Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Cây Chè Hàng Hóa Hướng Tới Sản Xuất Bền Vững

Phát Triển Cây Chè Hàng Hóa Hướng Tới Sản Xuất Bền Vững
Ngày đăng: 16/01/2015

Với gần 5.000 ha, hiện Lào Cai đứng thứ 6 trong số 18 tỉnh trung du miền núi phía Bắc về diện tích chè. Sản lượng chè của toàn tỉnh năm 2014 đạt 16.200 tấn búp tươi, doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý là ngành nông nghiệp đã có những định hướng quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững cây chè hàng hóa.

Có thu nhập ổn định hơn 4 triệu đồng/tháng là “trái ngọt” đối với gia đình chị Thào Thị Dín, xã Xuân Hòa (Bảo Yên). Cũng như bao gia đình vùng cao khác vốn chỉ quen việc trồng ngô, sắn, nên cuộc sống vẫn cứ mãi khó khăn. Trồng 0,3 ha chè từ năm 2005, hiện diện tích chè đang cho năng suất ổn định từ 2 - 3 lứa/tháng vào mùa rộ, mỗi lứa thu 600 - 700 kg chè búp tươi, trở thành nguồn thu chủ yếu của gia đình chị Dín.
Hiện, xã Xuân Hòa có 300 hộ trồng chè với diện tích 90 ha, đây là một trong những vùng trồng chè trọng điểm của huyện, toàn xã có sản lượng chè búp tươi khoảng 400 tấn mỗi năm, nguồn thu khoảng 2,4 tỷ đồng. Cùng với cây lúa, cây chè được cấp ủy, chính quyền xã Xuân Hòa xác định là cây mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp.
Toàn huyện Bảo Yên hiện có hơn 309 ha chè hàng hóa, sản lượng năm 2014 đạt hơn 1.000 tấn, doanh thu hơn 7 tỷ đồng. So với nhiều địa phương khác trong tỉnh, Bảo Yên có diện tích chè khá khiêm tốn nên huyện đã có hướng mở rộng diện tích cây công nghiệp này trong những năm tới.
Huyện Mường Khương là địa phương có diện tích trồng chè lớn nhất tỉnh với hơn 2.000 ha; trong đó, 60% diện tích chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi cả huyện năm 2014 đạt khoảng 6.500 tấn, giá trị sản lượng đạt trên 40 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/ha.
Những năm qua, nhiều hộ trên địa bàn huyện đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ chè. Đơn cử như gia đình ông Lý Xuân Bính, thôn Tà San, xã Lùng Vai. Với hơn 1 ha chè được trồng từ năm 2003, mỗi tháng gia đình ông Bính thu hoạch hơn 2 tấn chè búp tươi, đem lại nguồn thu từ 5 - 7 triệu đồng.
Toàn tỉnh hiện có 4.587 ha chè, các huyện có diện tích chè lớn là Mường Khương, Bảo Thắng, Bắc Hà, Bát Xát, thành phố Lào Cai và Bảo Yên. Cây chè tiếp tục được ngành nông nghiệp xác định phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại nhiều địa phương, đặc biệt là có thể trồng trên đất đồi, đất bạc màu.
Trong những năm gần đây, năng suất, sản lượng cây chè đã có sự chuyển biến tích cực, năm 2014 sản lượng chè đạt 16.200 tấn chè búp tươi, tăng 3.800 tấn so với năm 2010. Với giá chè búp tươi đang được thu mua trung bình từ 5.500 - 6.000 đồng/kg, chè chất lượng cao từ 12.000 đồng - 15.000 đồng/kg, doanh thu ngành chè trong năm 2014 đạt trên 100 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 cơ sở chế biến chè (có 3 nhà máy và 4 xưởng chế biến), tổng công suất đạt 100 tấn chè búp tươi/ngày và khoảng 300 lò chế biến nhỏ có quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, ngành chè đang gặp khó khăn là tổng nguồn nguyên liệu chỉ đáp ứng được 2/3 công suất thiết kế của các cơ sở chế biến, trong khi tình hình cạnh tranh không lành mạnh giữa các thành phần, đối tượng thu mua nguyên liệu đang khá phổ biến. Sự thiếu gắn kết giữa các hộ trồng chè với doanh nghiệp thu mua, doanh nghiệp đầu tư trồng chè cũng là cản trở không nhỏ đối với sự phát triển của cây chè.
Về sản xuất, một số nơi trồng chè không đảm bảo mật độ khiến năng suất thấp, dây chuyền công nghệ chế biến chè cũng chưa thực sự đồng bộ, sản phẩm chè sau chế biến chưa đa dạng, nên thiếu tính cạnh tranh trên thị trường. Hiện, vẫn còn một tỷ lệ lớn sản lượng chè sau chế biến dành cho xuất khẩu dạng sản phẩm thô, thị trường nội địa bị bỏ trống, trong khi đây mới là thị trường tiềm năng và ổn định.
Về định hướng phát triển bền vững ngành chè, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, mục tiêu quan trọng đặt ra là hết năm 2015, diện tích cây chè phải đạt 5.000 ha và đến năm 2020 là trên 6.000 ha.
Đó là mục tiêu lớn, nên để thực hiện thành công cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng với địa phương trong bố trí quỹ đất, chính sách phân vùng quản lý, hạn chế vấn đề cạnh tranh không lành mạnh về thu mua nguyên liệu. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hộ trồng chè về thâm canh tăng năng suất, củng cố sự gắn kết giữa “bốn nhà” trong sản xuất cây chè.


Có thể bạn quan tâm

Độc đáo sâm nhớ vợ của người Ca Dong Độc đáo sâm nhớ vợ của người Ca Dong

Với nhiều cán bộ từ miền xuôi lên và đang công tác ở huyện miền núi huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) thì sâm cau được gọi là cây "nhớ vợ". Bởi lẽ theo họ, một khi đã uống sâm cau thì chỉ muốn về nhà "thăm" vợ.

05/09/2015
Tập trung phát triển cây, con bản địa Tập trung phát triển cây, con bản địa

Trò chuyện với chúng tôi, ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tự hào: “Xã Anông chúng tôi đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2014. Đây là xã miền núi đạt chuẩn đầu tiên của tỉnh Quảng Nam. Nhờ NTM, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 69,69% năm 2010 xuống còn 39,34% hiện nay.

05/09/2015
Trời nắng vàng, nông dân miền Trung hào hứng thu hoạch lúa Trời nắng vàng, nông dân miền Trung hào hứng thu hoạch lúa

Dự báo thời tiết trong những ngày tới tại khu vực miền Trung sẽ là nắng ráo, thuận lợi cho nông dân thu hoạch vụ lúa hè thu đang mùa chín rộ.

05/09/2015
Điều kỳ diệu ở Kim Bình Điều kỳ diệu ở Kim Bình

Góp sức làm nên cuộc Cách mạng Tháng 8 thành công, không thể không kể đến các địa danh đỏ - là nơi nuôi giấu cán bộ, là nơi tập hợp những cán bộ, chiến sĩ ưu tú. Trước đã anh dũng, kiên cường, còn nay các địa chỉ đỏ vẫn sáng ngời trên con đường phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương.

05/09/2015
Khoai tây Trung Quốc hết cửa trộn đất đỏ để đội lốt Khoai tây Trung Quốc hết cửa trộn đất đỏ để đội lốt

Trong khi tình trạng khoai tây Trung Quốc được nhập về Đà Lạt và trộn thêm đất đỏ để “đội lốt” khoai tây Đà Lạt ngày càng tràn lan thì mới đây, Lâm Đồng đã xác định động cơ của hành vi trộn đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc trước khi đưa đi tiêu thụ là hành vi “gian lận thương mại” và yêu cầu điều tra để làm rõ.

05/09/2015