Đã trị được sâu đục củ khoai lang
Sau thời gian áp dụng trồng khoai lang theo kỹ thuật mới, phòng trị sâu đục củ đạt tới 90%, Chi cục Bảo vệ thực vật đang có kế hoạch chuyển giao kỹ thuật, triển khai mô hình sản xuất rộng rãi cho nông dân.
Đề tài “Xây dựng quy trình và mô hình quản lý tổng hợp sâu đục củ khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long” được triển khai từ tháng 5/2014 và kết thúc vào tháng 8/2015, với các mục tiêu xác định sâu hại đục củ khoai lang, xây dựng các quy trình quản lý và phòng trừ hiệu quả.
Gửi ấu trùng sang Nhật định danh
Sâu đục củ khoai lang được ghi nhận vào năm 2012, nhiều nhất tại huyện Bình Tân với diện tích gây hại thời điểm đó lên đến gần 5.000ha. Loài sâu này chỉ gây hại bên ngoài nhưng làm giảm đáng kể giá trị thương mại củ.
Đây là đối tượng gây hại mới, kiến thức loài sâu này ở ĐBSCL chưa được thiết lập. Để kịp thời ngăn chặn, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt đề tài “Xây dựng quy trình và mô hình quản lý tổng hợp sâu đục củ khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long” với kinh phí thực hiện trên 500 triệu đồng.
Đề tài do Tiến sĩ Lê Văn Vàng- Khoa Nông nghiệp (ĐH Cần Thơ) và Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tuyết- Chi cục Bảo vệ thực vật Vĩnh Long đồng chủ nhiệm.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập ấu trùng từ ruộng khoai để nuôi. Mẫu trưởng thành được gửi đến Bộ môn Côn trùng học ứng dụng ĐH Tottori (Nhật Bản) thẩm định, nhằm xác định tên khoa học. Song song đó, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng các mô hình trồng thử nghiệm tại huyện Bình Tân theo biện pháp thâm canh tổng hợp.
Từ những hạn chế khâu làm đất, xử lý giống của nông dân lâu nay do chạy theo mùa vụ, thị trường, nhóm nghiên cứu đã triển khai khắc phục.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, khâu làm đất, xử lý giống là hết sức quan trọng, bởi ấu trùng sâu này có xuất phát điểm từ đất chui lên gây hại. Vì vậy, “trước khi xuống giống bà con cần dọn sạch tàn dư thực vật từ vụ trước và cày ải phơi đất hoặc áp dụng cách cho ruộng ngập nước.
Sau khi thu hoạch nên cho nước ngập ruộng ít nhất 7 ngày để diệt trứng, nhộng và sâu non. Quá trình lên luống trồng cần kết hợp bón vôi, phân hữu cơ (500 kg/1.000m2) và nấm Trichoderma (1 kg/1.000m2)”- Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tuyết lưu ý.
Ngoài ra, nhằm loại bỏ nguồn lưu tồn của sâu đục khoai lang và hạn chế sự gây hại của bệnh héo dây, nhóm nghiên cứu cũng khuyến cáo bà con cần xử lý hom giống bằng cách ngâm trong dung dịch nấm Trichoderma 0,5%. Đặc biệt, trồng sả ven ruộng khoai để xua đuổi dịch hại cũng là một trong những điểm mới mà nhiều nông dân tham gia mô hình đánh giá cao.
Sẽ chuyển giao rộng rãi
Những mô hình trình diễn đã mang lại nhiều kết quả khả quan, hạn chế đáng kể sâu đục củ. Áp dụng trồng khoai lang theo kỹ thuật mới liên tiếp nhiều vụ vừa qua, anh Lê Tấn Kiệt- nông dân xã Tân Hưng (Bình Tân)- cho biết, nếu áp dụng đúng các quy trình có thể phòng trị sâu đục củ lên đến hơn 90%. Theo anh, cái mới của mô hình là bắt buộc nông dân phải tuân thủ đầy đủ các quy trình từ chuẩn bị đất trồng, lên luống kết hợp bón phân hữu cơ và nấm Trichoderma…
Đặc biệt là sau khi thu hoạch phải ngâm đất ít nhất 7 ngày mới sản xuất vụ sau nhằm loại bỏ dịch hại còn tồn dư.
Đây là giải pháp kỹ thuật khá hay mà trước giờ nông dân trồng khoai thường ít chịu tuân thủ nên dịch bệnh có điều kiện bùng phát mạnh gần đây. Hiện 4 công của anh Kiệt cũng đã làm theo kỹ thuật mới. Những vụ khoai vừa qua, củ đạt khoai loại 1 rất cao nên tiêu thụ dễ dàng, giá cao.
Thu hoạch khoai lang góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Còn theo anh Võ Hiếu Hùng (xã Thuận An- TX Bình Minh), quy trình mới đã giảm khoảng 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật, nên chi phí cũng giảm theo đáng kể so sản xuất ngoài mô hình. Anh Hùng có 2 công khoai lang, những vụ vừa qua đều chịu cảnh thua lỗ do sâu đục củ tấn công. Phun xịt nhiều loại thuốc nhưng không ăn thua.
Từ khi tham gia mô hình mới, ruộng khoai của anh hạn chế rõ rệt sâu đục củ. “Trước đây trồng khoai lang sau khi xuống giống gần như phải ra ruộng chăm sóc, phun thuốc tưới phân liên tục. Còn khi áp dụng quy trình mới phải tuân thủ kỹ thuật, chỉ phun, xịt vài lần, thời gian rảnh rỗi nhiều có thể làm được nhiều việc khác”- anh Hùng nói.
Trong cuộc hội thảo với chủ đề “Sâu đục củ khoai lang: tác nhân, sự gây hại và giải pháp quản lý”, diễn ra tại Cần Thơ vào cuối tháng 8 vừa qua, nhóm nghiên cứu đã thu thập các ý kiến đóng góp lần cuối và hiện quy trình cũng đang được hoàn thiện trình các ngành chức năng đưa vào áp dụng thực tiễn.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tuyết cho biết, dự kiến cuối tuần này sẽ đến các địa phương phổ biến kỹ thuật phòng trị cho cán bộ nông nghiệp và bà con trồng khoai. Đồng thời, Chi cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ tiếp tục thực hiện nhiều mô hình mẫu khác tại các xã Thuận An (TX Bình Minh), Tân Bình (Bình Tân) để giúp nông dân kịp thời nắm bắt kỹ thuật, trồng đạt hiệu quả cao hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tuyết cho biết, nhóm cũng đang tiếp tục nghiên cứu tác dụng, hiệu quả kinh tế của việc đậy màng phủ trên vồng khoai trước khi trồng nhằm ngăn cản sự thâm nhập của sâu đục củ. Điều này, thực tế ghi nhận từ kết quả sản xuất đối với những ruộng đã sử dụng màng phủ cho thấy, sản lượng củ thiệt hại chỉ 7,2%, trong khi ruộng ngoài mô hình thiệt hại lên đến 11,3%.
Có thể bạn quan tâm

Ốc len hay còn gọi là linh hoa (tên khoa học Cerithidea obtusa) sống tự nhiên ở những khu rừng ngập mặn hay các bãi bồi ven biển, là loại đặc sản quý có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nuôi ốc len cho thu nhập không cao bằng một số loài thủy sản khác như tôm sú, cua biển, sò huyết... nhưng có ưu thế là phù hợp điều kiện của hộ nghèo, nhất là hộ đang nhận giao khoán chăm sóc và bảo vệ rừng.

Thời gian qua, nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện nhỏ phát triển quá mức, mang tính tận diệt… làm nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị cạn kiệt. Trước thực trạng đó, nhiều tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ đã được xây dựng tại huyện Tuy An (Phú Yên) nhằm góp phần bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Dù bài học về vụ nuôi cá sấu khiến cho nhiều người nông dân ở Cà Mau và Bạc Liêu trắng tay cách đây chưa lâu, nhưng trước tình trạng người dân Đồng bằng sông Cửu Long ồ ạt nuôi trở lại khiến cho ngành chức năng lo lắng cảnh cũ lại tái diễn.

Đến thời điểm này, nông dân tỉnh Hậu Giang đã thả nuôi thủy sản trên ruộng lúa được hơn 1.303ha, đạt gần 35% kế hoạch. Trong đó, cá - ruộng 1.299ha, tôm càng xanh - ruộng 4,4ha, tập trung ở các huyện: Phụng Hiệp, Long Mỹ, Châu Thành A, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh.

Sáu tháng đầu năm 2015, diện tích nuôi cá tra của ĐBSCL ước đạt 5.795 ha, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, quý I và II, ngành nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn do XK giảm, nắng nóng kéo dài gây dịch bệnh lên cá, đồng thời giá cá không ổn định khiến người nuôi cân nhắc kỹ hơn trước mỗi vụ nuôi. Do đó diện tích nuôi cá tra của một số địa phương có xu hướng giảm như: Hậu Giang (giảm 24,2%), Tiền Giang (giảm 26%), Bến Tre (giảm 23,9%).