Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rau Mầm - Sản Phẩm Nông Nghiệp Đô Thị Ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Rau Mầm - Sản Phẩm Nông Nghiệp Đô Thị Ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Ngày đăng: 04/06/2012

Trước thực trạng rau xanh bị phun thuốc trừ sâu và sử dụng nhiều loại thuốc tăng trưởng độc hại, rau mầm đang là một món ăn mới được nhiều bà nội trợ ưa thích, bởi vừa an toàn, vừa giàu chất dinh dưỡng. Do vậy, trồng rau mầm đang là hướng đầu tư mới trong sản xuất rau sạch của một số bà con nông dân trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo chân ông Lê Minh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Toàn (TX.Bà Rịa), chúng tôi đến thăm mô hình trồng rau mầm của chị Nguyễn Thị Như Tuyên, khu phố 1, phường Long Toàn. Vừa bước tới ngõ, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những khay rau mầm xanh mướt chất từng tầng trên những dãy kệ. Chị Tuyên cho biết, năm 2010, gia đình chị được Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh cho vay 15 triệu đồng để phát triển kinh tế. Nhận thấy mô hình trồng rau mầm ở địa phương còn mới mẻ, không cần nhiều vốn và ít hao tốn nhân lực nên gia đình chị quyết định đầu tư sản xuất rau mầm ngay tại nhà. Với diện tích chưa đầy 30 m2, mô hình trồng rau mầm này đã mang lại thu nhập khá cho gia đình chị.

Anh Lê Đức Sơn, chồng chị Tuyên chia sẻ, trồng rau mầm không khó nhưng đòi hỏi phải chăm sóc tỉ mỉ và thực hiện đúng các bước: Chọn giống, pha nước nóng lạnh để ngâm hạt, tưới nước và theo dõi nhiệt độ. Tháng đầu tiên thử nghiệm trồng, gia đình anh đã thất bại do không thành thạo quy trình chăm sóc. Tuy nhiên, niềm đam mê trồng rau mầm cứ thôi thúc khiến anh không thể bỏ cuộc. Anh tiếp tục nghiên cứu và học hỏi qua các lớp tập huấn của Hội nông dân. Đến nay, mô hình rau mầm của anh chị đã ổn định sản xuất, mỗi ngày anh chị xuất gần 30 - 40 kg rau, với giá bán hiện tại khoảng 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 300.000 – 400.000 đồng/ngày. “Cái hay của việc trồng rau mầm là không đòi hỏi không gian rộng, ít tốn thời gian và công sức. Đặc biệt, cách sản xuất rau mầm rất hợp với cuộc sống đô thị” - anh Sơn chia sẻ.

Mô hình trồng rau mầm của chị Đặng Thực, ở phường Thắng Nhất (TP. Vũng Tàu) cũng mang lại hiệu quả khá cao. Chị Thực cho biết, chị bắt đầu trồng rau mầm từ đầu năm đến nay với diện tích 100 m2, mỗi ngày, chị thu từ 20 – 40 kg rau mầm tùy theo đơn đặt hàng, thông thường khách đặt hàng nhiều vào những ngày thứ bảy, chủ nhật. Cơ sở “Rau mầm Đặng Gia Trang” của chị Thực đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm, bởi rau ở đây có nhiều chủng loại như: Mầm cải, mầm rau muống, hoa hướng dương, đậu Hà Lan… Theo chị Thực, rau mầm rất giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt rất tốt cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, vì vậy thị trường đầu ra khá rộng rãi. Tuy nhiên, chị Thực cho biết, hiện tại chị chưa dám mở rộng sản xuất vì đang ổn định kỹ thuật. “Nếu có kỹ thuật ổn định thì việc trồng rau mầm dễ lấy lại vốn và thu lãi nhanh” - chị Thực cho biết.

Trước nhu cầu sử dụng rau sạch ngày càng cao, rau mầm đang là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Trồng rau mầm được xem là hướng đi mới trong sản xuất rau sạch, là giải pháp tốt nhất cho những hộ trồng rau với diện tích nhỏ nhưng vẫn cho thu nhập cao, ổn định.


Có thể bạn quan tâm

Gắn việc quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy với sinh kế người dân Gắn việc quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy với sinh kế người dân

Canh tác nương rẫy vốn là tập quán sản xuất lâu đời của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Cùng với đó là tình trạng du canh du cư, phát rừng làm rẫy một cách tự phát đã làm cho tài nguyên rừng đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng.

25/05/2015
Nông dân tìm lời giải bài toán cá tra Nông dân tìm lời giải bài toán cá tra

Tôn trọng tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng hợp tác xã kiểu mới, Nhà nước phải tăng cường hỗ trợ… là những gì ông Nguyễn Hữu Nguyên (thường gọi ba Nghiệp), “đại gia” nuôi cá tra ở xã Khánh Hòa (Châu Phú - An Giang), đúc kết được sau nhiều chuyến học tập ở nước ngoài. Theo ông, nếu không thay đổi tư duy sản xuất, cá tra Việt Nam sẽ khó tồn tại và cạnh tranh với thế giới.

25/05/2015
Đau đáu với nỗi lo con nghêu Đau đáu với nỗi lo con nghêu

Không ai biết rõ con nghêu xuất hiện ở vùng biển Gò Công từ bao giờ, chỉ biết những năm trước đây, nhiều người đã khai thác và làm giàu từ nó. Chính vì nguồn lợi quá dồi dào nên nhiều người đã ví các sân nghêu như mỏ “vàng trắng”. Tuy nhiên, những năm gần đây, người nuôi nghêu lại đau đáu nỗi lo mỗi khi vào mùa thu hoạch; nhiều người mất ăn, mất ngủ, thậm chí bạc đầu vì nó.

25/05/2015
Tỷ phú nuôi tôm thẻ chân trắng Tỷ phú nuôi tôm thẻ chân trắng

Được cán bộ nông nghiệp xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên giới thiệu, chúng tôi tìm đến mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên nền cát trải bạt của anh Lê Văn Nhất ở thôn Hòa Thạch.

25/05/2015
Nỗi buồn rong mơ Nỗi buồn rong mơ

Cứ đến tháng 5 - 6 hằng năm, người dân ở các vùng ven biển Bình Sơn (Quảng Ngãi) lại được dịp hái “lộc biển” khi đua nhau khai thác rong mơ. Tuy nhiên, tình trạng khai thác ồ ạt loại rong biển này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển gần bờ.

25/05/2015