chưa thể tham gia vào hệ thống này...
Từ đầu năm 2014 đến nay, huyện Cao Lãnh đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để xây dựng các đê bao khép kín diện tích vườn với chiều dài trên 15,5km, tập trung tại các xã ven quốc lộ 30. Đến thời điểm này, các công trình trên đều cơ bản hoàn thành, bảo vệ hơn 5.000ha vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện.
Khi nước lũ ở đầu nguồn đổ về mạnh, nhiều nông dân tìm mua các loại cá giống để thả nuôi trong mùa lũ, nên hiện nay sức mua các loại cá giống ở huyện Tam Nông đang bắt đầu tăng mạnh.