Phất Lên Nhờ Trồng Ấu Trên Đất Ruộng
Tại cồn An Thạnh, xã Hòa Bình (Chợ Mới - An Giang), nông dân rất phấn khởi vì thu hoạch ấu trúng mùa, được giá.
Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Lưu Văn Khôn cho biết: Ấu là loại nông sản mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đầu ra tương đối ổn định và rất được thị trường ưa chuộng, giá thương lái thu mua tại ruộng dao động từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Ông Khôn so sánh: “Tuy giá ấu chỉ xấp xỉ, đôi lúc thu hoạch rộ có thể thấp hơn giá lúa nhưng năng suất cao và có thể thu hoạch kéo dài, nên nhiều nông dân chuyển đổi lúa sang trồng ấu. Hiện, có 200 hộ trồng chuyên canh loại nông sản này, chiếm 34,1% số hộ dân toàn xã. Sau khi thu hoạch ấu thì khỏi lo đầu ra, bởi thương lái đến tận đồng thu mua, rồi dùng xe tải chở đi tiêu thụ ở ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh, Campuchia… Ngoài ra, thương lái còn giao cho các bạn hàng để nấu bán lẻ ở các chợ nhỏ”.
Trồng 1 héc-ta ấu trên đất ruộng, nông dân Trần Văn Thoại (hai Thoại) cho biết, vừa thu hoạch được 3 tấn/công. Với giá 4.000 đồng/kg, trừ chi phí giống, phân thuốc, nhân công hái, ông còn lãi từ 5 triệu – 6 triệu đồng/công. Với gần 20 năm trồng ấu, hai Thoại có nhiều kinh nghiệm, nên trồng 3 vụ/năm đều đạt năng suất, lợi nhuận cao. Ngoài ra, ông tổ chức thu mua, tìm mối tiêu thụ, dần trở thành thương lái lớn nhất nhì ở đây. Bình quân mỗi ngày, ông Thoại thu gom 5-6 tấn ấu của dân quanh vùng mang đi tiêu thụ. Mỗi vụ, ông còn cung cấp từ 50.000 - 70.000 trái ấu giống cho nông dân cồn An Thạnh, với giá 500 đồng/trái. Nhờ đó, hàng trăm nông dân vùng đất cồn không lo tìm giống và đầu ra.
Nông dân trồng ấu còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn ở địa phương, chủ yếu là phụ nữ với mức thu nhập từ 80-100 ngàn đồng/ngày/người. Ông Thoại cho biết: Những lúc thu hoạch rộ, mỗi ngày địa phương cần hơn trăm nhân công. Bình quân, một công ấu cần 5-10 người hái, giá thuê 10 ngàn đồng/giờ. Lúc vào mùa, với 1 héc-ta ấu ông thuê gần 100 lao động và còn giới thiệu hái ấu cho ruộng khác. “Nửa năm, một phụ nữ hái ấu có thể kiếm được khoảng 20 triệu đồng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đặc biệt hạn chế tệ nạn xã hội” - Phó Trưởng ấp An Thạnh Nguyễn Văn Nhược nói.
Nhờ trồng ấu, nhiều hộ có thu nhập ổn định, từ hộ nghèo vươn lên khá, có tiền mua đất canh tác,… Đặc biệt, với giống ấu Đài Loan thì không sợ rớt giá, bởi trồng chuyên canh, người dân có thể luân phiên thu hoạch quanh năm và loại “ăn chơi” này được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, điều trăn trở của nông dân ở đây do trồng số lượng nhiều nên dễ dẫn tới tình trạng cạnh tranh giá lúc thu hoạch rộ và khó kiếm nhân công hái.
Theo các nông dân, ấu là loại nông sản dễ trồng, có thể trồng được quanh năm, ít tốn công chăm sóc, sau 3 tháng có thể thu hoạch. Giống như trồng lúa, ấu cũng được chia thành 3 vụ: Đông xuân, hè thu và thu đông. Trong đó, vụ hè thu có năng suất cao nhất, đạt 3 tấn/công, thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10.
Có thể bạn quan tâm
Mặn xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Thu Bồn. Để cứu 600ha lúa chính vụ, ngành thủy lợi và các đơn vị liên quan đang dốc sức thi công tuyến đập bổi ngăn mặn tại khu vực cầu Gò Nổi nhằm đảm bảo cung ứng nguồn nước ngọt cho trạm bơm điện Xuyên Đông (Duy Xuyên) hoạt động ổn định.
Để đạt được mức tăng trưởng như trên thì chi phí bán hàng và chi phí quản lý cũng tăng hơn 45% lên 758 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bán hàng đạt 629 tỷ đồng, tăng 40%.
Hiện mặt hàng cá tra đã xuất khẩu sang 150 quốc gia trên thế giới (Hoa Kỳ và EU chiếm gần 40%), giá trị xuất khẩu khoảng 1,8 tỷ USD/năm, trong đó tỷ trọng xuất khẩu cá tra phi lê chiếm khoảng 90%.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, năm 2013, cả nước có gần 320 triệu con gia cầm, trong đó vùng có đàn gia cầm lớn nhất là ĐBSH với hơn 85 triệu con; tiếp đến là ĐBSCL 58,7 triệu con. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm hiện nay chủ yếu theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, thiếu liên kết và định hướng thị trường.
Mắc ca là loại cây công nghiệp mới bắt đầu phát triển vào giữa thế kỷ 20 tại Úc, Mỹ, sau đó mở rộng ra một số nước khác như Nam Phi, Guatemala, Nigeria, diện tích trồng trọt đến nay trên toàn thế giới mới đạt 80.000 ha (2014).