Phát Triển Chăn Nuôi Heo Quy Mô Nhỏ Tại Nông Hộ Hiệu Quả Nhưng Khó Tránh Rủi Ro
Huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ có truyền thống phát triển nuôi heo theo quy mô nhỏ tại nông hộ, nhất là tại các xã thuộc phía Bắc kênh Cái Sắn. Gần đây, khi giá heo hơi ở mức cao, người dân rất phấn khởi, tích cực phát triển đàn. Tuy nhiên, chăn nuôi heo theo quy mô nhỏ tại các nông hộ cũng gặp không ít rủi ro.
Giá tăng, nuôi heo có mức lời hấp dẫn
Những năm trước, có nhiều thời điểm giá heo hơi giảm xuống mức dưới giá thành sản xuất, chỉ còn 3,3 - 3,5 triệu đồng/tạ, khiến người chăn nuôi heo bị thua lỗ nặng. Nhưng từ cuối năm 2013 đến nay, giá heo hơi tại ĐBSCL ổn định ở mức rất cao, từ 5 - 5,3 triệu đồng/tạ.
Riêng tại huyện Vĩnh Thạnh và nhiều địa phương khác ở TP Cần Thơ, giá heo hơi luôn ổn định từ 5 - 5,3 triệu đồng/tạ. Xuất bán heo hơi với giá như thời gian qua, người chăn nuôi có thể có lời từ 500.000 - 1.000.000 đồng/con heo 100kg.
Theo bà Nguyễn Thị Kim ngụ ấp C1, xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, một thời gian dài giá heo hơi luôn ở mức thấp người nuôi heo bị thua lỗ nặng.
Gần đây, giá heo hơi ổn định ở mức cao, nhiều hộ dân đã đẩy mạnh tái đàn. Bà Kim cho biết: “Tôi vừa xuất bán đàn heo gần 10 con, giá 5,1 triệu đồng/tạ, tính ra trừ chi phí, mỗi con heo 100kg có lời hơn 700.000 đồng/con.
Để tái bầy, tôi cũng vừa đầu tư hơn 12 triệu đồng để mua 11 con heo giống”. Bà Vũ Thị Sen ngụ ấp Đ1, xã Thạnh Thắng, cho biết: “Từ đầu năm 2014 đến nay, giá heo tăng lên rồi ổn định ở mức cao, giúp người chăn nuôi heo có lợi nhuận khá hấp dẫn, nhất là những hộ nuôi với số lượng nhiều. Gia đình tôi chỉ nuôi 1 con heo, vừa qua tôi quyết định đầu tư mua thêm 3 con heo con nữa dự tính để làm heo nái giống”.
Nhiều hộ dân chăn nuôi heo ở huyện Vĩnh Thạnh cho biết, từ nguồn thức ăn tự chế, con giống tự sản xuất và công lao động lúc nhàn rỗi nên nhiều hộ dân có thể tiết kiệm được nhiều chi phí trong chăn nuôi heo. Ông Nguyễn Công Tốt ngụ ấp E1, xã Thạnh An, cho biết: “Các hộ dân ở đây chủ yếu trồng lúa.
Chăn nuôi heo chỉ là nghề phụ nhưng góp phần quan trọng trong nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Để giảm chi phí chăn nuôi heo, các hộ dân ở đây mua thức ăn công nghiệp đậm đặc về pha chế với cám gạo và tấm để làm thức ăn cho heo. Cám và tấm được bà con lựa chọn lúc giá rẻ để mua vào dự trữ sẵn trong nhà…”.
Do vậy, thời gian qua, có thời điểm giá heo giảm xuống ở mức rất thấp nên nhiều hộ dân không bị lỗ vốn nặng. Hiện nay, khi giá heo hơi vọt lên trên 5 triệu đồng/tạ, nhiều hộ dân có thể kiếm lời trên dưới 1 triệu đồng/tạ heo.
Cần có giải pháp giảm thiểu rủi ro
Thực tế cho thấy, nhiều mô hình chăn nuôi heo quy mô nhỏ tại các nông hộ ở huyện Vĩnh Thạnh khẳng định được hiệu quả khá tốt.
Tuy nhiên, do người chăn nuôi phát triển tự phát, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên nhiều khả năng gặp rủi ro trong chăn nuôi, nhất là khi giá con giống và nhiều chi phí sản xuất đầu vào đang tăng mạnh. Ngoài ra, người chăn nuôi heo cũng dễ đối mặt với rủi ro do các loại dịch bệnh trên heo diễn biến phức tạp.
Do nhu cầu tìm mua heo giống để tái đàn tăng mạnh, hiện giá heo giống tại huyện Vĩnh Thạnh đã tăng lên ở mức cao kỷ lục. Heo giống khoảng 25 ngày tuổi, trọng lượng 7 - 8kg/con có giá bán 1,1 - 1,2 triệu đồng/con. Trong khi đó, heo giống có trọng lượng khoảng 10 - 11kg/con có giá 1,3 - 1,4 triệu đồng/con; còn heo giống loại tốt, trọng lượng khoảng 14 - 15 kg/con có giá lên đến 1,5 - 1,6 triệu đồng/con.
Với giá con giống như trên, cộng với chi phí đầu tư mua thức ăn, chuồng trại, điện nước, thuốc thú y và công chăm sóc, dự kiến giá thành để nuôi một con heo đạt 100 kg sẽ tiệm cận mức 5 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình chắc chắn sẽ bị thua lỗ nếu giá heo hơi có biến động giảm mạnh.
Toàn xã Thạnh Thắng hiện có hơn 150 hộ chăn nuôi heo theo quy mô nhỏ với tổng đàn heo đạt trên 5.000 con, hộ nuôi nhiều nhất khoảng 70 con, nuôi ít khoảng 2-6 con. Ông Nguyễn Văn Lệnh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Thắng, cho biết: Giá heo hơi ổn định ở mức cao, mô hình chăn nuôi heo tại nông hộ trên địa bàn xã đạt hiệu quả rất tốt.
Tuy nhiên, do hầu hết các hộ chăn nuôi theo kiểu đơn lẻ, chưa liên kết với nhau và chưa có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nên dễ gặp rủi ro về giá. Địa phương mong muốn mời gọi các doanh nghiệp đến tham gia cung cấp thức ăn chăn nuôi đầu vào với giá rẻ và bao tiêu đầu ra như mô hình “cánh đồng lớn” trong sản xuất lúa.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, tính đến đầu tháng 10-2014, đàn heo trên địa bàn huyện đạt trên 34.452 con, tăng 7.293 con so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, toàn huyện chỉ có 3 trang trại nuôi heo với quy mô lớn, từ 1.000 - 5.000 con; đa số còn lại là chăn nuôi quy mô nhỏ tại nông hộ.
Ông Phan Văn Năm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Gần đây giá cả và đầu ra heo hơi rất tốt nên các mô hình chăn nuôi heo quy mô nhỏ và đơn lẻ tại nông hộ có thể phát huy hiệu quả.
Song về lâu dài, không thể phát triển sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ mà cần hướng đến các mô hình trang trại lớn, cũng như cần có sự liên kết giữa các hộ dân và gắn kết với đơn vị bao tiêu sản phẩm để có đầu ra ổn định và giải quyết tốt các vấn đề về kỹ thuật chăn nuôi, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh… Muốn phát triển các trang trại nuôi heo quy mô lớn đòi hỏi vốn đầu tư rất cao nên người dân rất khó thực hiện ngay.
Do vậy, trước mắt ngành nông nghiệp có định hướng khuyến khích nông dân thực hiện các mô hình liên kết trong chăn nuôi heo và tích cực tìm kiếm, mời gọi các doanh nghiệp đến địa phương tham gia liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Việc duy trì và phát triển tốt các mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ tại các nông hộ chỉ là “bước đệm” quan trọng để huyện Vĩnh Thạnh có thể hình thành và phát triển các trang trại và mô hình chăn nuôi với quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi bồ câu Pháp. Nhờ mát tay, mỗi tháng ông Tuấn thu về 45-50 triệu đồng từ bồ câu giống và bồ câu thương phẩm.
Mỗi năm gia đình ông Ngô Tùng Tân (Khánh Hòa) xuất bán ra thị trường từ 12 – 14 tấn cá mú nghệ thương phẩm cho thu nhập hàng tỷ đồng.
Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đang ăn nên làm ra nhờ chế biến mặt hàng từ phế phẩm bong bóng cá tra. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán lượng hàng bong bóng cá
Năm qua vườn bưởi của anh Hưng thu hoạch khoảng 25 tấn trái, với giá bán bình quân 40.000 đ/kg, thu nhập mang lại cho gia đình hơn 1 tỷ đồng/năm.
Một trong những nông dân tiên phong đưa giống lúa Nhật về trồng trên tổng diện tích 120ha tại vùng đất phèn Đồng Tháp Mười thu lợi nhuận mỗi năm hơn 6,5 tỷ đồng