Phát triển nuôi trồng thủy sản
Tuyển chọn cá chép lai bố mẹ tại Trại cá giống Cù Vân (Đại Từ).
Thái Nguyên có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản.
Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 6.925ha, trong đó có 2.285ha ao gia đình; 1.140ha hồ chứa nước thuỷ lợi vừa và nhỏ có thể nuôi thủy sản theo hình thức thâm canh, bán thâm canh và quảng canh; 1.000ha ruộng cấy lúa có thể kết hợp nuôi thủy sản; 2.500 ha hồ chứa Núi Cốc có thể nuôi thả, nuôi lồng và bảo tồn các giống loài thuỷ sản quý hiếm.
Ngoài ra còn 12.000ha mặt nước các sông suối, có khả năng nuôi lồng, nuôi eo ngách, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trong giai đoạn 2011 - 2014, nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể.
Diện tích mặt nước được đưa vào nuôi thủy sản ngày càng tăng, đến nay là 5.881ha, bao gồm các ao, hồ nhỏ, hồ Núi Cốc (2.500ha) và một phần diện tích ruộng kết hợp cấy lúa; sản lượng thủy sản tăng bình quân 8,7%/năm (năm 2011 là 6.171 tấn; năm 2014 đạt 7.778 tấn và năm 2015 ước đạt 8.000 tấn).
Đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống, chiếm khoảng 70% diện tích và sản lượng, bao gồm: cá mè, trắm, chép, trôi...; các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: rô phi đơn tính, chép lai, chim trắng, diêu hồng... và loài đặc sản ba ba, lươn, ếch, cá tầm… chiếm khoảng 30%.
Hình thức nuôi hiện nay chủ yếu là nuôi ghép chiếm khoảng 90%, nuôi đơn chiếm khoảng 10% diện tích.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh, có một số vùng có nguồn nước lạnh có thể phát triển nuôi các đối tượng thủy sản nước lạnh bao gồm các xã: La Bằng, Hoàng Nông, Mỹ Yên, Quân Chu (Đại Từ); Phú Thượng, Thần Sa (Võ Nhai)… có thể cho sản lượng nuôi trên 100 tấn/năm.
Hiện nay đã có 3 cơ sở đang đầu tư nuôi cá tầm tại xã La Bằng (Đại Từ) và xã Phú Thượng (Võ Nhai), sản lượng năm 2014 đạt khoảng 28 tấn.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh có 6 trại sản xuất giống thủy sản và Xí nghiệp thủy sản Núi Cốc, ngoài ra còn mạng lưới ương nuôi, dịch vụ giống thủy sản tại các huyện trong tỉnh.
Các cơ sở sản xuất giống cung ứng trên 500 triệu cá bột và 50 triệu cá giống đáp ứng khoảng 85% nhu cầu nuôi của tỉnh.
Công tác nghiên cứu khoa học và khuyến ngư đã có những chuyển biến đáng kể.
Nhiều giống loài nuôi mới và kỹ thuật nuôi tiên tiến đã được nghiên cứu và áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả.
Trong 3 năm (2013 - 2015), từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước 340,6 triệu đồng, Trung tâm Thủy sản đã triển khai hỗ trợ các mô hình phát triển thủy sản như mô hình nuôi cá tổng hợp trong ao theo hướng GAP trên diện tích 1ha tại các huyện Định Hóa, Phú Lương và Đại Từ.
Trong 7 tháng thực hiện, năng suất trung bình đạt 8,4 tấn/ha, trừ chi phí mua cá giống, thức ăn và thuốc phòng bệnh, người nuôi thu lãi trên 62,2 triệu đồng.
Năm 2013; mô hình nuôi cá ao thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học cũng được triển khai tại Phổ Yên, Phú Bình và Đại Từ với quy mô 0,4ha, sau 7 tháng thực hiện mô hình, năng suất cá đạt 12,33 tấn, trừ chi phí còn lãi trên 89 triệu đồng.
Mô hình nuôi cá trong hồ chứa nhỏ (năm 2014) với diện tích 4,5ha tại các địa phương: Định Hóa, Phú Lương, Phú Bình, cũng đem lại cho người nuôi số tiền lãi gần 31 triệu đồng/ha.
Mô hình nuôi cá diêu hồng trong ao quy mô 0,8ha tại các huyện Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ, T.P Thái Nguyên và Phú Bình; nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính đực (năm 2015), cũng đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Kết quả của các mô hình là cơ sở quan trọng cho việc lựa chọn đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế và kỹ thuật nuôi tiên tiến để phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Theo ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thủy sản, sản lượng thủy sản tăng trưởng như hiện nay là nhờ mạnh dạn thay đổi cơ cấu giống mới năng suất cao vào sản xuất.
Thay đổi tập quán canh tác của bà con từ thả cá sang nuôi cá có đầu tư; chăn nuôi một số loại cá đặc sản thủy sản như nuôi cá tầm nước lạnh, cá diêu hồng, cá chiên (nuôi lồng), nuôi lươn không bùn với công nghệ mới; khai thác và nuôi cá ở các hồ chứa nhỏ.
Có thể nói, nguồn lợi do nuôi trồng thủy sản đem lại khá cao, từ 300 - 350 triệu đồng/ha, trong khi sản lượng cá của Thái Nguyên mới chỉ đáp ứng được một phần ba nhu cầu của người dân trong tỉnh.
Để tận dụng tiềm năng sẵn có, phát triển nuôi trồng thủy sản, trong những năm tới, ngành Thủy sản tiếp tục có những giải pháp nhằm tận dụng toàn bộ diện tích mặt nước hồ chứa thủy lợi vào nuôi trồng thủy sản trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa khai thác thủy lợi, nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác.
Xây dựng vùng sản xuất thuỷ sản hàng hoá tập trung, chất lượng cao với quy mô diện tích 500ha, chiếm 30% diện tích nuôi thâm canh cả tỉnh; dự kiến xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung tại các huyện Phú Bình, Phổ Yên, Đại Từ, Phú Lương, T.P Thái Nguyên; khuyến khích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP);
Phát triển nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả và tăng cường phát triển dịch vụ thuỷ sản…
Có thể bạn quan tâm
Linh hoạt cấp vốn vay theo từng giai đoạn của dự án là hình thức đang được các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai trong Chương trình Cho vay thí điểm theo chuỗi nông nghiệp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai từ đầu tháng 6/2014.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi: Toàn huyện hiện có hơn 800 hộ thực hiện mô hình nuôi tôm bán công nghiệp với hơn 1.000 ha. Tập trung ở các xã Tạ An Khương, Tân Đức, Nguyễn Huân, Quách Phẩm Bắc, Tân Duyệt và thị trấn Đầm Dơi, năng suất bình quân đạt 5 tấn – 6 tấn/ha/vụ nuôi.
Hiện Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại trái cây, như: chôm chôm, măng cụt, mít, chuối… với sản lượng ngày càng lớn. Cụ thể, năm 2013 Hàn Quốc nhập khẩu từ các nước 6 ngàn tấn xoài; dự kiến năm 2014 sẽ tăng lên 10 ngàn tấn và mức tăng trung bình về sản lượng nhập khẩu loại trái cây này là 50%/năm.
Công ty sữa Vinamilk vừa ra thông báo sẽ không thu mua lượng sữa vượt quá so với sản lượng sữa tối đa được quy định tại hợp đồng hoặc sản lượng sữa tối đa khác đã được vinamilk chấp thuận lần gần nhất bằng văn bản. Vinamilk sẽ tiến hành kiểm tra và rà soát lại toàn bộ hộ dân ký hợp đồng với doanh nghiệp, khi phát hiện bất kỳ hộ nào nhận sữa gửi của các đơn vị/hộ dân khác, nhà máy sẽ dừng thu mua và thông báo chấm dứt hợp đồng với hộ dân đã nhận giao sữa giúp này.
Trong thời gian 2 tháng, các học viên sẽ được truyền đạt các nội dung về công tác giống, chuồng trại, thức ăn và dinh dưỡng, kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng heo, vệ sinh phòng dịch và quản lý sản xuất trong trại heo, dược lý thú y, tham quan mô hình chăn nuôi trên địa bàn... Qua đó giúp hội viên nâng cao kiến thức, áp dụng vào chăn nuôi hiệu quả hơn.