Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quy Định Điều Kiện Sản Xuất Kinh Doanh Giống Thủy Sản

Quy Định Điều Kiện Sản Xuất Kinh Doanh Giống Thủy Sản
Ngày đăng: 12/06/2013

Nhằm tăng cường công tác quản lý giống thủy sản, ngày 22/05/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản.

Nội dung Thông tư quy định các tổ chức, cá nhân thực hiện cho sinh sản giống thủy sản hoặc thực hiện sản xuất kinh doanh giống thủy sản bố mẹ phải đáp ứng các điều kiện như: Có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư về giống thủy sản hoặc Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ về nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập; địa điểm xây dựng phải theo quy hoạch hoặc có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền; có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập về; cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phù hợp; có bảng hiệu, địa chỉ rõ ràng; phải công bố tiêu chuẩn chất lượng giống thủy sản và đảm bảo chất lượng giống thủy sản đã công bố; thực hiện ghi nhãn giống thủy sản khi lưu thông; ghi chép hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất kinh doanh giống thủy sản và lưu giữ hồ sơ tối thiểu là 03 năm.

Đồng thời, cơ sở thực hiện cho sinh sản giống thủy sản phải có ít nhất 01 nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp nuôi trồng thủy sản trở lên hoặc có giấy chứng nhận/chứng chỉ được đào tạo về nuôi trồng thủy sản. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản bố mẹ thì phải có ít nhất 01 nhân viên kỹ thuật có trình độ đại học chuyên ngành nuôi trồng thủy sản trở lên.

Thông tư còn đưa ra một số quy định đối với giống thủy sản bố mẹ chủ lực. Trong đó, quy định một số bệnh phải kiểm tra xét nghiệm trước khi cho động vật thủy sản sinh sản, cụ thể: Đối với tôm thẻ chân trắng: Bệnh đốm trắng/White Spot Disease (WSD); hội chứng Taura/Taura Syndrome (TS); bệnh đầu vàng/Yellow Head Disease (YHD/GAD). Đối với tôm sú: Bệnh đốm trắng/White Spot Disease (WSD); bệnh đầu vàng/Yellow Head Disease (YHD/GAD). Đối với cá tra: Bệnh đốm trắng nội tạng (bệnh gan thận mủ) ở cá da trơn/Enteric Septicaemia of Catfish (ESC).

Ngoài ra, Thông tư quy định một số yêu cầu kỹ thuật đối với giống thuỷ sản bố mẹ chủ lực: Đối với tôm thẻ chân trắng thời gian sử dụng không quá 03 tháng kể từ ngày nhập về cơ sở. Kích cỡ tôm cái không dưới 45 gram/cá thể; tôm đực không dưới 40 gram/cá thể. Râu dài 1,5 - 2,0 lần chiều dài thân, đầy đủ các phần phụ bộ; cơ thể nguyên vẹn, cân đối, vỏ không thô ráp hoặc dập nứt. Đối với tôm sú: Số lần cho tôm mẹ sinh sản tối đa không quá 3 lần/vòng đời. Kích cỡ tôm cái không dưới 150 gram/cá thể; tôm đực không dưới 120 gram/cá thể. Tôm không dị hình; râu A2 không bị mòn, không ngắn hơn chiều dài toàn thân; bộ phận sinh dục ngoài hoàn chỉnh. Đối với cá tra: Số lần cho cá cái sinh sản trong năm không quá 2 lần/năm. Thời gian cho sinh sản không quá 6 năm. Đối với cá Tra: Số lần cho sinh sản trong năm không quá 10 lần/năm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/07/2013 và thay thế những nội dung liên quan đến khảo nghiệm giống thủy sản tại Quyết định số 18/2002/QĐ-BTS ngày 03/06/2002; thay thế Khoản 3 mục III Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04 tháng 5 năm 2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản.

Trong thời hạn 02 (hai) năm, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các cơ quan có chức năng khảo nghiệm được quy định tại Quyết định số 18/2002/QÐ-BTS ngày 03 tháng 6 năm 2002 về việc ban hành Quy chế khảo nghiệm giống thuỷ sản, thức ăn, thuốc, hoá chất và chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thuỷ sản phải thực hiện đăng ký công nhận lại theo quy định của Thông tư nói trên.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Nuôi Cá Lồng Mới Trên Sông Kinh Thầy Mô Hình Nuôi Cá Lồng Mới Trên Sông Kinh Thầy

Nam Tân là một trong những xã nuôi trồng thuỷ sản mạnh nhất trong huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Hiện nay xã có từ 120-130 ha mặt nước tự nhiên, sản lượng thuỷ sản của xã chiếm trên 1/4 tổng sản lượng của toàn huyện (từ 27-28%), hàng năm thu được khoảng 500-550 tấn cá (sản lượngtoàn huyện Nam Sách khoảng hơn 2.000 tấn/năm).

27/06/2013
Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Nhông Ở Xã Vùng Cát Bình Sa Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Nhông Ở Xã Vùng Cát Bình Sa

Vùng cát ven biển của tỉnh Quảng Nam chiếm một diện tích rất lớn, khoảng trên 35.000 ha, tiềm lực và tiềm năng đều thua kém so với các vùng khác trong tỉnh. Trong nhiều năm qua tỉnh đã thu hút được nhiều dự án, chủ yếu là các dự án trồng rừng phòng hộ ven biển chống cát bay như PACSA, JICA… đã đem lại hiệu quả rất lớn về kinh tế - xã hội và môi trường.

27/06/2013
Thêm Cây Khóm Cho Đồng Đất Cà Mau Thêm Cây Khóm Cho Đồng Đất Cà Mau

Hơn 5 năm qua, khi nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác khiến nông dân bao phen điêu đứng vì giá cả, dịch bệnh thì cây khóm lại bám rễ ngày một sâu hơn. Vị thế cây khóm dần được khẳng định, nhiều hộ dân xã Trí Lực, huyện Thới Bình chọn là cây trồng cho thu nhập chính.

28/06/2013
Rắn Hổ Hèo – Đối Tượng Nuôi Mới Của Nhà Nông Rắn Hổ Hèo – Đối Tượng Nuôi Mới Của Nhà Nông

Sau khi đi tham quan mô hình nuôi rắn của một người quen ở tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Tài, ở ấp 3, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, nhận thấy loài rắn hổ hèo (miền Đông gọi là long thừa) rất dễ nuôi. Do đặc tính lành, không độc nên ông quyết định mua giống về nuôi thử nghiệm, bước đầu cho thấy rất khả quan.

28/06/2013
Khôi Phục Khóm Cầu Đúc Khôi Phục Khóm Cầu Đúc

Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang và thành phố Vị Thanh đầu tư khoa học kỹ thuật và giống khóm giúp bà con nông dân phục tráng giống khóm Cầu Đúc, kết quả đến nay, Hợp tác xã khóm Thạnh Thắng xã Hỏa Tiến có 7 hộ với 6ha được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6 chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

28/06/2013