Phòng trị bệnh cho cá rô phi nuôi lồng bè
Quy trình này quy định trình tự nội dung việc phòng và trị bệnh cho cá rô phi đơn tính (Oreochromis niloticus), áp dụng cho các cơ sở nuôi cá rô phi đơn tính bằng hình thức nuôi lồng trên hồ thủy điện Sơn La.
1. Chọn vị trí và đặt lồng nuôi
1.1. Vị trí đặt lồng bè
- Khu vực nước sạch, không bị ảnh hưởng bởi chất thải sinh hoạt, chất thải sản xuất khác.
- Tránh xa nơi tàu thuyền thường qua lại nhiều.
- Nuôi ở hồ chứa nước phải chọn khu vực có dòng chảy, không nuôi ở các eo ngách.
1.2. Môi trường nước nơi đặt lồng
- pH = 7,5 - 8,0
- Oxy hoà tan (O2) lớn hơn 5 mg/lít
- Amoniac (NH3) không lơn hơn 0,01 mg/lít
- Nitrit (NO2) và sunfua hydro (H2S) nhỏ hơn 0,01 mg/lít
1.3. Cách đặt lồng
- Diện tích lồng chỉ được chiếm không nhiều hơn 0,05% diện tích khu vực mặt nước lúc cạn nhất.
- Mỗi khu vực đặt 2 - 5 bè (mỗi bè 4 lồng có diện tích 10 m2), khoảng cách giữa các cụm bè là 200 - 500 m. Các bè phải đặt so le, khoảng cách giữa các bè là 10 - 15 m, đáy lồng cách mặt đáy không nhỏ hơn 0,5 m.
2. Chọn giống
- Ngoại hình: Cỡ cá đồng đều, cân đối, vây vảy hoàn chỉnh, không sây sát, không mất nhớt, màu sắc tươi sáng
- Trạng thái hoạt động: Nhanh nhẹn, bơi theo đàn, phản ứng nhanh với tiếng động, ánh sáng.
- Tình trạng sức khỏe: Không có dấu hiệu bệnh lý, khi bắt buộc xét nghiệm không nhiễm những bệnh nguy hiểm của loài, tỷ lệ dị hình không lớn hơn 1%.
- Kích cỡ: 8 - 10 cm/con, khối lượng 15 - 20 g/con.
3. Bảo đảm môi trường nuôi và phòng bệnh cho cá nuôi lồng
Sử dụng một số hoá chất sau đây treo trong lồng để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh ngoại ký sinh cho cá nuôi.
3.1. Vôi nung (CaO) để khử trùng và khử chua cho môi trường nước:
- Dùng vôi nung đựng trong bao tải treo ở đầu nguồn nước hoặc khu vực cho ăn trong các lồng bè.
- Túi treo cách mặt nước khoảng 1/3 - 1/2 độ sâu của nước trong lồng/bè.
- Liều lượng sử dụng là 2 - 4 kg vôi cho 10 m3 nước.
- Khi vôi tan hết lại tiếp tục treo túi khác
3.2. Hóa chất để khử trùng, phòng bệnh vi khuẩn, nấm và bệnh ký sinh trùng
a. VICATO (Trichlocyanuric acid - TCCA)
+ Thuốc đóng viên 200 g/viên để treo trong lồng, thuốc tan dần ra ngoài khoảng 1 tuần.
+ Liều lượng sử dụng là 200 g/10 m3 nước, 2 tuần một lần (vị trí và độ sâu treo như túi vôi).
b. Rescus
- Thuốc dạng nước đóng chai hòa nước té trực tiếp xuống lồng nuôi cá
- Cách dùng: Hòa tan 1 lít thuốc/40 lít nước té vào cá và xung quanh lồng.
3.4. Sulphat đồng (CuSO4) để phòng bệnh ký sinh đơn bào:
- Thuốc đựng trong túi vải treo trong lồng, bè (vị trí và độ sâu treo như túi vôi).
- Liều lượng sử dụng là 50 g/10 m3 nước, mỗi tuần treo 2 lần.
3.5. Cho cá ăn thuốc phòng bệnh nội ký sinh
Sử dụng một số loại thuốc sau đây trộn lẫn với thức ăn cho cá ăn để phòng bệnh nội ký sinh (bệnh nhiễm khuẩn máu, bệnh giun sán).
a. Thuốc KN-04-12:
- Thuốc KN-04-12 được phối chế từ những cây thuốc có tác dụng diệt khuẩn.
- Cho cá ăn định kỳ 30 - 45 ngày 1 đợt thuốc KN-04-12. Mỗi đợt cho ăn 3 ngày liên tục, liều lượng 2g/kg cá/ngày; phòng bệnh nhiễm khuẩn máu (đốm đỏ, xuất huyết, thối mang, viêm ruột...);
- Trị bệnh cho cá ăn 4g thuốc/kg cá/ngày, cho ăn 7 - 10 ngày liên tục.
- Mùa xuất hiện bệnh nhiễm khuẩn máu từ tháng 3 - 5 và tháng 8 - 10.
b. Thuốc kháng sinh:
- Dùng một số loại thuốc kháng sinh: Doxycyllin, Sulphatrim, AntiGerm... trộn vào thức ăn tinh cho cá để trị bệnh nhiễm khuẩn máu (Streptoccocus sp, Aeromonas sp, Pseudomonas sp).
- Liều lượng sử dụng là 100 mg/kg cá/ngày thứ nhất; từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 cho ăn 50 mg/kg cá/ngày. Khi cá bị bệnh nhiễm khuẩn máu cho ăn 1 đợt, mỗi đợt kéo dài không quá 7 ngày.
c. Men tiêu hóa (Lacto-Plus hoặc HI-Lactic):
- Trộn men tiêu hóa vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày.
- Liều lượng sử dụng là 1,0 - 3,0 g/kg thức ăn.
d. Vitamin C:
- Định kỳ 1 tháng cho cá ăn 1 đợt 7 ngày, trộn vitamin C vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày;
- Liều lượng sử dụng là 10,0 - 30,0 mg/kg cá/ngày.
Có thể bạn quan tâm
Người Dao đến định canh, dựng nhà lập thành bản Nà Màu ở lưng chừng núi cao trên 1.600m nằm ven sườn núi cao Tây Côn Lĩnh(cao trên 2.300m so mực nước biển) đã nhiều đời nay.
Chỉ với ba sào đất trồng cây hoa Lily để bán trong dịp Tết Nguyên đán, năm nay, gia đình chị Hoàng Thị Nam, ở thôn Cầu Đất, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn – Bắc Giang) dự kiến sẽ thu về trên 300 triệu đồng…
Nếu như việc nuôi dế để làm thực phẩm đưa ra thị trường giúp nông dân trẻ Nguyễn Thanh Tùng (Thông Hội, huyện Củ Chi, TP. HCM) trở thành tỷ phú thì cũng tại địa phương này người cựu chiến binh Phạm Ngọc Tuân (xã Nhuận Đức) cũng đi lên từ cặp nhím giống.
Nhờ sự cần cù chịu khó và năng động trong cách nghĩ, cách làm, nhiều nông dân ở thành phố Cao Lãnh đã không chỉ đưa gia đình mình thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.
Cứ mỗi độ tết đến xuân về, người Hương Sơn lại thi nhau ra vườn hái chọn lấy những quả cam bù đẹp nhất trong vườn đưa vào đặt lên bàn thờ cúng Tổ tiên bằng cả tấm lòng qua một năm gặt hái. Bởi vào dịp tết cổ truyền dân tộc là cam bù Hương Sơn lại vào mùa thu hoạch.