Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dốc Sức Chống Hạn

Dốc Sức Chống Hạn
Ngày đăng: 04/06/2014

Nắng nóng kéo dài trong mấy tháng qua đã làm cho nguồn nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Trước tình hình này, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp chống hạn cho cây trồng vụ Hè Thu (HT), cũng như cung cấp nước sinh hoạt cho người và gia súc.

Nhiều địa phương bị hạn hán nặng

Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã gieo sạ được 40.417 ha lúa HT và 10.672 ha cây trồng cạn. Tuy vậy, việc gieo sạ diện tích lúa HT và cây trồng cạn không đảm bảo kế hoạch đề ra do nhiều địa phương đang bị hạn hán, thiếu nước tưới.

Theo số liệu của ngành chức năng, 5 tháng đầu năm nay, lượng mưa trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 129 mm, bằng 41% so với cùng kỳ nhiều năm. Do lượng mưa thấp, nắng nóng gay gắt kéo dài đã làm cho nhiều ao, hồ, sông suối bị khô kiệt, mực nước trên các sông thấp hơn cùng kỳ nhiều năm từ 0,2 - 0,4 m.

Hiện nay, lượng nước còn lại tại 161 hồ chứa trên địa bàn tỉnh là 266,5 triệu m3/575 triệu m3, bằng 46% dung tích thiết kế. Trong đó, các hồ do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý còn 228 triệu m3/458 triệu m3 (bằng 50% dung tích).

Các hồ chứa do huyện quản lý còn 38 triệu m3/117 triệu m3 (bằng 33% dung tích). Thời điểm hiện tại đã có 67/161 hồ chứa bị khô kiệt nước, trong đó huyện Phù Mỹ có 26/44 hồ bị cạn nước, Phù Cát 13/22 hồ, Tây Sơn 8/24 hồ, Tuy Phước 2/4 hồ, Vân Canh 5/5 hồ, Hoài Nhơn 10/17 hồ, Hoài Ân 3/21 hồ.

Hiện nay, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Do nguồn nước tại nhiều hồ chứa bị khô kiệt nên toàn tỉnh hiện có 5.594 ha lúa và hoa màu đang bị hạn (trong đó có  4.437 ha lúa, 1.157 ha hoa màu).

Bên cạnh đó, tại các địa phương hiện có 714 ha bị bỏ hoang không gieo sạ lúa vụ HT do thiếu nước, tập trung tại huyện Tây Sơn 466 ha, TP Quy Nhơn 80 ha, huyện An Lão 75 ha, huyện Phù Cát 47 ha, huyện Hoài Ân 46 ha.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 21.000 hộ gia đình với 84.000 nhân khẩu có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, chiếm 6,6% số hộ dân ở khu vực nông thôn, tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, thị xã An Nhơn.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bình Định, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên phải đến cuối tháng 8 mới có lượng mưa khá hơn để có thể cải thiện tình hình khô hạn. Do vậy, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp trong 2 - 3 tháng tới. Ngành Nông nghiệp cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn cho lúa vụ HT, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các vùng khó khăn nguồn nước.

Tập trung các biện pháp chống hạn

Trước tình hình hạn hán diễn biến phức tạp, tại cuộc họp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 6, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc đã yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp chống hạn và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời điểm hiện nay.

Trước mắt, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở NN-PTNT phối hợp với chủ tịch UBND các huyện, TP, thị xã và Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định kiểm tra các hồ chứa nước, quản lý chặt chẽ nguồn nước tại các hồ chứa, tiến hành xây dựng kế hoạch tưới một cách cụ thể cho từng vùng.

Tận dụng các nguồn nước tưới hiện còn lại ở các sông suối, ao, hồ để cung cấp cho sản xuất vụ HT và sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí để nạo vét, tu bổ kênh mương, hỗ trợ xăng dầu phục vụ bơm tát nhằm đảm bảo cung cấp nước kịp thời cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho người dân và gia súc.

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành Nông nghiệp tỉnh thành lập ngay Hội đồng phân phối nước cho các hệ thống sông Côn, Hà Thanh, La Tinh, Lại Giang để xây dựng kế hoạch điều tiết nước một cách cụ thể và hiệu quả. Điện lực Bình Định phải ưu tiên cấp điện cho sản xuất nông nghiệp, không được cắt điện gây ảnh hưởng đến việc bơm nước chống hạn, cứu lúa của bà con nông dân...

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện Sở NN-PTNT đã thành lập các tổ công tác tổ chức kiểm tra, rà soát nguồn nước, xây dựng kế hoạch cấp nước, phòng chống hạn hán làm xâm nhập mặn vụ HT và cả năm 2014. Ông Hồ Ngọc Hùng cho biết thêm:

Trước tình hình hạn hán đang diễn ra khá nghiêm trọng, ngành Nông nghiệp đang tiến hành khoanh vùng tưới và thông báo cụ thể khu vực có thể cung cấp đủ nước tưới vụ HT để các địa phương chỉ đạo sản xuất phù hợp. Ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người, nước uống cho vật nuôi, cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa giống, vùng ven đê Đông để chống xâm nhập mặn, xì phèn.

Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã yêu cầu các HTXNN củng cố và khôi phục các tổ, đội thủy nông nội đồng để dẫn nước, điều tiết nguồn nước hợp lý; tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho bà con nông dân biết rõ tình hình hạn hán, vận động bà con áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước; kiên trì thực hiện các biện pháp tưới luân phiên, tưới ẩm, tưới phun, tưới ướt khô xen kẽ.

Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng đang lên phương án dùng các xe bồn để vận chuyển nước sạch đến cung cấp cho các hộ dân vùng khó khăn nguồn nước với tiêu chuẩn 20 lít/người/ngày.


Có thể bạn quan tâm

Thức Ăn Tăng Giá, Người Nuôi Cá Gặp Khó Thức Ăn Tăng Giá, Người Nuôi Cá Gặp Khó

Từ đầu năm đến nay, trong khi sức mua các sản phẩm chăn nuôi đều giảm mạnh, không đảm bảo lợi nhuận của người chăn nuôi thì giá thức ăn lại liên tục tăng cao, nhất là thức ăn thủy sản...

27/07/2013
Người Thương Binh Không Cam Chịu Đói Nghèo Người Thương Binh Không Cam Chịu Đói Nghèo

Những hôm trái gió trở trời, mảnh đạn trong cơ thể lại cù cựa đòi ra, đau nhức kinh khủng, nhưng ông vẫn gượng dậy làm việc. Ông bảo: Nếu mình nằm xuống, rên rỉ vì đau, đồng nghĩa mình thua cuộc: Ông là Phạm Đắc Suất, thuơng binh hạng 3/4, nạn nhân chất độc da cam, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên).

27/07/2013
Phát Triển Nhiều Mô Hình Sản Xuất Cho Thu Nhập Khá Phát Triển Nhiều Mô Hình Sản Xuất Cho Thu Nhập Khá

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (XD NTM) huyện Trảng Bàng, qua hơn 2 năm (từ năm 2011 đến giữa năm 2013) thực hiện Chương trình XD NTM, huyện đã phát triển nhiều mô hình sản xuất góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

27/07/2013
Dứt Điểm Xuống Giống Vụ Hè Thu Dứt Điểm Xuống Giống Vụ Hè Thu

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh, đến đầu tháng 7.2013, toàn tỉnh đã xuống giống dứt điểm các loại cây trồng ngắn ngày vụ Hè thu. Diện tích các cây trồng như đậu phộng, bắp, mì, mía đều tăng hơn so cùng kỳ. Một số diện tích xuống giống sớm nay đã thu hoạch.

27/07/2013
Trang Trại Ở Rú Đưng Trang Trại Ở Rú Đưng

Giữa năm 2010, ông Lê Văn Thắng ở thôn An Sơn, xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh, Quảng Trị) bắt đầu ra Rú Đưng, một khu rừng tự nhiên rộng 16 ha nằm trên địa bàn xã Vĩnh Thạch để phát triển kinh tế. Đem tiền tỷ đầu tư vào một khu rừng nguyên sinh là chuyện lạ đối với nhiều người quen biết ông Thắng lúc bấy giờ.

27/07/2013