Nuôi Tôm Chân Trắng Vùng Nước Ngọt Lợi Bất Cập Hại
Với những ưu thế kỹ thuật nuôi mới, giá cả, thị trường tiêu thụ, tôm chân trắng đã trở thành sự lựa chọn của không ít hộ nông dân. Tuy nhiên, tôm chân trắng là đối tượng không phù hợp cho nuôi trong vùng nước ngọt. Tình trạng phát triển nuôi ở vùng nước ngọt được xem là “lợi bất cấp hại” và cần phải được kiểm soát chặt chẽ.
Phát triển nuôi tôm chân trắng vùng nước ngọt
Cá tra là đối tượng nuôi chủ lực tại nhiều tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sản xuất và tiêu thụ cá tra gặp nhiều khó khăn, cả nông dân và DN đều thua lỗ. Một số đối tượng khác như cá lóc, tôm càng xanh,….cũng gặp nhiều khó khăn cả về giá cả lẫn thị trường tiêu thụ.
Trong bối cảnh đó, tôm chân trắng với những ưu thế nổi trội từ kỹ thuật nuôi, giá cả lẫn thị trường tiêu thụ khá thuận lợi, đã được không ít các hộ nông dân vùng ĐBSCL lựa chọn làm đối tượng nuôi thay thế, bất chấp những hậu quả có thể xảy ra. Diện tích và sản lượng tôm chân trắng đã gia tăng nhanh chóng tại các tỉnh nội đồng. Nuôi tôm chân trắng trong vùng nước ngọt đang dần trở thành vấn đề nóng tại nhiều địa phương.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện một số tỉnh ĐBSCL, nuôi tôm chân trắng tự phát ở vùng nước ngọt và vùng nhiễm mặn đã có diện tích lên đến 1.194 ha. Tại tỉnh An Giang, từ tháng 02/2014 đến nay, đã có thêm 3 hộ nuôi tôm chân trắng, với tổng diện tích 13 ha, lượng giống thả nuôi 760.000 con, nâng tổng số hộ nuôi thẻ chân trắng trong toàn tỉnh lên con số 14, với tổng diện tích là 79,8 ha, tổng lượng con giống 3,66 triệu con.
Tại Đồng Tháp, từ cuối năm 2013 một số hộ nông dânđã tự ý đầu tư nuôi tôm chân trắng, vụ đầu đã thu được lợi nhuận đáng kể, từ đó kích thích nhiều hộ khác tham gia. Tính đến tháng 4/2014, toàn tỉnh có 57 hộ nuôi với diện tích hơn 64 ha tập trung nhiều nhất ở huyện Tam Nông (38,7 ha) và thị xã Hồng Ngự (13,5 ha). Đến nay, đã có 14 hộ thu hoạch với sản lượng 70 tấn, năng suất bình quân đạt 5,6 tấn/ha.
Tôm chân trắng là đối tượng ngoại lai, chỉ thích nghi ở vùng sinh thái nước lợ, lại dễ phát sinh dịch bệnh trong điều kiện nuôi thâm canh. Tại vùng nội đồng nước ngọt, hầu hết hộ nuôi đều khoan giếng, sử dụng nguồn nước ngầm pha thêm muối ăn và một số khoáng chất vào ao để thả nuôi.
Chính vì thế, theo ông Lê Hoàng Vũ - Chi Cục trưởng Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, việc nuôi tôm chân trắng tự phát sẽ phát sinh một số vấn đề, như khai thác tràn lan làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, xả nước mặn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp. Đặc biệt, khi nuôi tôm chân trắng phát triển nhanh về diện tích sẽ làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan sang các đối tượng nuôi nước ngọt khác.
Những hậu quả
Trong thập niên 1990, Thái Lan đã phát triển tự phát nuôi tôm nước lợ mặn (tôm sú, tôm chân trắng) trong vùng nuôi sinh thái nước ngọt. Mặc dù, đạt được lợi ích trước mắt khá lớn, nhưng chỉ trong thời gian không lâu sau đó, những tác động tiêu cực về môi trường sinh thái, dịch bệnh,…đã buộc Chính phủ Hoàng gia Thái Lan đưa ra nhiều biện pháp cấm hoạt động này.
Nhiều nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu sâu về vấn đề này và đã chỉ ra rằng hoạt động nuôi tôm lợ-mặn trong vùng nước ngọt sẽ gây ra nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực thay vì mang lại những lợi ích cho tương lai.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu NTTS 2, để tiết kiệm chi phí và nuôi được tôm chân trắng ở vùng nước ngọt, người nuôi phải khoan giếng, khai thác nguồn nước ngầm có độ mặn từ 2-5ppm, sau đó bổ sung thêm muối ăn và một số khoáng chất để thả nuôi. Một khi hoạt động này xảy ra với cường độ cao sẽ gây ra những ảnh hưởng rất xấu đến tầng nước ngầm - một trong những vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay.
“Theo ước tính, với 3 vụ nuôi/năm, lượng nước sử dụng cho nuôi tôm chân trắng ở vùng nước ngọt ĐBSCL tối thiểu cần khoảng 45.000 m3/ha/năm với mực nước nuôi trung bình 1,5m và không thay nước trong suốt quá trình nuôi.
Theo số liệu tính toán của Viện Địa lý Hoàng gia Na Uy, nếu 3.000 ha nuôi tôm sử dụng giếng khoan ngầm sẽ tạo độ lún cho khu vực từ 1,9-2,8cm/năm. Chỉ cần 3.000 ha nuôi tôm bằng nước ngầm thì lượng nước sử dụng bằng với lượng nước sử dụng của cả tỉnh Cà Mau trong một năm nên tác động rất lớn đến độ lún của đất.
Ngoài ra, 3.000 ha nuôi này cũng sẽ xả thải ra 135 triệu m3 nước nhiễm mặn và chắc chắn lượng nước này sẽ gây tình trạng xâm mặn vùng đất nông nghiệp và chất lượng nước sinh hoạt trên các dòng sông Tiền, sông Hậu, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân vùng hạ lưu”- ông Nguyễn Nhứt, đại diện Viện Nghiên cứu NTTS 2 cho biết.
Cho đến nay, các nhà khoa học đều cho rằng, không nên nuôi tôm chân trắng trong vùng nước ngọt, bởi các hộ nuôi tôm không có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt nên nguồn nước thải được trực tiếp xả ra sông, kênh rạch. Mật độ thả nuôi cao và lượng thức ăn sử dụng nhiều sẽ gây ô nhiễm nguồn nước.
“Hoạt động nuôi tôm biển ở vùng nước ngọt sẽ ảnh hưởng đến an toàn sinh học và nguồn lợi thủy sản nội địa. Hoạt động này chỉ mang lợi ích trước mắt nhưng hiểm họa trong tương lai là khôn lường. Dịch bệnh sẽ xảy ra trên diện rộng sau vài năm canh tác.
Điều này càng nguy hiểm hơn khi dịch bệnh trên tôm có thể lây lan sang các đối tượng nuôi truyền thống ở vùng nước ngọt như tôm càng xanh”- ông Trương Quốc Phú – Trưởng khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ cho biết.
Trước thực trạng trên, đại diện Tổng Cục Thủy sản, ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng Cục trưởng - nhấn mạnh, tôm chân trắng đã mang lại lợi ích kinh tế trước mắt do năng suất cao, giá bán khá hấp dẫn nhưng tác hại lâu dài là rất lớn. Ông yêu cầu Vụ Nuôi trồng Thuỷ sản phải có báo cáo với Bộ NN&PTNT về tình hình nuôi tôm chân trắng và đề xuất những vấn đề về quản lý, cấm sử dụng nước ngầm đối với nuôi tôm chân trắng vùng nước ngọt.
Các Chi cục Thuỷ sản và các nhà khoa học cần thông tin rộng rãi những tác hại khi chuyển đổi sang nuôi tôm chân trắng ở vùng nước ngọt để người dân biết và hạn chế nuôi tự phát như trong thời gian vừa qua.
Có thể bạn quan tâm
Chị Bòng cho biết, thu nhập hàng năm của gia đình chị sau khi trừ chi phí vẫn còn 800 triệu đồng...Là người tiên phong trong việc chuyển đổi mô hình sinh kế mới của người dân vùng cát trắng xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế, chị Hồ Thị Bòng, thôn Đông Hải, xã Quảng Ngạn đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Đặc biệt tại các chợ nội thành Hà Nội giá rau tăng đột biến như rau cải ăn lá từ 10.000- 12.000đ/kg lên 15.000- 20.000đ/kg, dưa chuột bao tử từ 3.500đ/kg lên 8.500đ/kg, cà chua từ 6.000đ/kg lên 12.000-15.000đ/kg, rau muống từ 2.000đ/mớ lên 4.000- 5.000đ/mớ; giá rau thu mua tại ruộng cũng tăng như bí xanh tăng 2.000đ/kg, cà pháo tăng 10.000đ/kg
Cây dâu, con tằm đã gắn bó với người dân xã Đắk Lua (huyện Tân Phú - Đồng Nai) gần 20 năm nay. Có thời kỳ trồng dâu, nuôi tằm ở vùng đất ngập lụt này phát triển khá mạnh.
Được chứng kiến những việc làm ý nghĩa của ông Hoàng Văn Lân - Chủ tịch Hội ND xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), chúng tôi mới hiểu vì sao ông được ND nơi đây quý mến.
Chị Lê Kim Phụng, ngụ ấp Bình Phú 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành là một trong những người theo nghề nuôi cút đầu tiên ở xã. Sau 7 năm gầy dựng thành đàn và mở rộng quy mô, cộng với học tập từ những điểm sản xuất giống và các lớp kỹ thuật của Hội Nông dân tổ chức, đến nay, chị đã làm chủ trại cút trên 100 chuồng với 16.000 con, đem lại nguồn thu nhập hàng tháng hơn 15 triệu đồng.