Vụ điều kết thúc sớm
Giá cao nhưng năng suất thấp
Gia đình bà Cao Thị Sên (thôn Đá Trắng, xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) là một trong những hộ trồng điều nhiều nhất tại thôn với 4ha, tuy nhiên, sản lượng điều năm nay quá thấp. “2ha điều tôi trồng ở Khánh Nam mất mùa, không hái được trái nào, 2ha điều ở Apan thì vớt vát chút đỉnh, chỉ đủ tiền gạo, chi tiêu cho cả nhà. Cả vụ chỉ kéo dài đúng 3 tuần”, bà Sên nói. Bà so sánh, mùa điều năm ngoái tuy nắng hạn, mất mùa nhưng bà thu hoạch được 4 tấn, năm nay chỉ được vài tạ.
Nhà chị Mấu Thị Thanh Điệp (thôn Cà Thêu, xã Khánh Hiệp) cũng chịu cảnh thất thu. Chị Điệp có 5 sào điều (5.000m2) trồng quanh nhà và khu vực rẫy K25 (địa bàn thôn Cà Thêu) nhưng đều thiệt hại nặng do nắng hạn. Những năm trước, bình quân chị thu hoạch 2 - 3 tạ, có năm cả tấn nhưng năm nay chỉ được 1,5 tạ. Bên cạnh đó, do thiếu nước tưới nên trái điều nhỏ, không có năng suất.
Mất mùa khiến giá hạt điều đầu vụ cao nhất từ trước tới nay, khoảng 29.000 đồng/kg. Bà Đoàn Thị Liên - chủ một điểm thu mua hạt điều tại Cầu Bà cho biết, hiện nay hết mùa nên chỉ còn thu lai rai và giá điều đang chững lại ở mức 20.000 đồng/kg. Cơ sở của bà vụ này chỉ gom được 65 tấn, trong khi năm ngoái hơn 100 tấn. Sản lượng ít nhưng chất lượng điều cũng rất kém (chiếm 80% là điều xấu, hạt nhỏ, da sẫm màu), dù vậy bà vẫn thu mua bởi không có hàng cung cấp.
Theo ông Lê Kim Sung - Phó Chủ tịch UBND xã Cầu Bà, năm nay toàn xã có khoảng 200ha điều, giảm 30 - 40ha so với trước. Do hạn hán, cây điều mất mùa, năng suất, sản lượng đều giảm. Khoảng 20% diện tích điều có năng suất đạt 1 tấn/ha, còn lại 80% diện tích năng suất chỉ đạt 2 - 3 tạ/ha. Hai thôn Đá Trắng và Đá Bàn của xã đều có nhiều diện tích trồng điều. Những năm trước, huyện, xã xác định điều là cây chủ lực tạo điều kiện phát triển kinh tế. Song từ năm 2010 đến nay, liên tục nhiều vụ điều sa sút, do dính sương muối nên sản lượng giảm, người dân chuyển từ trồng điều sang trồng keo.
Không khuyến khích trồng điều
Sản lượng điều hạt giảm mạnh, trong khi đó giá keo tăng đã thôi thúc người dân chặt phá điều, trồng keo hay cây khác có giá trị kinh tế hơn. Mặt khác, diện tích điều trên địa bàn phần lớn trồng đã khá lâu, nay già cỗi, năng lực cho hạt kém cũng là nguyên nhân người dân không còn thiết tha với cây điều.
Ông Lê Văn Hùng - Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Khánh Vĩnh cho biết, diện tích điều lúc cao điểm toàn huyện khoảng gần 2.000ha, tập trung tại các xã phía tây huyện là: Cầu Bà, Liên Sang, Khánh Thượng, Khánh Thành... Tuy nhiên, gần đây, diện tích điều giảm mạnh do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là bệnh thán thư, diện tích chỉ còn khoảng 400 - 500ha. “Thời gian cây điều ra hoa tập trung vào tháng 11, 12 âm lịch. Đây cũng là thời điểm mưa nhiều, độ ẩm cao, sâu bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh thán thư (còn gọi là bệnh sương muối) gây rụng hoa, rụng quả non nhiều khiến năng suất giảm mạnh. Bình quân năng suất của cây điều từ 0,8 - 1 tấn/ha, nhưng do sâu bệnh nên giảm rõ rệt. Vì thế, người dân không còn mặn mà chăm sóc, đầu tư cho cây điều...”, ông Hùng nói.
Trước tình hình trên, huyện Khánh Vĩnh không khuyến khích người dân trồng điều. Huyện chủ trương phát triển các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như các giống cây ăn quả chủ lực, trồng keo thay những rừng điều già cỗi... Hiện nay, nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao đang được người dân quan tâm hơn cây điều như: sầu riêng, mít nghệ, bưởi da xanh, chôm chôm, keo...
Có thể bạn quan tâm
Trên con đường bê tông phẳng phiu, uốn lượn qua những nương chè xanh ngát, chúng tôi đến nhà ông Trần Duy Hưng ở xóm Cây Thị, một trong những hộ làm chè Đông lâu năm của xã. Ông cho biết : Vì chủ động được nguồn nước tưới nên năm nào nhà tôi cũng làm 10 sào chè vụ đông.
Vụ đông năm 2014, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT), Trạm Khuyến nông huyện Gia Lâm đã phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Kim Sơn triển khai 2 mô hình sản xuất trên đất 2 vụ lúa. Đó là mô hình trồng hoa ly với diện tích 1.000m2 và 8ha trồng khoai tây giống Đức bằng phương pháp làm đất tối thiểu.
Với đồng bào K’Ho dưới chân núi LangBiang này, cây dâu tây còn có một tên gọi khác, giàu ý nghĩa và trìu mến hơn: Cây đổi đời!... Sở dĩ có tên gọi như vậy, bởi chính cây dâu tây đã làm cho diện mạo cuộc sống của đồng bào K’Ho nơi đây thật sự thay da đổi thịt chỉ trong thời gian ngắn.
Tính đến thời điểm này, xã Thái Niên đã trồng được gần 18 ha hai giống cam nói trên, trong đó có 17,3 ha cam V2. Giống cam V2 do Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cung cấp; giống cam Canh do Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bảo Thắng cung cấp.
Những ngày này trên vạt đồi của các thôn: Đồng Cống, Hồ Sơn 1, Quất Sơn, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang không khí người dân chăm sóc dứa nhộn nhịp hẳn lên. Những quả dứa lúp xúp đang vươn mình chuyển sang màu vàng làm cho người trồng dứa vui hơn mỗi khi Tết đến xuân về.