Được giá nhưng phải thận trọng
Người dân Hương Văn thu hoạch cau non để bán.
Trong khi nhiều năm trước, cau đến kỳ thu hoạch không có người mua, rơi rụng đầy vườn; chỉ có số ít bán cho người dân phục vụ cưới, hỏi nên lời lãi chẳng là bao. Cách đây hơn một tháng, bất ngờ nhiều thương lái xuất hiện, lùng sục khắp các vùng trồng cau để mua trái. Điều đáng nói, họ không mua cau già, mà chỉ mua cau non với giá cao chưa từng có.
Giá cau nhích dần từ 7.000 đồng/kg, đến nay lên đến 15 ngàn đồng/kg, cao gấp 4 - 5 lần so với nhiều năm trước. “Đây là cơ hội đối với người dân chúng tôi, bởi lâu lắm rồi cau mới có giá cao như vậy. Nếu không bán, để cau già thì các thương lái không mua, còn tiêu thụ tại địa phương thì không hết; bà Trần Thị Hoa ở phường Hương Văn (TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ.
Một điểm tập kết cau của lái buôn tại phường Hương Văn.
Ông Nguyễn Văn Thân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền) nói: “Thời tiết, khí hậu thời gian qua rất thích hợp cho cây cau phát triển tốt, sai quả. Mừng hơn là bất ngờ giá cau lại cao nên cho thu nhập khá. Chừng 50 cây cau của gia đình tôi đạt hơn một tấn quả, cho thu nhập hơn 10 triệu đồng. Các hộ tại địa phương trồng vài chục cây cũng thu được vài triệu đồng”.
Hỏi các lái buôn ở đâu đến mua cau, ông Thân cũng như hầu hết người dân đều cho biết là ở các tỉnh phía Bắc. Trao đổi với chúng tôi, một lái buôn ở Hải Phòng tên Nguyễn Đông cho biết, họ thu mua cau non, bán lại cho các cơ sở chế biến ở các tỉnh phía Bắc về sơ chế xuất sang Trung Quốc.
Tại huyện miền núi Nam Đông, người dân khấp khởi vui mừng trước vụ cau được mùa, giá cao. Toàn huyện có khoảng 120 ha, ước đạt 3.500 tấn cau tươi, cao nhất toàn tỉnh.
Ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, khi hay tin có lái buôn vào địa bàn thu mua cau non, ngành nông nghiệp và các địa phương vào cuộc kiểm tra, đánh giá và xét thấy hoàn toàn có lợi nên ủng hộ người dân bán cau non.
Các hộ đều có thu nhập cao từ vài triệu đồng trở lên, những hộ trồng nhiều thu nhập từ 10 triệu đến vài chục triệu đồng. Việc thu hoạch cau non không ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây. Tuy nhiên, huyện khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác khi bán cau cho các thương lái. Hầu hết thương lái đều là người lạ nên khi thu hoạch cau bán phải thu tiền trước nhằm tránh rủi ro.
Tại Nam Đông, một số hộ thu mua gom cau trái của người dân trên địa bàn bán lại cho các thương lái. Bởi vậy, các hộ này càng phải nêu cao cảnh giác, khi nhận đặt hàng thì cần có các điều kiện ràng buộc, hợp đồng giá cả, thậm chí đặt tiền trước để tránh tình trạng ép giá, sản phẩm không bán được.
Trên địa bàn Nam Đông trước đây từng xảy ra tình trạng các hộ dân thu mua hàng trăm tấn cau để sơ chế xuất sang Trung Quốc, sau đó sản phẩm không bán được, lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”. Người dân cũng cần cảnh giác với các thương lái thu mua thân cây, rễ cây. Tình trạng này đã từng xảy ra trên địa bàn nhưng được các ban ngành, chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời.
Tiến sĩ Lê Tiến Dũng (Trường đại học Nông lâm Huế) khẳng định, việc thu hoạch cau non không ảnh hưởng đến chất lượng, hay gây hại vườn cau. Người dân bán cau non với giá cao là điều đáng mừng, nên ủng hộ.
Tuy nhiên, sau khi thu hoạch, các ngành chức năng cần hướng dẫn người dân tăng cường triển khai các biện pháp chăm sóc nhằm đảm bảo cây cau phát triển tốt; tuyên truyền nâng cao nhận thức, không nên vì lợi trước mắt mà bán rễ, thân cây…
Có thể bạn quan tâm
Đó là ý kiến của người dân 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, Chợ Mới, An Giang).
Thời gian gần đây, thương lái đổ xô về các nhà vườn ở Đồng Nai thu gom sầu riêng theo hình thức bao tiêu hết vườn, cắt cả những trái sầu riêng chưa đủ độ già. Sầu riêng bán tại vườn nhanh chóng “sốt” giá, hiện đang ở mức từ 30 - 32 ngàn đồng/kg, cao hơn khoảng 10 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều nông dân khấp khởi vui mừng vì bán được hàng với giá cao.
Lần đầu tiên trên địa bàn Bình Thuận, một Liên hiệp hợp tác xã (HTX) thanh long đã được hình thành và ra mắt. Sự kiện này được xem là bước ngoặt, với hy vọng góp phần phát triển sản xuất và tiêu thụ trái thanh long, tạo sản phẩm an toàn phục vụ cho thị trường trong và ngoài nước...
Đó là anh Phan Thanh Nhàn, hội viên Hội Nông dân phường 11 (TP.Vũng Tàu). Từ giống nhãn xuồng cơm vàng của gia đình, anh Nhàn tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chiết, ghép và nhân rộng giống, góp phần đưa giống nhãn đặc biệt này đi khắp mọi nơi.
Tham gia chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp năm 2014 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo, Bến Tre có 3 sản phẩm được Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ chọn gửi dự thi gồm: bưởi da xanh (Tổ hợp tác bưởi da xanh Thành Triệu, huyện Châu Thành), nhãn xuồng cơm vàng (xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại), dừa xiêm xanh (xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm).