Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngọt Ngào Bưởi Lương Phong

Ngọt Ngào Bưởi Lương Phong
Ngày đăng: 21/11/2013

Những ngày này, khách hàng tấp nập về xã Lương Phong (Hiệp Hoà- Bắc Giang) thu mua bưởi Diễn đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong cả nước. Những trái bưởi vàng tươi, thơm ngát giữa cái rét đậm cuối năm mang lại niềm vui cho người dân nơi đây.

Được sự giới thiệu của cán bộ Hợp tác xã bưởi Diễn của xã, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Xạ, 75 tuổi thuộc thôn Đông, hộ có vườn bưởi vừa giành giải nhất tại hội thi bình tuyển bưởi Diễn do Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức. Khu vườn có 60 cây bưởi, cây nào cây nấy sai trĩu quả, trong đó nhiều cây có hơn 100 quả, ông Xạ phải chằng, buộc dây để đỡ. Hương bưởi chín khiến ai nấy đều cảm nhận được không khí Tết đã đến rất gần. Dẫn khách tham quan khu vườn, ông Xạ phấn khởi cho biết: "Thương nhân ở Hà Nội đã đặt mua cả vườn với giá dao động từ 14-20 nghìn đồng/quả. Năm nay, gia đình tôi ước thu khoảng 30 triệu đồng". Vừa giới thiệu với khách về vườn bưởi, ông Xạ vừa hướng dẫn mọi người cách chọn mua quả bưởi Diễn thật ngon. Bưởi ngon là quả nhỏ, vỏ mỏng nhẵn bóng, màu vàng tươi. Để chứng minh cho khách thấy, ông hái quả bưởi bổ mời khách thưởng thức. Quả thật, tôm bưởi nhỏ, giòn, không nát, dóc vỏ, nhiều nước, vị ngọt mát khiến khách ăn một lần nhớ mãi không quên. Không chỉ có những ưu điểm trên, bưởi Diễn thu hoạch có thể để nửa năm vẫn giữ được mẫu mã, chất lượng mà không cần hoá chất bảo quản.

Rời nhà ông Xạ, chúng tôi đến thăm vườn quả của hộ ông Nguyễn Văn Phiến cùng thôn, người có công đưa cây bưởi Diễn về làng. Quê gốc ông ở xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm (Hà Nội), nơi có giống bưởi Diễn nổi tiếng cả nước. Gần hai chục năm trước, thấy người dân quê ông trồng cây này hiệu quả nên trong một lần về thăm quê, ông đã mang vài cây lên trồng thử. Có cây trồng mới, ông chăm sóc cẩn thận. Nhờ vậy, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Sau trồng ba năm, cây cho trái đầu tiên. Ông để lại 1-2 quả/cây. Đến kỳ thu hoạch, ăn thử thì thấy bưởi nơi đây thơm ngon không thua kém bưởi Diễn chính gốc. Từ đó, ông chiết cành và nhân giống trồng 80 cây trên diện tích gần 3 sào và đến nay 100% cây đều cho quả. Dịp Tết năm ngoái, gia đình ông thu được 40 triệu đồng từ vườn bưởi và dự kiến năm nay cũng thu được khoản tương đương.

Đến nay, hầu như nhà nào ở xã Lương Phong cũng trồng bưởi Diễn, nhà ít 1-2 cây để có bưởi trưng trong ngày Tết, biếu người thân, nhà nhiều hàng trăm cây. Theo thống kê của UBND xã, hiện Lương Phong có khoảng 55 ha bưởi Diễn ở các thôn Đông, Chùa, Gia. Trong đó, thôn Đông có diện tích lớn nhất với 35 ha. Giá trị thu nhập từ bưởi toàn xã mỗi năm đạt khoảng 3 tỷ đồng. Có được kết quả này là từ năm 2001, thực hiện nghị quyết về xoá vườn tạp của Huyện uỷ Hiệp Hoà, Đảng uỷ, UBND xã đã phát động nhân dân cải tạo vườn, trồng cây ăn quả mới có giá trị kinh tế. Nhận thấy bưởi Diễn là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao nên xã chọn làm cây trọng điểm để nhân ra diện rộng. UBND xã tổ chức các lớp tập huấn mời cán bộ kỹ thuật ở huyện, một số nhà vườn có kinh nghiệm hướng dẫn nông dân cách trồng, chăm sóc bưởi. Vì vậy, nhiều hộ đã mạnh dạn trồng bưởi với quy mô lớn thay thế một số loại cây  kém hiệu quả. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã giai đoạn 2011-2015 tiếp tục xác định bưởi Diễn là cây ăn quả hàng hoá chủ lực cần phát triển, phấn đấu đến năm 2015 toàn xã có hơn 70 ha. Thực hiện nhiệm vụ này, mới đây những người trồng bưởi trong xã đã thành lập Hợp tác xã bưởi Diễn với hơn 100 xã viên. Sau khi thành lập, các xã viên đã nhanh chóng họp bàn đưa ra quy chế, mục tiêu hoạt động, phương thức hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, xã đang phối hợp với chuyên gia Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình thâm canh cây bưởi Diễn theo quy trình VietGAP" nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tập trung lựa chọn dòng cây chuẩn để từng bước nâng cao chất lượng bưởi, tiến tới xây dựng thương hiệu bưởi Diễn Lương Phong.

Theo những người làm vườn nơi đây thì kỹ thuật trồng bưởi Diễn không khó, nhà nào, vườn nào cũng có thể trồng được bưởi Diễn nếu nắm vững quy trình kỹ thuật. Thông thường, sau trồng ba năm cây ra hoa nhưng không nên để hoa mà vặt bỏ để đến năm thứ 4 mới giữ lại hoa cho ra quả, tỉa bỏ những quả lép, dẹt. Khi quả to bằng chén uống trà cần làm bẫy dẫn dụ ruồi vàng và thường xuyên quan tâm phòng trừ sâu bệnh như: sâu vẽ bùa, vàng lá, xoăn lá, nấm đen, nấm trắng ở quả. Giai đoạn vỏ quả chuyển sang màu vàng cần bón phân kaly qua lá để quả chín nhanh, tăng vị ngọt. Sau khi thu hoạch bưởi, cần bón bổ sung phân chuồng được ủ hoai mục để dưỡng cây. Sang xuân, khi cây bưởi ra lộc non, lá non, chủ động phòng trừ sâu đục thân cây.

Đến nay, bưởi Diễn Lương Phong nức tiếng trong và ngoài tỉnh là nơi mà cứ khoảng đầu tháng 12 dương lịch hằng năm, thương nhân ở Hà Nội, Thái Nguyên lại về đây để chọn, đặt hàng cung cấp những trái bưởi thơm ngon, mẫu mã đẹp cho nhà nhà đón Tết. Không chỉ cung cấp quả, nơi đây còn là địa chỉ uy tín cung cấp cây giống cho người làm vườn trong và ngoài tỉnh mỗi năm. Những trái bưởi, cây giống bưởi đang mang lại hiệu quả kinh tế, niềm vui ngọt ngào cho người làm vườn nơi đây.


Có thể bạn quan tâm

Làng Nuôi Rắn Hổ Mang Ở Bạch Xá (Hà Nam) Làng Nuôi Rắn Hổ Mang Ở Bạch Xá (Hà Nam)

Khoảng mươi năm về trước, làng Bạch Xá, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (Hà Nam) được nhiều người biết đến với nghề nuôi ba ba nổi tiếng. Nhưng vài năm trở lại đây, cái tên Bạch Xá lại được cánh lái buôn trong nam, ngoài bắc biết đến là làng nuôi rắn hổ mang.

02/03/2013
Xứng Danh “Chất Lượng Vàng Thủy Sản Việt Nam” Xứng Danh “Chất Lượng Vàng Thủy Sản Việt Nam”

HTX Thủy sản Nam Sơn (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh) được thành lập từ tháng 6-2008 với chức năng nuôi trồng và cung ứng các loại cá giống, cá thương phẩm, cá bố mẹ.

19/06/2013
Ngân Hàng Dành Đủ Nguồn Vốn Phục Vụ Tam Nông Ngân Hàng Dành Đủ Nguồn Vốn Phục Vụ Tam Nông

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cho biết, trong những năm gần đây, tuy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế tăng không cao nhưng tín dụng dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) vẫn tăng trưởng đáng kể.

19/06/2013
Vụ Tôm Nước Lợ 2013 Khó Nhưng Không Thiếu Cơ Hội Vụ Tôm Nước Lợ 2013 Khó Nhưng Không Thiếu Cơ Hội

Vụ tôm năm 2013, tiến độ thả tôm chậm, người nuôi thiếu vốn, dịch bệnh, rào cản kỹ thuật… khiến ngành tôm ĐBSCL vốn khó, nay càng thêm khó. Mới đây, Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ năm 2013 tìm hướng đi phù hợp cho vụ tôm mới.

20/06/2013
“Sốt” Dịch Vụ Máy Gặt Đập Liên Hợp “Sốt” Dịch Vụ Máy Gặt Đập Liên Hợp

Những ngày lúa chín rộ, máy gặt đập liên hợp (GĐLH) luôn trở thành mối quan tâm lớn của các hộ nông dân. Câu chuyện về chiếc máy gặt vì thế cũng trở nên “sốt” hơn, nhất là ở nơi đồng chiêm trũng Lương Tài (Bắc Ninh).

20/06/2013