Quảng Nam: Xác Xơ Rừng Cao Su Sau Bão
Cơn bão số 11 khiến hàng trăm héc ta cao su đang ở giai đoạn thu hoạch đã bị đổ gãy. Bài học về quy hoạch vùng trồng cao su ở đâu cho hiệu quả vẫn gợi nhiều suy ngẫm cho các địa phương.
Tiêu tan tiền tỷ
Sau bão, tôi về “vựa cao su” duy nhất ở vùng tây Núi Thành là Nông trường Cao su Đức Phú trải rộng hơn 1.000ha trên địa bàn xã Tam Thạnh (Quảng Nam). Những hoang tàn, xác xơ hiện rõ trên con đường dẫn lên nông trường. Dọc hai bên đường, nhiều người hối hả thu hoạch keo đổ gãy chuyển lên các xe tải đem tiêu thụ. Những gốc cây cao su trồi lên mặt đất, hoặc thân gẫy làm đôi còn ứa mủ. Trụ sở nông trường vắng bóng người. Tất cả cán bộ, công nhân, người lao động được đơn vị huy động đến hiện trường để khắc phục hậu quả, tìm mọi cách cứu sống những thân cao su đang ngã nghiêng.
Rừng cao su xanh thẳm ở Phú Tín (xã Tam Thạnh) ngày nào giờ đã xác xơ. Chỉ sau một đêm dông bão, những thân cây đổ gãy nằm la liệt, lá chuyển màu héo hon. Mủ nhựa rỉ như những giọt nước mắt đớn đau. Anh Nguyễn Đình Thu, Tổ trưởng Tổ cao su Phú Tín – người đã gắn bó nhiều năm với Nông trường Cao su Đức Phú, nhìn rừng cao su ngổn ngang trong cái nắng hanh hao với vẻ nuối tiếc. Anh cho biết gần 5 năm qua phải 2 lần xót ruột chứng kiến rừng cao su xơ xác do bão dữ. Đó là trận cuồng phong năm 2009 và cơn bão số 11 vừa qua. Khu vực cao su Phú Tín do anh quản lý có hơn 68ha thì số cây hư hại toàn bộ và hư hại một phần chiếm khoảng 20% diện tích. “Sức tàn phá của cơn bão năm 2009 khủng khiếp hơn, nhưng cơn bão này để lại sự tiếc rẻ cho chúng tôi nhiều hơn, bởi hầu hết cây ở đây đang độ tuổi “sung sức”, có năng suất mủ vào loại cao nhất nông trường” – anh bộc bạch.
Nhiều người cho biết, sau khi bão tan, cán bộ, công nhân nông trường gần như “chết lặng” khi đến hiện trường. Họ như không tin vào mắt mình khi chứng kiến lần lượt những thân cây tràn trề nhựa sống đổ gãy. Thậm chí, có khoảnh rừng gần như hoang tàn, không còn một cây đứng thẳng. Anh Trương Văn Viện – Tổ trưởng Tổ cao su Phú Trung 2 xót xa: “Khu vực Phú Trung 2 có 68,6ha cao su thì đã thiệt hại hơn 50% diện tích. Bao năm gắn bó, chăm sóc cao su, chúng tôi phấn khởi khi thấy cây sinh trưởng tốt, nào ngờ bây giờ chết đột ngột vì bão. Bao công sức, tiền của đầu tư của đơn vị đã trôi sông đổ biển hết rồi”. Còn Giám đốc Nông trường Cao su Phú Đức – ông Dương Phú Tân cho biết đơn vị có hơn 1.000ha cây cao su ở giai đoạn kiến thiết, kinh doanh, trong đó khoảng 200ha đang thu hoạch mủ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngược lên các Nông trường Cao su Hiệp Đức, Trà Nô, tình trạng thân cây gãy ngang, trốc gốc vì bão cũng gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp trồng cao su đại điền. Nhiều nông dân được Nhà nước hỗ trợ tiền, mạnh dạn bỏ hàng trăm triệu đồng trồng cao su tiểu điền 5 - 7 năm tuổi chờ ngày thu hoạch cũng khốn khổ khi cây bị đổ ngã. Tại các xã Sông Trà (Hiệp Đức), Phước Hiệp (Phước Sơn) theo thống kê sơ bộ có ít nhất gần 10ha cao su tiểu điền bị ảnh hưởng của bão số 11. Trong khi đó, Giám đốc Nông trường Cao su Trà Nô – ông Thái Thuận cho biết, bão số 11 đã gây hư hại hơn 68 nghìn cây cao su với diện tích 156ha, thiệt hại 7 tỷ đồng.
Nỗ lực cứu sống cây trồng
Hai ngày qua, các doanh nghiệp trồng cao su và người dân đã dốc toàn bộ lực lượng để khắc phục hậu quả. Nhiệm vụ đầu tiên của công nhân là khẩn trương dọn dẹp cây đổ ngả băng qua đường, phóng tuyến vào rừng cao su. Sau đó, các tổ quản lý của nông trường theo từng khu vực kiểm đếm lại số cây bị ảnh hưởng theo từng mức độ khác nhau để có biện pháp xử lý. Những cây bị ngã nhưng thân không bị gãy sẽ được công nhân dùng ròng rọc dựng lên. Cây gãy sẽ được cưa để chờ thời gian sau tái sinh. Anh Nguyễn Đình Thu cho biết, cây gãy ngang sau khi xử lý vẫn tái sinh nhanh, song năng suất sau này chỉ đạt khoảng 1/3 so với cây lành lặn. Tuy vậy, nông trường vẫn cố gắng vớt vác lại một phần vốn, công suất bỏ ra đầu tư. Ngoài số lao động cạo mủ, đơn vị sẽ đưa toàn bộ công nhân ra hiện trường cắt cây, dựng lại số cây ngã nghiêng. Hiện nông trường đã chuyển hàng chục nghìn mét dây kéo, vật tư, dụng cụ chằng dựng cây cho 16 tổ quản lý cao su trực thuộc.
Trong khi đó, nỗ lực khắc phục hậu quả của Nông trường Cao su Trà Nô đang gặp phải khó khăn. Hiện đơn vị mới xong công đoạn kiểm đếm số cây hư hại, dọn dẹp, phóng tuyến những điểm ách tắc mở đường vào rừng cao su. Tuy nhiên, có nhiều vùng trồng bị cô lập, công nhân chưa thể tiếp cận được. Sau khi bão tan, mực nước sông dâng cao khiến thôn 6 (xã Sông Trà) chia cắt cục bộ. Theo ông Thái Thuận, phải mất thêm thời gian nữa việc khắc phục mới hoàn tất. Hiện tại lũ vẫn diễn biến bất thường, công nhân chưa thể đến được một số vùng trồng cao su. Do đó trước mắt đơn vị tập trung dọn dẹp rừng cao su, thông tuyến ở các nơi thuận lợi về địa hình, thời tiết. Còn ông Nguyễn Duy Phúc – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam nói, hàng trăm héc ta cao su ở các nông trường trực thuộc bị tàn phá do bão số 11, thiệt hại tối thiểu hơn 20 tỷ đồng. Công ty đang dồn sức việc khắc phục hậu quả vùng trồng cao su ở các huyện Nông Sơn, Phước Sơn, Hiệp Đức, Núi Thành.
Phải “trung thành” với cao su đại điền
Cây cao su không thể trồng phân tán, thiếu tập trung được, mà phải “trung thành” với cao su đại điền. Bởi lẽ, khi hình thành được vùng trồng rộng lớn, rừng cây điệp trùng sẽ là “lá chắn” gió bão, hạn chế rủi ro thiệt hại. Do vậy, quy hoạch vùng trồng cao su cần cẩn trọng, xem xét có phù hợp với đặc điểm sinh thái, địa hình, thời tiết vùng đó hay không.
(GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng)
Tơi bời rừng cao su tiểu điền
Chúng tôi có mặt tại rừng cao su của gia đình ông Đoàn Nghệ ở thôn Phước Hà (xã Bình Phú, huyện Thăng Bình). Ngay tại nơi này cách đây vài tháng, huyện Thăng Bình đã tổ chức hội thảo kỹ thuật cạo mủ cao su cho nông dân trồng cao su tiểu điền. Hơn 8ha cao su của ông Nghệ bây giờ bị gió mạnh quật gãy ngang thân và ngã đổ hoàn toàn. Hai ngày nay ông chỉ biết ngồi thẩn thờ nhìn rừng cao su. Gần 8 năm nay, ông đầu tư và nhọc công chăm sóc cây cao su, vừa rồi 6ha cao su cho thu hoạch gần 100 triệu đồng khiến ông hy vọng đổi đời từ rừng cao su. “Tổng diện tích 8ha tôi đã đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng rồi, bão số 11 về xóa trắng. Chẳng biết tính răng, chỉ mong Nhà nước hỗ trợ” – ông nghẹn ngào.
Cùng hoàn cảnh giống như gia đình ông Đoàn Nghệ còn có ông Đoàn Thanh, cũng tại thôn Phước Hà. Ông Thanh có 3ha cao su thu hoạch mủ từ năm ngoái được gần 40 triệu đồng, nay bị ngã đổ hoàn toàn. Ông Đoàn Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết, toàn xã hiện có 42ha cao su đang và chuẩn bị cạo mủ, hơn 500ha keo lá tràm bị ngã đỏ hoàn toàn. Mỗi héc ta cao su, nông dân đầu tư từ 170 - 180 triệu đồng, keo lá tràm trên 50 triệu đồng/ha. Đây là con số thiệt hại rất lớn. Ngay sau khi bão số 11 đi qua, xã Bình Phú đã cử cán bộ đến từng thôn tổ, động viên bà con vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Dạy nghề, hướng dẫn người dân kiếm tiền bằng những vật dụng “cây nhà lá vườn”, Hội Nông dân (ND) xã Mộ Đạo (Quế Võ, Bắc Ninh) đã giúp nhiều hội viên ổn định cuộc sống.
Không những có đủ cái ăn, mà những bà con nông dân ở xã Chiềng Xôm, TP. Sơn La (tỉnh Sơn La) còn dư cái ăn nhờ cho hợp tác xã thuê đất để trồng hoa.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) và Cơ quan Khí tượng thủy văn Nam Bộ đã khuyến cáo các tỉnh khẩn trương xuống giống vụ đông xuân 2016 sớm hơn so với cùng kỳ, tránh tình trạng thiếu hụt nước tưới và bị mặn xâm nhập.
Mới đây, Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (PVFCCo Central), Trung tâm Khuyến nông Gia Lai, Công ty TNHH MTV Iagrai đã phối hợp tổ chức Hội thảo tổng kết mô hình Sử dụng bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ trên cây cà phê trong niên vụ năm 2015 tại xã Iahrung, huyện Iagrai (Gia Lai).
Theo nhiều người trồng mía ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hiện thương lái mua mía tại ruộng (giống ROC 16) đang ở mức từ 1.100 - 1.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với đầu vụ (giữa tháng 9).