Phát huy thế mạnh ngành thuỷ sản
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, toàn huyện có 162.000ha diện tích mặt nước, trong đó có 3.000ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản; trên 1.500 phương tiện tàu cá khai thác.
Tổng sản lượng thuỷ sản hàng năm của toàn huyện ước đạt 20.000 tấn. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện đạt 8.000 tấn, riêng nhuyễn thể đạt khoảng 5.000 tấn.
Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn cho biết: Hiện nay, huyện đã có định hướng để phát triển ngành thuỷ sản ổn định lâu dài.
Trong đó, ở lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, huyện duy trì ổn định nuôi cá lồng bè, phát triển nuôi các loài nhuyễn thể.
Nuôi cá lồng bè của gia đình ông Nguyễn Văn Khoa, xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn.
Ông Đỗ Tờ, Giám đốc Công ty TNHH Đỗ Tờ, đơn vị tiên phong nuôi trồng thuỷ sản, cho biết:
Công ty tôi năm nay nuôi khoảng 40.000 lồng ngao; 5.000 lồng tu hài, hiện các loài này sau khi xuống giống đã phát triển ổn định, đây là 2 loài thích nghi ở điều kiện nguồn nước ổn định, độ mặn đạt trung bình từ 19 - 25 phần nghìn, thời gian nuôi khoảng một năm được thu hoạch.
Dự kiến sản lượng năm nay của Công ty đạt khoảng 100 tấn ngao. Công ty đang phối hợp với hai doanh nghiệp của Nhật Bản đưa vào nuôi thử nghiệm rong biển, bởi loài rong biển này thích hợp nhiệt độ lạnh 20oC, thời gian nuôi bắt đầu vào mùa đông, khoảng 6 tháng sẽ tránh được mưa bão. Nếu thuận lợi rong biển sẽ là nguồn lợi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao trong tương lai.
Tại các vùng nuôi tập trung, huyện đã có cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân đầu tư nuôi trồng thuỷ sản.
Trong đó, hỗ trợ lãi suất nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn huyện. Theo số liệu thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, trong năm 2014, các ngân hàng đã giải ngân nguồn vốn 1,6 tỷ đồng từ nguồn vốn vay hỗ trợ nuôi trồng thuỷ sản; riêng trong 9 tháng năm 2015 đã giải ngân được 638 triệu đồng với lãi suất 6%/năm.
Hiện nay, toàn huyện có 20 đơn vị doanh nghiệp tham gia nuôi trồng phát triển thuỷ sản, trong đó có 2 doanh nghiệp nước ngoài.
Cùng với nuôi trồng thì khai thác thuỷ sản vẫn là thế mạnh của thuỷ sản Vân Đồn. Sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 12.000 tấn.
Hiện toàn huyện có khoảng 1.500 phương tiện tàu cá phục vụ đánh bắt, khai thác thuỷ sản, trong đó 61 chiếc có công suất từ 90CV trở lên khai thác xa bờ.
Đa số các tàu có công suất lớn tập trung vào 3 nghiệp đoàn nghề cá là: Nghiệp đoàn nghề cá Cái Rồng; Nghiệp đoàn nghề cá xã Hạ Long và Nghiệp đoàn nghề các Đông Xá.
Các nghiệp đoàn này có khả năng khai thác đánh bắt xa bờ, quen thuộc với các ngư trường.
Ông Châu Thành Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá thị trấn Cái Rồng, cho biết: Năm 2011, Nghiệp đoàn chính thức được thành lập, đây là nghiệp đoàn nghề cá được thành lập sớm nhất trên địa bàn tỉnh.
Mới đầu nghiệp đoàn chỉ có 11 tàu và 60 đoàn viên, sau 4 năm đi vào hoạt động, đến nay, nghiệp đoàn có tổng số 14 tàu có công suất 120 - 500CV, với gần 100 đoàn viên. Nghiệp đoàn chia thành 3 tổ gồm thu mua và khai thác, đảm bảo hoạt động trên biển dài ngày. Các tàu còn lại chủ yếu là nhỏ, khai thác gần bờ. Hiện nay, tỉnh đang có kế hoạch giảm các tàu có công suất nhỏ, nhằm giảm áp lực khai thác làm cạn kiệt nguồn hải sản ven bờ.
Để ngành thuỷ sản Vân Đồn phát triển bền vững, theo ông Nguyễn Quang Ninh, cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho tuyến đánh bắt xa bờ, đặc biệt Nghị định 67 đến nay vẫn chưa thực hiện hiệu quả, nguồn vốn vay vẫn còn nhiều khúc mắc, thủ tục phiền hà cho ngư dân; ngoài ra huyện cần có các trung tâm ươm giống loài nhuyễn thể, cung cấp con giống nuôi tốt hơn, giảm dịch bệnh phát sinh.
Đồng thời, xây dựng khu liên hợp bao gồm cảng, khu neo đậu tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá, các chợ đầu mối, khu sơ chế thuỷ sản cần sớm được triển khai thì ngành thuỷ sản Vân Đồn mới phát huy hiệu quả đúng với thế mạnh và tiềm năng vốn có.
Có thể bạn quan tâm
Lần đầu tiên, mật ong - đặc sản rừng tràm U Minh Hạ đạt mức giá cao kỷ lục khi được bán từ 350.000 - 500.000 đồng/lít. Mức giá trên tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012.
Theo người dân, diện tích sắn bị hại do nhện đỏ gây ra trên địa bàn huyện Sông Hinh hơn 40ha, tập trung nhiều nhất ở xã Sơn Giang diện tích trên 20ha, thôn Bình Giang, Chí Thán xã Đức Bình Đông 15ha, xã Ea Bia 5ha. Bệnh lây lan rất nhanh, phát triển bệnh ở những diện tích trên đồi cao, vùng khô hạn. Biểu hiện của bệnh này gây rụng lá, cây ngưng phát triển
Chi phí đầu tư tăng cao, nhưng giá mía lại sụt giảm khiến người trồng mía ở ĐBSCL lỗ nặng. Điệp khúc trồng mía rồi lại chặt tái diễn.
Tổ được thành lập vào năm 1999, có 16 hộ tham gia, về sau số lượng ngày một tăng lên. Đến nay, có 34 hộ, sản xuất trên 30 hecta. Tất cả các thành viên trong tổ đều thực hiện cải họ cây sầu riêng, vươn lên phát triển kinh tế.
Năm 2013, tỉnh Dak Lak trích ngân sách 345 triệu đồng mua 129.650 con cá giống các loại thả bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn 8 huyện: Lak, Krông Ana, Ea Súp, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea H’leo, Krông Pak và Ea Kar.