Vai Trò Của Hội Nông Dân Tham Gia Phát Triển Kinh Tế Và Xây Dựng Nông Thôn Mới
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là cuộc vận động đòi hỏi phải có sự nỗ lực tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Là thành viên trong Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh, các cấp Hội Nông dân thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò trách nhiệm của hội trong các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới.
Với 251.664 hội viên nông dân, chiếm gần 85% số hộ nông nghiệp trong tỉnh, thời gian qua các cấp Hội Nông dân tỉnh đã tích cực, chủ động trong việc tuyên truyền và vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Xác định rõ vai trò của hội đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, các câu lạc bộ nông dân, trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo, Đài, loa phát thanh, Bản tin, trang thông tin điện tử, các hội thi... trên cơ sở đó, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương và công tác hội. Với vai trò của Hội tham gia xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch và lựa chọn 4/19 tiêu chí để chỉ đạo các cấp hội tổ chức thực hiện, cụ thể như tiêu chí vệ sinh môi trường, dạy nghề cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng gia đình văn hóa làng bản văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chỉ đạo các cấp hội tích cực vận động hội viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trong thời gian qua các phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động được đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia hưởng ứng. Nổi bật là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Bình quân hàng năm có hơn 100 nghìn hộ đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi, toàn tỉnh đã có 40.614 mô hình thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, 582 mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Để đạt được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực, chủ động của hội viên, nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, luân canh, xen canh lúa hoa mầu, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, cụ thể như tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm; tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội; mở các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, tổ chức các lớp dạy nghề; hỗ trợ nông dân mua máy móc nông nghiệp, vật tư, phân bón; triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình, dự án làm điểm để hội viên, nông dân học tập và nhân rộng...
Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới được hội viên nông dân tích cực tham gia hưởng ứng gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Với nhiều hình thức vận động phong phú, 5 năm gần đây, nông dân các địa phương trong tỉnh đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng triệu ngày công làm mới, sửa chữa và nâng cấp hơn 7.436 km đường giao thông nông thôn; nạo vét, nâng cấp 3.825 km kênh mương nội đồng. Nhiều thôn, làng đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn, thuỷ lợi, trạm bơm và nhà văn hoá… tạo nên một diện mạo mới ở các làng quê trong thời kỳ đổi mới. Một trong những hình thức tổ chức tạo điều kiện để hội viên nông dân tích cực tham gia đóng góp có hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đó là các cơ sở hội đã thành lập, duy trì sinh hoạt các loại hình câu lạc bộ nông dân. Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì được 1.948 câu lạc bộ với 73.229 thành viên. Nội dung, hình thức sinh hoạt của các câu lạc bộ thường xuyên đổi mới phù hợp với nhiệm vụ ở từng thời điểm. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về các chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn môi trường nông thôn v.v...Với phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh, các cấp hội thường xuyên tuyên truyền cho hội viên nông dân nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong tình hình mới; phối hợp với các đơn vị trên địa bàn thực hiện tốt công tác dân vận.
Nhằm tiếp tục xây dựng, nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động, thời gian tới các cấp hội tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Làm tốt công tác tuyên truyền, tích cực đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ chủ chốt bảo đảm tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, củng cố tổ chức hội và các phong trào nông dân trong tình hình mới theo Kết luận số 61-KL/BBT của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26 – NQ/TW ngày 05/8/2008 tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chỉ thị số 59 – CT/TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị (khoá VIII) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn”… gắn với Quyết định 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020, hướng dẫn các hình thức phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà theo hướng nhanh và bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Vụ hè thu 2015, nông dân xã Hòa Bình (Chợ Mới, An Giang) xuống giống 150 héc-ta mè, tăng 60 héc-ta so năm trước. Hiện nay, nông dân thu hoạch dứt điểm 100% diện tích xuống giống, năng suất từ 150 - 180 kg/công. Với giá từ 38.000 - 40.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi công mè mang lại lợi nhuận từ 4 - 5 triệu đồng.
Việc lựa chọn cây trẩu để trồng rừng ở một số địa phương trong tỉnh Lào Cai bước đầu đã mang lại “lợi ích kép” giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Sau nhiều năm chăn nuôi bò theo phương pháp cũ không mang lại hiệu quả, anh Đặng Ngọc Phong (SN 1981) ngụ ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc nuôi bò vỗ béo và bán bò giống. Mô hình chăn nuôi này giúp giảm chi phí, công lao động và đảm bảo môi trường, vừa cho lợi nhuận kinh tế cao.
Ngày 7-6 vừa qua, sản phẩm trứng gà Omega 3 của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển chăn nuôi gia công - Tập đoàn DABACO là đại diện duy nhất của Bắc Ninh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Chứng nhận này là động lực, cơ hội để đưa nông sản có giá trị của Bắc Ninh tiếp cận những thị trường rộng lớn hơn.
Ô nhiễm môi trường cùng với tác động của các biện pháp đánh bắt hủy diệt như dùng lưới mắt nhỏ, kích điện, chất nổ... đang làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản (NLTS) của Hà Nội cũng như các địa phương khác.