Ảnh hưởng bão, rau mất trắng
Đội mưa vớt những đám rau còn ngoi trên mặt nước.
Cơn mưa lớn từ tối 13-9 làm nhiều vườn rau trên địa bàn Đà Nẵng hư hại nặng. Để vớt vát lại chút vốn liếng, công sức, người dân đã cố gắng thu hoạch, dù giá rất rẻ.
Chúng tôi có mặt tại chợ Túy Loan vào sáng 14-9. Ngày thường, các hộ trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap ở Túy Loan chỉ mang bán vừa đủ cho bạn hàng. Nhưng riêng hôm nay, lượng rau về chợ tăng đột biến, bởi nghe có bão bà con vội vã thu hoạch hàng chục tạ rau. Nhu cầu thực tế không nhiều, vì vậy giá rau xanh rớt thảm hại.
Bà Đặng Thị Hòa (thôn Túy Loan Tây 1, xã Hòa Phong) buồn rầu kể: “Tui ra đồng hồi bốn giờ sáng ni đã thấy nước ngập nửa cây rau cải rồi. Nhà trồng hơn 600m2 đất rau màu, chừ ở dưới nước hết rồi. Ác cái là toàn là rau giống, mới nhỏ chút, khoảng nửa tháng nữa mới bán được. Cả làng ni ai cũng nhổ bán thì bán cho ai. Thứ chi để được chứ rau để một hai ngày là thúi hết…”.
Cùng hoàn cảnh như bà Hòa, hàng chục hộ trồng rau sạch ở Hồ Bún – Túy Loan đang lâm vào cảnh nhà nhà thu hoạch, mang ra chợ bán, bán không hết lại mang về nhà. Giá mỗi chục/kg rau giảm 5.000 - 10.000 đồng/loại. Cụ thể như rau cải cay chỉ còn 45.000 đồng/chục, rau muống 40.000 đồng (giảm 10.000 đồng), xà lách 15.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng).
Rau lớn đã vậy, các loại rau nhỏ như ngổ, cải con, quế, ớt, hành ngò… giá vô chừng vì người dân nhổ ồ ạt, tiêu thụ chậm. Con đường dẫn ra vùng rau Túy Loan ngập ngụa bùn đất đỏ. Mặc cho mưa lớn, bà Lê Thị Tửu (thôn Túy Loan Tây) cùng hai đứa con vừa được trường thông báo cho nghỉ học đã vội chạy ra vườn rau cắt nốt những trái mướp, ớt trên giàn như muốn đổ sụp.
Mưa chỉ mới hai ngày qua, nhưng hàng chục hecta rau, màu ở Hòa Phong giờ đây tan hoang. Những luống rau không kịp che ni-lông đã bị gió quật ngã rạp, dập bét. Bà con làm nông ở đây than thở, nhà nào cũng trồng 2 - 4 sào rau, dồn tất cả vốn liếng vào đây, nếu suôn sẻ một vụ thu về được trên dưới chục triệu đồng, nay thì chỉ vài trăm ngàn đồng.
Ngược về xã Hòa Liên, những mảnh ruộng còn sót lại của người dân chưa giải tỏa vẫn dùng để canh tác hoa, màu giờ đây trắng xóa nước. Nhiều nông dân lớn tuổi bất chấp nước từ các hồ nuôi cá dâng cao, lội xuống ngang bụng để vớt vát ít rau, màu chưa bị dập nát. 12 giờ trưa, dù đang giờ nghỉ ngơi nhưng hàng chục người dân thôn Xuân Thiều, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu vẫn vác rổ ra ruộng.
Trong cơn mưa nặng hạt, nhiều gia đình huy động cả người già, trẻ em ra cắt, nhặt, bó nhiều loại rau chở về nhà. Bà Trần Thị Kim (tổ 21, phường Hòa Hiệp Nam) cho biết, nghe nói có bão nên đêm hôm qua cả nhà phải nhổ rau cả đêm. “Nhổ được từng mô thì nhổ, còn lại bỏ chứ chạy không kịp nữa rồi. Tiếc cũng chẳng làm được chi”, bà Kim chua chát nói.
Theo nhiều nông dân, sau mỗi đợt mưa lụt, giá rau, hành tại các chợ bao giờ cũng rẻ, nhưng chỉ sau 1 - 2 tuần lượng rau địa phương khan hiếm giá sẽ đắt trở lại. Nếu thời tiết thuận lợi thì người dân mất khoảng 1 - 2 tháng mới khôi phục được vườn rau.
Có thể bạn quan tâm
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) chi nhánh Đồng Tháp, đến 30/4, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 19.718 tỷ đồng, chiếm 52,9% tổng dư nợ, tăng 1.042 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Từ năm 2014 đến tháng 4/2015, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tổng vốn đầu tư các dự án là 734 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của doanh nghiệp (DN) để thực hiện dự án là 237 tỷ đồng.
Liên tục mấy ngày gần đây, người dân xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) thu hoạch được nhiều rau câu chỉ.
Mục tiêu của chiến dịch giải cứu này là giúp đưa giá ổi lên 2.000 đồng một kg, cao gấp 3-4 lần giá thương lái đưa ra.
Tỉnh ta có trữ lượng nông, thủy sản dồi dào và hàng chục làng nghề chế biến, phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn. Trong đó các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng có thế mạnh chế biến hải sản gắn với nguồn nguyên liệu tại chỗ; huyện Vụ Bản, Ý Yên, Thành phố Nam Định phát triển các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm…