Vì Sao Nguyên Liệu Cá Tra Thiếu Nhưng Giá Mua Ít Tăng?

9 tháng của năm 2013, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang xuất khẩu 128 ngàn tấn, kim ngạch đạt 311 triệu USD, tăng 23,1% về lượng và 6,5% về giá trị so cùng kỳ. Dù xuất khẩu tăng, nguyên liệu thiếu nhưng giá mua cá tra của các nhà máy vẫn tăng không đáng kể.
Thiếu nguyên liệu:
9 tháng của năm 2013, diện tích nuôi cá tra của tỉnh là 800 héc-ta, chỉ bằng 84,9% so với cùng kỳ 2012. Nguyên nhân giảm là do người nuôi cá tra phải vay vốn với lãi suất cao, giá thức ăn liên tục tăng trong khi giá bán cá nguyên liệu lên xuống “bất thường” dẫn đến thua lỗ trong nhiều năm liền, nông dân không còn vốn để tái sản xuất, buộc phải treo ao.
Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Châu Phú có 17 hội viên, sản lượng nuôi hàng năm từng đạt 25.000 tấn. Tuy nhiên, do thua lỗ nhiều năm liên tiếp nên đến thời điểm này, sản lượng nuôi của HTX chỉ còn 7.000 tấn/năm. Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX, cho biết : “ Giá thức ăn hiện nay là 11.700 đồng (mua tiền mặt, còn mua thiếu thì 11.900đ/kg), cá giống 2.000 đồng/con, thuốc thú y thủy sản, lương công nhân, lãi ngân hàng là 2.000 đồng/kg cá tăng trọng; tỉ lệ hao hụt là từ 5 – 10%.
Tổng chi phí sản xuất 1 kg cá nguyên liệu từ 23.000 – 24.000 đồng/kg, trong khi giá bán hiện nay cũng chỉ ở mức 22.500 đồng – 23.000 đồng/kg. Vậy thì làm sao ngư dân duy trì được sản xuất, thiếu nguyên liệu chế biến là điều dễ hiểu”.
Chi phí sản xuất cao nhưng ngư dân rất khó tiếp cận được vốn của ngân hàng. Ông Nguyễn Huy Phong, thành viên HTX, nói : “ Tôi có nhu cầu vay vốn 2,5 tỷ đồng để tái thả nuôi cá thịt mong gỡ lại số vốn đã bị lỗ nhưng ngân hàng không cho vay với nhiều lý do khác nhau, mặc dù tôi có đủ tài sản thế chấp”. Không chỉ có ông Phong, nhiều hộ nuôi cá khác trong tỉnh hiện nay cũng gặp phải tình trạng này.
Giá tăng không đáng kể:
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, giá mua cá tra nguyên liệu của các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu từ 22.500 đồng – 23.000 đồng/kg. Nếu so với 3 tháng trước, giá cá nguyên liệu có tăng nhưng không đáng kể. Ông Phạm Thanh Trà, nông dân nuôi cá ở xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú), cho biết : “ Tôi vừa bán 530 tấn cá tra cho Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn ở Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) với giá 23.000 đồng/kg.
Trước đó 2 tháng, tôi bán 250 tấn cá cho Công ty Cổ phần Hùng Vương với giá 20.500 đồng. Hiện nay, vấn đề quan trọng là hình thức thanh toán như thế nào? Nếu giá có cao đi chăng nữa nhưng bán cá rồi không lấy tiền được hoặc nhà máy thiếu ngư dân đến 3 tháng sau mới thanh toán thì cũng không có ý nghĩa”.
Ông Trà cho biết thêm, với giá bán nguyên liệu vừa nêu, nếu hạch toán chi phí sản xuất trong vụ nuôi này thì không có lãi. Tuy nhiên, gia đình ông vẫn phải nuôi để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho công nhân và để thiết bị máy móc đừng hư hỏng.
Tại một hội nghị mới đây của Hiệp hội cá tra Việt Nam được tổ chức ở Cần Thơ, bàn về vấn đề “Liên kết trong chuỗi cá tra – vấn đề tín dụng và hợp đồng” cho thấy, nếu đi vào phân tích giá trị gia tăng của chuỗi cá tra trong thời gian qua thì hiệu suất sinh lời, tỷ trọng giá trị gia tăng đạt được ở mặt hàng này chỉ ở mức 0,68%, trong khi ở tôm là 27,4%, cá ngừ là 37,7%. Chế biến và xuất khẩu cá tra gần như không có lãi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến giá mua nguyên liệu hiện nay của các nhà máy chế biến với ngư dân trong tỉnh tăng không đáng kể.
Có thể bạn quan tâm
Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên trong những năm qua, so với trồng trọt thì chăn nuôi dường như chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức về chính sách, cơ chế, kinh phí... trong hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất.

Theo thông báo từ Cargill, Công ty Mỹ chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp và thực phẩm, từ năm 2015-2016, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm 40 triệu USD vào Việt Nam, nâng tổng số vốn đầu tư của Cargill tính đến ngày 1/11/2015 lên 180 triệu USD.
Anh Trần Duy Khương ngụ ấp Tân Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã không nản lòng trước hoàn cảnh kinh tế khó khăn, anh luôn có ý chí vươn lên để thoát nghèo.

Đó là một trong những kết quả quan trọng được đề cập tại Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi phía Bắc" năm 2014 - 2015.

Do thời tiết nắng hạn, vụ thu hoạch cà phê năm nay, năng suất nhiều nhà vườn trồng cà phê trong tỉnh giảm mạnh. Nông dân càng lo lắng hơn vì giá cà phê cũng đang tụt dốc và chưa có dấu hiệu phục hồi vì ảnh hưởng thị trường thế giới cung đang vượt cầu.