Lý Sơn (Quảng Ngãi) Vụ Tưới Nước Bớt Căng Thẳng
Người dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) gọi vụ sản xuất những tháng hè là “vụ tưới nước”, vì từ lúc xuống giống đến lúc thu hoạch phải tưới nước liên tục cho cây trồng. Trong khi các địa phương khác đang phải đối mặt với hạn hán gia tăng ở vụ này, thì ở Lý Sơn hiện tại tình hình nước tưới vẫn đảm bảo.
Dự báo sản xuất “vụ tưới nước” năm nay, Lý Sơn sẽ đỡ nhọc nhằn hơn do đã chủ động về các giải pháp “tích nước và tưới nước”…
Phát huy hiệu quả hồ chứa nước Thới Lới
Hồ chứa nước Thới Lới là hồ chứa duy nhất ở huyện đảo Lý Sơn và cũng là hồ chứa “độc nhất vô nhị”. Năm 2010, huyện đảo Lý Sơn đã được đầu tư 32 tỷ đồng xây dựng hồ chứa nước trên miệng núi lửa cao 169m so với mặt nước biển. Sau gần 2 năm thi công, tháng 5.2012, hồ chứa nước Thới Lới hoàn thành và bắt đầu tích nước.
Những ngày cuối tháng 3, khi vụ tỏi đông xuân 2013 – 2014 vừa thu hoạch, nông dân Lý Sơn bắt đầu xuống giống cây màu “vụ tưới nước”. Năm nay, 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn được đưa vào khai thác. Sở dĩ nông dân tự tin canh tác hết diện tích đất là do đã có chỗ dựa về nguồn nước. Đó là hồ chứa nước Thới Lới. Hồ chứa nước này có diện tích khoảng 10ha, dung tích chứa trên 270.000m3 nước.
Cùng với cung cấp khoảng 60% lượng nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, hồ chứa nước Thới Lới cung cấp nước tưới cho 200ha đất sản xuất nông nghiệp trên đảo. Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn khẳng định: “Có hồ chứa nước Thới Lới việc sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn đỡ lắm. Nông dân không lo nạn khan hiếm nước ngọt trong mùa hè khô hạn như những năm trước nữa!”.
Ứng dụng kỹ thuật “tưới tiết kiệm”
Quảng Ngãi bây giờ đã bắt đầu mùa khô hạn. Mọi năm, thời khắc này nông dân Lý Sơn bắt đầu chạy đôn chạy đáo tìm nguồn nước dẫn về cho cây cối, hoa màu. Thế nhưng, năm nay nông dân lại bình thản, một phần vì hồ Thới Lới sau gần 2 năm tích nước, lượng nước đã khá lớn. Một phần vì khá nhiều diện tích đã được nông dân trên đảo ứng dụng kỹ thuật “tưới tiết kiệm” bằng hệ thống tưới phun bán tự động.
Bất cứ du khách đến đảo khi đi ngang qua cánh đồng thôn Đông, xã An Hải đều không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên. Bởi giữa hòn đảo cách đất liền tới 18 hải lý, nông dân ít có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật mà lại “ứng dụng phương pháp canh tác tiên tiến” khá phổ biến trên đồng ruộng.
Ông Ngô Văn Hồng – Chủ tịch Hội Nông dân Lý Sơn cho biết: Năm 2013, Hội Nông dân Lý Sơn được tỉnh hỗ trợ triển khai mô hình ứng dụng phương pháp cải tiến trong sản xuất nông nghiệp từ nguồn vốn giảm nghèo.
Lý Sơn đã thống nhất chọn mô hình tưới phun tự động. Với 7 ha thí điểm ban đầu, sau khi thực hiện thấy hiệu quả rõ rệt, Hội Nông dân Lý Sơn đã vận động nông dân tự đầu tư ứng dụng đại trà. Hiện nay, diện tích canh tác ở Lý Sơn, nhất là ở thôn Đông, xã An Hải - dưới chân núi Thới Lới hầu hết sử dụng hệ thống tưới phun tự động.
“Mỗi sào đầu tư khoảng 4 triệu đồng. Tuy chi phí có cao nhưng giảm đáng kể công sức và tiết kiệm nước. Ngoài ra, tưới phun tự động làm cho rau màu không bị dập, nhất là hành, tỏi, hạn chế rầy, sâu bệnh phá hại cây trồng” – lão nông Bùi Tá, thôn Đông, xã An Hải cho biết.
Ở Lý Sơn, bình quân mỗi nhân khẩu chỉ khoảng 100m2 đất sản xuất nông nghiệp. Đất ít, nên nông dân phải ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích là điều tất yếu. Vì thế nguồn nước phục vụ cho trồng trọt cũng khó được… ngơi nghỉ! Đặc biệt là trong “vụ tưới nước” này hầu như suốt ngày cây trồng trên đảo phải được tưới mới có thể sinh trưởng, phát triển, cho năng suất cao. Vì vậy, việc ứng dụng tưới phun tự động là giải pháp tối ưu cho yêu cầu vừa sản xuất, vừa phải duy trì nguồn nước trong suốt mùa khô hạn.
Chính sự chủ động tích nước hợp lý cộng với phương pháp tưới tiết kiện bằng hệ thống phun tự động, nông dân Lý Sơn đã tìm được bài giải “chống khô hạn, bảo vệ cây trồng” một cách hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 1 năm trước, từ một doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Công ty CP Đông Dương (CT Đông Dương) bất ngờ quyết định cắt 2.500 m2 đất tại Trung tâm thương mại (TTTM) Lương Sơn làm mô hình gấc giới thiệu cho nông dân.
Thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với đề án phát triển nghề nấm của tỉnh Bắc Giang, năm 2013, Hội Nông dân huyện Sơn Động liên kết với Trung tâm Dạy nghề Anh Tuyết - Bắc Giang, Trung tâm Giống nấm tỉnh xây dựng mô hình trồng nấm ở 5 xã.
Hiện nay, giá dừa khô tăng mạnh, từ 80-85 ngàn đồng/chục (12 trái). Do giá dừa tăng và tương đối ổn định từ sau Tết đến nay, nên bà con trồng dừa rất phấn khởi.
Những tưởng cây thanh long ruột đỏ chỉ phù hợp với khí hậu ở miền Nam nhưng mấy năm trở lại đây loại cây này lại “bén duyên” với mảnh đất Chợ Đồn và bước đầu đã mang lại những hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận.
Cùng với nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, hiện nay cây cam đường canh đang giúp cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Na Rì (Bắc Kạn) thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.