Chuyển Mình Từ Mô Hình Sản Xuất Kết Hợp
Dám nghĩ, dám làm và tận dụng mọi điều kiện để khai thác hết tiềm năng của đất, lao động của gia đình, đồng thời ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi là cách mà người dân ấp 8, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời đã làm để vươn lên ổn định cuộc sống.
Nằm ở phía Tây xã Khánh Bình Đông, hầu hết diện tích đất của ấp 8 chạy dọc theo kinh Xã Tiểu, nước ngập sâu và bị nhiễm phèn trở ngại cho sản xuất. Toàn bộ trên 184 hộ dân của ấp chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa, hoa màu và nuôi cá đồng.
Nhưng do vùng nước sâu, mặt đất không bằng phẳng, hệ thống bờ bao chưa được hoàn chỉnh, từ đó cây lúa thường xuyên bị ngập úng, năng suất thấp, còn hoa màu chỉ trồng diện tích nhỏ lẻ trên bờ liếp, đời sống người dân gặp không ít khó khăn.
Bước sang năm 2010, khi quy trình sản xuất được thay đổi, nhiều loại cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất kết hợp đã tạo ra một hướng đi mới cho người dân ấp 8.
Trước tiên, đó chính là việc người dân trong ấp mạnh dạn đầu tư ban sửa lại mặt ruộng bằng phẳng, hoàn thiện hệ thống kinh mương thoát nước, tháo úng xổ phèn, áp dụng quy trình sản xuất ba giảm, ba tăng, thường xuyên thăm đồng để phòng trừ sâu bệnh kịp thời, từ đó năng suất lúa tăng lên đáng kể.
Ông Lê Chuyển Quân, Trưởng Ban Nhân dân ấp, vui mừng cho biết, trước năm 2010 năng suất lúa bình quân chỉ đạt khoảng 20-25 giạ/công, nhưng từ khi áp dụng quy trình sản xuất mới đến nay, năng suất tăng lên trên 40 giạ/công. Đây là kết quả hết sức đáng mừng cho người dân trong ấp.
Không chỉ dừng lại ở đó, mô hình đưa màu xuống ruộng cũng được người dân nhiệt tình ủng hộ và mang lại kết quả khả quan. Từ việc chỉ trồng nhỏ lẻ trên bờ liếp, mùa khô năm 2013, đã có 21 hộ mạnh dạn đầu tư trồng thêm 35 công đậu xanh dưới ruộng và cho thu nhập đáng kể.
Ông Quân cho biết, tuy năng suất không thể so với vùng Khánh Hưng, Khánh Bình Tây nhưng kết quả mang lại rất khả quan. Bình quân mỗi công người dân cũng lãi trên 2 triệu đồng. Theo dự kiến, trong mùa khô năm 2015 sẽ nhân rộng mô hình này trong toàn ấp.
Ngoài ra, hiện nay con cá đồng cũng đang mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân. Để tái tạo lại nguồn lợi cá đồng cũng như tạo nguồn thu lâu dài, người dân trong ấp 8 đã tự động đặt ra quy ước với nhau là: tuyệt đối không dùng xung điện và bất cứ dụng cụ nào để bắt cá của người khác; sau thu hoạch phải thả lại cá giống và bảo vệ cá con đầu mùa.
Nếu ai vi phạm sẽ bị kiểm điểm trước dân và viết cam kết không tái phạm. Nếu sử dụng điện bắt cá sẽ bị lập biên bản và báo cáo về xã. “Sau một năm thực hiện quy ước này, kết quả đạt khá cao. Đa số bà con đều có mức thu nhập từ con cá đồng tăng trên 60% so với trước”, ông Quân chia sẻ.
Từ những mô hình trên đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong ấp năm sau cao hơn năm trước. Từ đó, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Nếu như đến hết năm 2011, toàn ấp có 35 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo thì nay chỉ còn lại 17 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Một trong những trường hợp thoát nghèo đang trên đường tiến tới khá, giàu là anh Trần Văn Linh.
Anh Linh chia sẻ, trước đây do gia đình đất ít (khoảng 5 công), năng suất lúa lại thấp nên đời sống hết sức khó khăn phải đi làm thuê thêm mới đủ sống. Thế nhưng, giờ đây thu nhập từ cá, 2 vụ lúa, 1 vụ màu và chăn nuôi heo, gà, vịt nên đời sống đã được cải thiện đáng kể, con cái có điều kiện để học hành.
Từ một vùng đất khó khăn nhưng nhờ việc tổ chức sản xuất tốt đã giúp đời sống người dân ấp 8 ngày một phát triển. Đây là tiền đề để giúp ấp hoàn thành các tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
Là xã ven biển, trong nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) đã xác định kinh tế biển là mũi nhọn. Đây là chủ trương đúng, được thực hiện có hiệu quả, giúp vùng quê biển này ngày càng “thay da, đổi thịt”.
Nhận thấy một số hộ dân nuôi trồng rong sụn đạt hiệu quả kinh tế cao, tháng 7- 2012, Hội Nông dân xã Thanh Hải (Ninh Hải) đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thuộc Hội Nông dân tỉnh mở lớp nuôi rong sụn cho 33 hội viên nông dân ở địa phương.
Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành huyện Thuận Nam quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm đáng kể, góp phần tích cực trong việc cải thiện đời sống nhân dân.
Ít ai ngờ dưới chân núi Cà Đú nắng tháng tư khô khốc là những vườn nho đang mùa cho trái ngọt. Vườn nho tiếp nối vườn nho lá xanh biêng biếc, trái chín treo chật cành. Nông dân địa phương đoàn kết nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu trên vùng đất sỏi bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Anh Nguyễn Văn Hùng, 52 tuổi, khu phố 5, thị trấn Tân Sơn (huyện Ninh Sơn) vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ sản xuất nông nghiệp.