Nhiều cửa hàng treo biển bán rau sạch, nhưng thực tế có phải rau được sản xuất ở vùng rau an toàn không thì chưa thể khẳng định được.
Mù mờ về rau an toàn
Chị Nguyễn Thị Loan (45 tuổi, ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai – Hà Nội) chia sẻ, trong bữa ăn gia đình, rau là món không thể thiếu. Tuy nhiên, trước thông tin thực phẩm nhiễm bẩn, chị tìm biện pháp vào siêu thị để chọn rau sạch; nếu ra chợ, chị chọn mua rau của người quen hoặc được người bán giới thiệu là “rau nhà trồng”.
Tuy nhiên, chị Loan cho biết: “Đây chỉ là biện pháp tâm lý, chứ thực chất người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là rau an toàn và rau không an toàn, bởi những người nội trợ như tôi chỉ quan sát bằng mắt thường hoặc theo kinh nghiệm để mua rau mà thôi”.
Rau an toàn được trồng ở xóm Mòng, thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho biết: Hiện nay trên thị trường có nhiều cửa hàng treo biển bán rau sạch, nhưng thực tế có phải rau được sản xuất ở vùng rau an toàn không thì chưa thể khẳng định được. Rau an toàn hiện nay chỉ đáp ứng một phần nhu cầu người tiêu dùng, điều đó đồng nghĩa với phần lớn các bà nội trợ vẫn đang mua rau được sản xuất ở những nơi chưa đủ điều kiện trồng rau an toàn.
Thực tế cho thấy, nhiều người tiêu dùng đã “mất niềm tin” với rau ngoài chợ vì không rõ nguồn gốc, thế nên có người đã phải vượt hàng chục cây số để về tận ruộng rau ở quê mua về thành phố sử dụng dần – với niềm tin “rau ở quê mới sạch”. Trong khi nhiều người lại quá tin vào thương hiệu rau an toàn, song giữa “ma trận” rau ngoài chợ, họ không thể nhận biết được đâu là loại rau mình cần mua.
Một số người tiêu dùng thì dựa vào cảm quan và hình thức khi cho rằng rau tươi, xanh, không có sâu là rau an toàn; trái lại, có người cho rằng rau có sâu mới là biểu hiện không phun thuốc bảo vệ thực vật, đó mới là “sạch”. Thế nên, giữa “định nghĩa” và thực tế quan sát về rau an toàn là vô cùng khó phân định.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện việc cung ứng rau xanh mới đáp ứng về số lượng, còn về chất lượng mới kiểm soát được một phần nhỏ. Ông Hùng đặt vấn đề, những sản phẩm được bán tại chuỗi cửa hàng (chính thống) được công nhận là rau an toàn, vậy sản phẩm còn lại – chiếm đa số trên thị trường – là rau không an toàn hay sao? Điều này rất cần câu trả lời thỏa đáng từ phía các cơ quan chức năng như Bộ NN&PTNN, Bộ Công thương và Bộ Y tế.
Để rau an toàn đến bữa ăn gia đình
Rau an toàn là khái niệm không còn mới với người dân Việt Nam. Khi những tin đồn về “rau bẩn”, thực phẩm “bẩn” được lan truyền, khiến dư luận hoang mang, người tiêu dùng sẽ tìm đến với “thực phẩm sạch”. Theo đó, nhu cầu về rau an toàn ngày càng trở nên bức thiết.
TS. Đào Thế Anh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp cho biết, mặc dù nhiều chương trình, dự án thúc đẩy mặt hàng này, nhưng đến cuối năm 2010, diện tích rau có kiểm soát chất lượng trên toàn quốc chỉ là xấp xỉ 0,1%. Đến năm 2012, diện tích này không những không tăng mà còn bị giảm đi.
Diện tích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên cả nước chỉ đạt 820 ha. Hà Nội là địa phương đi đầu phong trào sản xuất rau an toàn, nhưng diện tích rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP mới chỉ có 68,3 ha và 312 ha có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.
Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT, với hơn 2,4 triệu người, nhu cầu rau ở khu vực nội thành Hà Nội rất lớn – khoảng 1.500 tấn mỗi ngày và đặc biệt tăng cao trong dịp lễ tết. Tuy nhiên, sản lượng rau an toàn cũng mới chỉ đáp ứng khoảng 14% nhu cầu của người tiêu dùng.
Thế nên mới có chuyện, nhiều sản phẩm “rau thường” bị các nhà kinh doanh lợi dụng “hô biến” thành rau sạch để đánh lừa người tiêu dùng, và các bà nội trợ hàng ngày vẫn đưa vào bữa ăn gia đình cái gọi là “rau sạch” nhưng chất lượng rau như thế nào thì… chẳng ai biết.
Theo các chuyên gia, rau an toàn chỉ là xét trên phương diện lý thuyết. Thực tế, để xác định được rau “thực sự sạch” cần phải qua nhiều khâu kiểm tra, xét nghiệm với chi phí tốn kém. Trong khi có 50% người sản xuất rau an toàn và 90% người tiêu dùng tại Hà Nội “mù mờ” về khái niệm rau an toàn, vì thế hầu hết người nội trợ khi mua rau trông chờ vào sự “rủi may”. Người tiêu dùng chấp nhận bỏ ra nhiều tiên hơn để mua được rau an toàn, song làm thế nào để mua được sản phẩm này vẫn câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng khuyến nghị: “Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có quyền được an toàn, quyền được thông tin, VINASTAS rất mong các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi tăng cường hơn nữa biện pháp quản lý và kiểm tra, kiểm soát từ khâu sản xuất đến lưu thông, chế biến; người sản xuất, kinh doanh đề cao hơn nữa trách nhiệm và lương tâm trong việc sản xuất, chế biến và cung ứng ra thị trường ngày càng nhiều sản phẩm rau an toàn phục vụ người tiêu dùng, trong đó có bản thân và gia đình mình”.
TS. Đào Thế Anh: Tháng 11/2011, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) đã tổ chức một cuộc điều tra về nhận thức của người tiêu dùng về rau an toàn tại 6 tỉnh, thành phố phía Bắc. Kết quả cho thấy, có tới 90% người tiêu dùng được hỏi cho biết rau là thực phẩm quan trọng nhất. Tuy nhiên, khi hỏi về “thế nào là rau an toàn” thì hơn 90% cho biết không thể phân biệt được đâu là “rau sạch” và “rau bẩn” bằng mắt thường.