Quảng Trị Hoàn Thiện Dịch Vụ Hậu Cần Nghề Cá, Giúp Ngư Dân Yên Tâm Bám Biển
Quảng Trị là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển. Toàn tỉnh hiện có hơn 175 chiếc thuyền có công suất trên 90 CV và hàng trăm chiếc thuyền nhỏ trực tiếp khai thác hải sản.
Trong đó, có 152 chiếc tham gia đánh bắt xa bờ, nhất là khu vực gần quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Nghề biển đã giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho hơn 1.700 lao động vùng biển.
Tuy nhiên nghề khai thác hải sản ở Quảng Trị luôn tiềm ẩn những khó khăn, bất trắc. Trước hết là mối hiểm nguy đang tồn tại ở biển khơi như mưa bão, tranh chấp chủ quyền, địa bàn khai thác. Tại đất liền, ngư dân đang gặp những khó khăn về vốn đầu tư, nâng cấp tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ và thị trường tiêu thụ...
Để hỗ trợ việc khai thác, đánh bắt hải sản được thuận lợi, tại các cửa biển trong tỉnh đã tổ chức, triển khai nhiều dịch vụ hậu cần nghề cá.
Tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng hai công trình Cảng cá và Khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Cồn Cỏ và Cửa Tùng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong tỉnh và ngư dân các tỉnh trong khu vực hoạt động khai thác hải sản, neo đậu tránh gió bão, khắc phục sự cố tai nạn khi đang hoạt động trên biển, là cầu nối giao thông quan trọng vận tải hàng hóa, đi lại giữa đảo và đất liền.
Qua nhiều năm đưa vào sử dụng, công trình đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói chung và huyện đảo Cồn Cỏ nói riêng.
Đặc biệt trong thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều chính sách thiết thực, trong đó việc thành lập các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, để ngư dân hỗ trợ lẫn nhau trong khai thác, tiêu thụ hải sản và nhất là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, các lực lượng Kiểm ngư, Biên phòng, Cảnh sát biển luôn đồng hành với ngư dân trong các chuyến vươn khơi xa...
Từ đầu năm 2014 đến nay tình hình ở biển Đông diễn biến phức tạp. Mới đây Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã không làm các ngư dân nhụt chí mà càng khiến họ quyết tâm vươn khơi bám biển dài ngày.
Ông Võ Hồng Thanh, thuyền trưởng, chủ tàu cá QT 91019 TS, Quảng Trị khẳng định: “Chúng tôi thường xuyên khai thác ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, thấy tàu Trung Quốc liên tục quấy nhiễu ngư dân trong lúc đánh bắt nhưng ngư dân chúng tôi xác định đó là ngư trường truyền thống thuộc vùng lãnh hải của Việt Nam nên vẫn tập trung đánh bắt thuỷ hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam”.
Là một cơ sở chế biến cá duy nhất tại cảng cá Cửa Tùng huyện Vĩnh Linh, Cơ sở chế biến cá tư nhân Ngọc Tuấn được ví như là “bà đỡ” của các ngư dân trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, cơ sở này thu mua của ngư dân hơn 20 nghìn tấn cá các loại để sản xuất, chế biến cá khô, cá đông lạnh và chế biến bột cá cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Cơ sở có tổng thu nhập hơn 30 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động địa phương, với thu nhập mỗi người từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Thời gian qua cơ sở đã hình thành đội tàu thu mua trên biển, đồng hành cùng ngư dân bám biển thu mua hết các loại cá, giúp ngư dân vươn khơi và bám biển dài ngày.
Ông Hồ Thanh Ngọc, Chủ cơ sở chế biến cá tư nhân Ngọc Tuấn, cho biết: “Là cơ sở duy nhất ở huyện Vĩnh Linh sản xuất chế biến thuỷ sản từ giá trị cao đến giá trị thấp, chúng tôi đã thu mua hết các loại cá của ngư dân khai thác, tạo điều kiện cho ngư dân khai thác bám biển dài ngày đạt năng suất giá trị cao.
Đặc biệt, hàng năm cơ sở còn tạo điều kiện hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho các tàu vươn khơi thu mua thuỷ hải sản. Bên cạnh đó, đến mùa biển động ngư dân không thể ra khơi đánh bắt, cơ sở chúng tôi giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân để ổn định cuộc sống”.
Đội tàu thu mua cá ở vùng biển xa của anh Nguyễn Văn Chiến, khu phố 5 thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh liên tục luân phiên nhau hai chiếc vào, hai chiếc ra ngư trường truyền thống thuộc vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam để thu mua cá của ngư dân đánh bắt được ngoài biển.
Không những đi thu mua cá cho các ngư dân ở ngoài biển, mỗi chuyến tàu ra khơi các chủ tàu còn chuẩn bị nhiều nhu yếu phẩm cần thiết và dầu máy, ngư lưới cụ để phục vụ tận ngư trường cho các đội tàu bám biển khai thác được dài ngày, góp phần giảm chi phí ra vào của các tàu khai thác.
Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ tàu thu mua cá ở cảng cá Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, cho biết: “Đội tàu thu mua ở cảng cá Cửa Tùng chuyên ra vùng biển xa thu mua các loại thủy hải sản của bà con đánh bắt được đưa về đất liền để cung cấp cho các đầu mối sản xuất và xuất khẩu. Nhờ có tổ đội thu mua trên biển, ngư dân Quảng Trị nói riêng và các tỉnh nói chung đã có thời gian bám biển dài ngày ở ngư trường truyền thống của Việt Nam”.
Anh Nguyễn Đức Cường, chủ tàu đồng thời là chủ một cơ sở thu mua cá ở xã Gio Việt (Gio Linh) cho biết: “Ngư dân vất vả lắm mới đánh bắt được con cá, nhưng khi vào đất liền cũng phải nhọc nhằn xoay xở, kiếm tìm nơi tiêu thụ. Bây giờ phương tiện đi lại có thuận lợi, ngư dân đỡ vất vả trong khâu vận chuyển nhưng thị trường tiêu thụ vẫn chưa ổn định, ngư dân và thương lái chưa thể yên tâm gắn bó với nghề biển”.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Gio Việt Nguyễn Thanh Thương cho biết: “Trong mấy năm trở lại đây ngoài việc khai thác, đánh bắt thì ngư dân Gio Việt đã đầu tư mạnh nghề chế biến hải sản. Hiện tại riêng xã Gio Việt có 74 lò hấp, sấy cá với sản lượng tiêu thụ 300 tấn/ngày, 8 kho lạnh giữ đông cá, chi phí đầu tư mỗi kho vài trăm triệu đồng, 13 cầu cá tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ngoại tỉnh vào cập bến bán sản phẩm và tiếp nhiên liệu.
Việc phát triển mạnh dịch vụ thu mua, chế biến đã tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nữ và đặc biệt là tạo điều kiện làm giàu chính đáng cho nhiều hộ gia đình.
Đây được xem là giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nghề biển, đồng thời tạo được thị trường tiêu thụ ổn định giúp ngư dân yên tâm bám biển”.
Tuy nhiên trên thực tế mối liên hệ giữa ngư dân, doanh nghiệp thu mua và nhà nước vẫn chưa chặt chẽ và mật thiết. Đặc biệt về phía nhà nước cần có các chủ trương thích hợp trong việc hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ đầu tư về hạ tầng như điện, mặt bằng sản xuất...
Nhà nước phải thật sự là “bà đỡ” với đầy đủ căn cứ pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức đàm phán, ký kết các hợp đồng kinh tế lớn trên lĩnh vực xuất khẩu hải sản.
Có như vậy mới giúp ngư dân và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vốn để mua sắm tàu thuyền, xây dựng cơ sở chế biến, từng bước hoàn thiện hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế biển.
Hiện nay nhà nước đang có chủ trương tăng cường tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển và các loại tàu chuyên dụng khác để thường xuyên theo dõi bảo vệ hỗ trợ ngư dân trong việc khai thác, giúp ngư dân yên tâm sản xuất ở ngư trường truyền thống của mình.
Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đang quan tâm và theo sát cùng ngư dân đánh bắt hải sản cũng như tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và khai thác có hiệu quả hơn nữa về tiềm năng, lợi thế kinh tế biển.
Có thể bạn quan tâm
Ở một số vùng nuôi tôm, việc kết hợp nuôi cá điêu hồng xen canh với tôm sú vào mùa nước ngọt là biện pháp tốt để giảm rủi ro và cân bằng môi trường sinh thái.
Lấy vợ, lập nghiệp với 2 sào đất vườn bạc màu, 6 sào ruộng lúa, vợ chồng ông Trần Đăng Khoa, xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu, Nam Định đã làm giàu từ chính mảnh đất bạc màu ấy.
Theo tính toán của ngành chuyên môn, để đầu tư cho một héc-ta nuôi tôm quảng canh cải tiến, người nông dân phải đầu tư các khoản như: cải tạo ao đầm, men vi sinh, tiền con giống, thức ăn bổ sung, tương đương 12 triệu đồng/vụ. Quả thật đây là khoản tiền không nhỏ đối với những hộ gia đình có mức sống trung bình.
Với việc thành lập các ban điều phối ngành hàng nông sản, nông sản Việt Nam sẽ tăng được giá trị gia tăng, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân.
UBND tỉnh Đăk Lăk lại đồng ý bổ sung quy hoạch thêm 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn, nâng số nhà máy trên toàn tỉnh lên 7 trong thời gian tới.