Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông dân lại tự phát trồng gừng

Nông dân lại tự phát trồng gừng
Ngày đăng: 16/09/2015

Tuy nhiên, đây là loại cây trồng không dễ mang lại hiệu quả kinh tế cao như người dân đã nghĩ.

Ông Nguyễn Văn Ửng, ở ấp 8, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, chăm chút cho liếp gừng.

Giải pháp “lấy ngắn nuôi dài”

Thị xã Long Mỹ được biết đến là nơi khai sinh của thương hiệu “quýt đường Long Trị”, đặc sản “nức tiếng” bởi chất lượng và hương vị đậm đà. Mặc dù được nhà vườn chăm sóc kỹ, nhưng trong thời gian gần đây, dịch bệnh vàng lá gân xanh bùng phát mạnh, cộng thêm một số diện tích bị thoái hóa đã làm cho năng suất giảm đi rõ rệt.

Vì thế, không ít hộ dân đã đốn bỏ cây trong vườn để trồng lại các loại cây ngắn ngày vừa giúp tăng thêm thu nhập, vừa cách ly mầm bệnh trong vài tháng, thậm chí là cả năm.

Trong các loại nông sản ngắn ngày thì hiện nay, gừng là sự lựa chọn số một của bà con. Vì đây là loại trồng nhẹ chi phí sản xuất, ít tốn công chăm sóc, nhất là có thời gian sinh trưởng ngắn, trung bình từ 7 - 8 tháng là có thể thu hoạch.

Sau khi “trúng đậm” 2 công gừng vào năm 2014, với lợi nhuận gần 50 triệu đồng, nhưng ông Nguyễn Văn Ửng, ở ấp 8, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, vẫn không bỏ hẳn quýt đường. Cụ thể là đầu năm nay, ông đã lên mô để trồng mới lại vườn cây. Nhưng thay vì độc canh, lão nông này đã tận dụng diện tích đất trống giữa các mô, rồi tạo rãnh thoát nước để trồng xen gừng vào đó.

Với cách làm trên, ông Ửng không những có thể lấy ngắn nuôi dài, mà còn giúp đất tơi xốp, tái tạo lại dinh dưỡng cần thiết cho vườn quýt của gia đình mình. Cặm cụi chăm sóc từng bụi gừng phía sau nhà, ông Ửng háo hức chia sẻ: “Bỏ quýt trồng gừng là chuyện tôi chưa từng nghĩ tới.

Do đó, thay vì bỏ trống đất cho cỏ lên, tôi tận dụng trồng xen gừng. Loại cây này “ưa” phân chuồng lắm. Sau khi thu hoạch, chất dinh dưỡng còn lại trong đất rất nhiều. Lúc này, mình đặt quýt xuống thì không những mầm bệnh đã hết, mà còn giúp cây tăng trưởng khỏe ở giai đoạn đầu, đỡ tốn chi phí phân bón”.

Nhưng cũng lắm rủi ro

Hiện nay, cách trồng xen này đã trở nên phổ biến ở xã Long Trị và Long trị A, thị xã Long Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết nông dân đều gặp nhiều khó khăn trong quá trình canh tác do không am hiểu các biện pháp kỹ thuật. Ông Huỳnh Văn Lợt, ở ấp 8, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, lo ngại vì gần 2 công gừng nhà ông đang bị bệnh khá nặng.

Mặc dù đã tốn công phun xịt nhiều lần nhưng lá cây vẫn vàng ẻo. “Thấy vậy chứ không phải dễ ăn, loại cây này cũng nhiều bệnh. Mà gặp bệnh thối củ chỉ còn nước nhổ liền chứ không cách nào chữa được. Trồng gừng này nhiều rủi ro lắm, đầu ra cũng không ổn định, lỗ như chơi”, ông Lợi cho biết.

Còn ở huyện Phụng Hiệp, nếu như vào năm 2014, diện tích trồng gừng của huyện là 47ha, thì đến nay đã tăng lên 68ha. Dù diện tích tăng đáng kể nhưng khi được hỏi về đầu ra sản phẩm, bà con đều trả lời theo kiểu “may nhờ rủi chịu”.

Theo ông Trần Việt Nhiên, ở ấp Phương Quới C, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, vài năm gần đây, thấy gừng có giá cao nên ông tiến hành trồng thử bước đầu, rồi tiếp tục mở rộng ra hết 4 công đất vườn. Giờ này, ông hy vọng là giá sẽ cao như năm trước thì mới mong kiếm được lời. Ông Nhiên trăn trở: “Tôi cũng không biết thương lái đến từ đâu, nhưng hễ cuối vụ là xuống tận nơi thu mua. Trồng gừng, đầu ra khó ăn nhất là lúc mưa nhiều như hiện nay”.

Tiểu thương Lê Thị Gấm, chuyên thu mua gừng trên địa bàn xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, để đem bán sỉ cho các chợ ở Kiên Giang, khẳng định: “Không biết tới tết giá có tăng trở lại như vụ rồi không. Chứ giá gừng bây giờ có 10.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Nên mua đi bán lại lời meo lắm”.

Lo ngại câu chuyện “được mùa mất giá” sẽ tái diễn, ngành chức năng ở các địa phương cũng khuyến cáo không nên tăng diện tích trồng gừng tự phát. Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cảnh báo: “Nông dân cần cẩn trọng trong khi mở rộng diện tích trồng gừng, do chưa có đầu ra ổn định, giá cả bấp bênh.

Gừng dễ bị thối củ và chưa có thuốc đặc trị nên người dân cần chú ý trong quá trình chăm sóc”.

Trước thực trạng diện tích trồng gừng đang có xu hướng tăng, nhưng giá cả thị trường đang lao dốc thì liệu vào cao điểm thu hoạch rộ cuối năm, nông dân có còn “trúng đậm” mùa gừng như những năm trước?


Có thể bạn quan tâm

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu (XK) hàng hóa, tận dụng cơ hội từ hội nhập, Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thời kỳ 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030”.

13/11/2015
Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh cả lượng và giá Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh cả lượng và giá

Trước những bất lợi về giá, sức tiêu thụ kém của thị trường nhập khẩu từ đầu năm đến nay, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo: Xuất khẩu (XK) thủy sản năm nay giảm khoảng 15% so với năm 2014.

13/11/2015
Hà Tĩnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp Hà Tĩnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp

Hà Tĩnh đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất cây giống, chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi…, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường.

13/11/2015
Phát hiện doanh nghiệp trộn chất gây ung thư vào thức ăn chăn nuôi Phát hiện doanh nghiệp trộn chất gây ung thư vào thức ăn chăn nuôi

Một công ty ở Hải Dương đã bị phát hiện sử dụng chất vàng ô có thể gây ung thư vào sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

13/11/2015
Đánh thức kinh tế vườn từ tiêu chí số 20 Đánh thức kinh tế vườn từ tiêu chí số 20

Trên đà thắng lợi của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Tĩnh đã mạnh dạn xây dựng thêm tiêu chí thứ 20 “khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu’’.

13/11/2015