Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khó Trên Cánh Đồng Khoai

Khó Trên Cánh Đồng Khoai
Ngày đăng: 08/04/2014

Có lẽ thời điểm hiện tại giá khoai mỡ trên cánh đồng khoai lớn nhất của huyện Tân Phước (Tiền Giang) thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cũng chính vì điều này, câu chuyện lãi - lỗ, trồng hay bỏ cây khoai mỡ đang mang tính thời sự nóng bỏng của cả vùng đất bạt ngàn này.

Giá chạm đáy

Chúng tôi về Tân Phước vào những ngày đầu tháng 4, vào cao điểm của mùa khô nên nắng rát da. Đường về Tân Hòa Đông cũng không còn cảnh nhộn nhịp “trên bến dưới thuyền” của những trạm thu mua khoai. Giá khoai mỡ quá thấp nên không thấy nhiều thương lái xuất hiện.

Trên cánh đồng bạt ngàn của xã Tân Hòa Đông cũng chỉ còn một số ruộng khoai đang trơ trọi chờ ngày thu hoạch. Và vì thế câu chuyện về giá khoai đang được người nông dân bàn tán nhiều hơn trước. Có người vội vã thu hoạch vì sợ giá có thể xuống nữa, có người “neo” lại để chờ giá lên hoặc trữ lại để bán làm giống cho mùa vụ sau. Song, tất cả những người trồng khoai mỡ đang đối mặt với tình trạng thua lỗ là điều khó tránh khỏi.

Mặc dù đang vào lúc cao điểm nắng nóng mùa khô nhưng ông Trần Văn Hồng, ấp Tân Thuận 1, xã Tân Hòa Đông đành quyết định thu hoạch các liếp khoai mỡ của mình, sau thời gian dài cầm cự để chờ giá. Với 1,5 ha đang thu hoạch, năng suất dự tính khoảng 17-18 tấn/ha, giá khoai loại 1 từ 4.100 - 4.200 đồng/kg, loại 2 từ 1.800-2.000 đồng/kg như hiện nay, ông không trông mong gì có lời.

“Lứa khoai này đáng lẻ thu hoạch ngay sau Tết Nguyên đán nhưng do giá thấp nên tôi “neo” lại đến giờ này. Chờ mãi giá vẫn không lên nên đành phải đào bán. Đây có thể nói là năm mà khoai mỡ có giá thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều người khốn đốn vì lỗ nặng. Trồng khoai mùa này có thể nghĩ đơn giản là trồng ít lỗ ít, trồng nhiều lỗ nhiều” - ông Trần Văn Hồng tâm tư.

Theo những người dân trồng khoai nơi đây, tình trạng giá khoai mỡ tăng rồi giảm do yếu tố cung - cầu của thị trường không phải là chuyện mới, cũng không quá bất ngờ đối với nông dân đã hàng chục năm gắn bó với cây khoai mỡ. Song, với mức giá quá thấp như hiện nay không khỏi làm cho nông dân lo lắng. Bởi theo chiết tính, với mức giá hiện tại, người trồng khoai mỡ rất khó thu hồi được vốn, nói gì đến lời.

Anh Lê Việt Hà, cán bộ Khuyến nông xã Tân Hòa Đông cho biết thêm, mấy năm qua giá khoai mỡ có lúc lên, lúc xuống nhưng vẫn đảm bảo cho nông dân có lời. Đây là lần đầu tiên khoai mỡ rớt giá kéo dài và thấp nhất trong 10 năm trở lại đây đã làm cho nông dân thực sự lao đao. Vào cuối vụ khoai năm 2013, giá ở mức 8.000 đồng/kg người trồng khoai vẫn có lời. Vào thời điểm này năm rồi, giá khoai mỡ từ 11.000-15.000 đồng/kg, còn bây giờ chỉ hơn 4.000 đồng/kg.

Lý giải vì sao khoai mỡ tuột giá “không phanh” trong thời gian qua, nhiều người trồng khoai cho rằng, cuối vụ năm trước, giá khoai mỡ bắt đầu giảm, người dân “neo” lại chờ giá làm tăng sản lượng trong vụ này; một số vùng, người dân trồng khoai không chuyên, chọn giống không chất lượng, cây bị nhiễm bệnh dẫn đến chất lượng không đảm bảo nên giá bán thấp.

Mặt khác, sản lượng khoai mỡ trắng được trồng trong vụ này tăng, trong khi nhu cầu của thị trường, nhất là TP. Hồ Chí Minh chủ yếu là chuộng khoai tím… “Với tình hình hiện nay, giá khoai mỡ hiện đã xuống “chạm đáy” nên khó thể nào giảm thêm. Thời gian tới, giá khoai mỡ có thể sẽ tăng lên nhưng không nhiều” - ông Lê Việt Hà dự báo.

Liệu mai này còn cánh đồng khoai?

Cánh đồng khoai xã Tân Hòa Đông không chỉ nổi tiếng vì có diện tích trồng lớn mà còn vì nó đã gắn bó với công cuộc khai phá vùng đất nhiễm phèn nặng và gắn chặt với đời sống của người dân vùng này, nhưng tới đây chắc rằng không còn bao nhiêu diện tích đất được trồng khoai. Có lẽ sau vụ mùa năm nay, diện tích trồng khoai sẽ tiếp tục giảm.

Theo ước tính của ông Lê Việt Hà, diện tích trồng khoai mỡ trên địa bàn xã Tân Hòa Đông có giai đoạn lên đến 700 ha, nhưng nay chỉ còn khoảng 80 ha. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này một phần là do nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được bao đê, nên người dân chuyển sang trồng khóm; phần còn lại là do tác động của giá khoai mỡ thấp và kéo dài, nên hiệu quả trồng khoai không cao so với các cây trồng khác.

Mấy năm gần đây, cánh đồng trồng khoai mỡ ở xã Thạnh Mỹ trỗi dậy và trở thành địa bàn có diện tích khoai mỡ lớn nhất của huyện Tân Phước. Thế mà, trước nhu cầu chuyển đổi cây trồng, nhất là tình hình giá cả sụt giảm kéo dài gần đây, khiến nhiều nông dân phải lao đao, nên diện tích trồng khoai cũng đang trên đà giảm.

Đây cũng là một trong những lý do để người dân trong vùng mới bao đê đẩy nhanh chuyển đổi sang cây khóm. Theo ước tính của Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ, diện tích trồng khoai mỡ của xã năm nay chỉ còn khoảng 250 ha, giảm 50% so với cùng kỳ năm rồi. Ông Cao Văn Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới do diễn biến bất lợi của giá khoai mỡ chưa thấy có dấu hiệu kết thúc.

Nhận định thêm về giá khoai thấp bất thường trong năm nay, ông Cao Văn Sáng cho rằng, ngoài yếu tố thị trường, giá khoai mỡ xuống thấp còn là do hệ quả từ tác động của thời tiết. Đó là vào mùa đông vừa qua nhiệt độ lạnh kéo dài làm cho khoai bị hiện tượng đầu lân, khi thu hoạch tỷ lệ khoai bị dạt nhiều, nên càng đẩy giá khoai xuống thấp hơn.

“Có diện tích khoai đến lứa nhưng nông dân vẫn không thu hoạch vì khoai đầu lân, xấu xí nhiều quá, thương lái mua giá chỉ 1.500 đồng/kg, không đủ trả tiền công thu hoạch” - ông Cao Văn Sáng cho biết.

Khoai mỡ là cây trồng gắn liền với hành trình của những người đi khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, gắn chặt với đời sống người dân Tân Phước, nhất là ở xã Tân Hòa Đông và xã Thạnh Mỹ. Một thời gian dài, cây khoai mỡ giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giàu.

Thế nhưng, cùng với công cuộc khai hoang, tăng cường công tác thủy lợi nội đồng nhằm thoát phèn, với tiến độ bao đê ở Tân Phước được đẩy mạnh, nên diện tích trồng khoai mỡ ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho cây khóm, cây màu khác. Đặc biệt, với diễn biến của giá khoai mỡ thời gian gần đây khiến cho tiến độ thu hẹp diện tích trồng khoai mỡ ngày càng nhanh hơn. Chúng tôi tự hỏi rằng, liệu mai này vùng Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông có còn cây khoai mỡ?


Có thể bạn quan tâm

Giá Mía Giảm Giá Mía Giảm

Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào cao điểm thu hoạch niên vụ mía 2014-2015. Tuy nhiên, việc công ty mía đường ra thông báo giảm giá thu mua trong lúc này khiến ngành chức năng và nông dân đều lo lắng.

30/10/2014
Biến Đồi Hoang Thành Trang Trại Trù Phú Biến Đồi Hoang Thành Trang Trại Trù Phú

Rồi anh Ánh lo việc trường việc lớp, trăm công nghìn việc ở trang trại đều do chị Ngọc một tay lo toan gánh vác. Mới đầu thì vỡ ruộng cấy lúa, trồng ngô để có cái ăn hàng ngày. Khi đủ lương thực rồi, chị vay ngân hàng để đầu tư phát triển chăn nuôi lợn gà, đào ao thả cá.

30/10/2014
Dám Nghĩ, Dám Làm, Trở Thành Triệu Phú Dám Nghĩ, Dám Làm, Trở Thành Triệu Phú

Nhờ mạnh dạn xây dựng mô hình trang trại VAC, đầu tư nuôi hàng trăm con lợn nái ngoại và lợn siêu nạc chất lượng cao kết hợp thả cá rô phi đơn tính, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Thế Bang ở thôn Động Trạch, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang (Hải Dương) thu về hơn 400 triệu đồng lãi.

30/10/2014
Tháo Gỡ Khó Khăn Để Phát Triển Nông Nghiệp Cận Đô Thị Tháo Gỡ Khó Khăn Để Phát Triển Nông Nghiệp Cận Đô Thị

Kinh tế đô thị hiện nay đã làm trầm trọng thêm các khó khăn: Một bộ phận lao động trong nông nghiệp mất đất sản xuất, thiếu công ăn việc làm; một bộ phận dân cư từ nông thôn chuyển về đô thị để làm việc, làm gia tăng nhu cầu về lương thực, thực phẩm, vấn đề vệ sinh môi trường đô thị cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng...

30/10/2014
Đoan Hùng Khảo Sát Chuẩn Bị Kế Hoạch Xây Dựng Cánh Đồng Mẫu Lớn Năm 2015 Đoan Hùng Khảo Sát Chuẩn Bị Kế Hoạch Xây Dựng Cánh Đồng Mẫu Lớn Năm 2015

Vừa qua, lãnh đạo các phòng chức năng của huyện Đoan Hùng và lãnh đạo Công ty Cổ phần Giống - Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam khảo sát thực địa nhằm chuẩn bị kế hoạch xây dựng cánh đồng mẫu lớn năm 2015 và áp dụng giống lúa JO2 vào sản xuất.

30/10/2014