Nuôi Chim Trĩ, Mô Hình Đầy Triển Vọng Ở Quảng Ngãi
Với đàn chim trĩ gần 100 con, trong đó có 60 chim mái đang trong giai đoạn đẻ trứng, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận mỗi năm từ việc bán con giống và chim trưởng thành ước từ 70 - 100 triệu đồng/năm.
Sự tình cờ mở hướng đi mới
Sau khi tích cóp và dành dụm được một khoảng tiền từ nghề may ở TP. Hồ Chí Minh, năm 2011 anh Nguyễn Đình Thụy (sinh 1978), ở thôn Hiệp Phổ Nam, xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) quyết định trở về quê để sinh sống và nghĩ cách làm giàu ngay trên quê hương của mình.
Anh Thụy tâm sự: Ở vùng quê thuần nông như Hành Trung, với nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào mấy sào đất trồng lúa, hoa màu thì mỗi năm để dành được 5 - 10 triệu đồng đã là chuyện khó, nói gì đến con số vài chục triệu/năm. Trong khi gần cả năm trời loay hoay nhưng vẫn chưa tìm kiếm một hướng đi vừa ý, thì bất ngờ trong một lần lên mạng Internet, anh Thụy đọc và nhận thấy mô hình nuôi chim trĩ ở tỉnh Hưng Yên hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế của mình.
Tháng 6/2012, anh Thụy khăn gói ra tỉnh Hưng Yên để mua 25 con chim trĩ trưởng thành, với giá 700.000 đồng/con về nuôi thử. Qua gần 1 tháng, thấy số chim trĩ thích nghi khá tốt nên anh Thụy tiếp tục ra mua 2 đợt, gồm 25 con trưởng thành và 30 con chim trĩ 7 ngày tuổi, với giá 100.000 đồng/con.
Để nuôi số chim trĩ đã mua, trên diện tích vườn nhà của gia đình, anh Thụy mua tôn, lưới... làm 7 chuồng, thả nuôi với tỉ lệ 2 mái-1 trống. Trong đó chuồng lớn nhất có diện tích khoảng 20m2, nhốt 25 con và nhỏ nhất là 2m2, nhốt 3 con. Đến nay, ngoài 3 con bị chết và 2 con sổng chuồng bay mất, số còn lại đều phát triển tốt và bắt đầu đẻ trứng từ tháng 1/2013.
Cùng với mua con giống, làm chuồng trại, anh Thụy còn đầu tư gần 7 triệu đồng để thuê thợ xây lò ấp trứng, với công suất 1.000 trứng/đợt/lần. Tuy nhiên 2 đợt đầu thiếu kinh nghiệm nên tỉ lệ trứng nở chẳng bao nhiêu, riêng đợt này với 100 trứng, tỉ lệ nở ước sẽ đạt cao hơn, anh Thụy khoe.
Hứa hẹn lợi nhuận cao
Tuy mới chỉ là giai đoạn đầu và số lượng trĩ giống bán ra thị trường chỉ mới được khoảng 30 - 40 con, thế nhưng anh Thụy khẳng định: So với nhiều vật nuôi khác như gà, vịt, chim bồ câu... thì nuôi chim trĩ dễ hơn, lợi nhuận mang cao gấp nhiều lần.
Anh Thụy cho biết: Thời gian nuôi của chim trĩ từ lúc 7 ngày tuổi, cho đến khi trưởng thành là khoảng 6 tháng, với chi phí mua thức ăn gồm cám, lúa và các loại rau xanh khác khoảng 20.000 đồng/con/tháng. Khi đó trọng lượng của chim mái đạt khoảng 1,2 kg/con; chim trống là 1,8 kg/con. Với giá bán trên thị trường hiện nay là 700.000 đồng/kg, tương ứng từ 840.000 đồng - 1,1 triệu đồng/con. Trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận mang về của chim trĩ bình quân thấp nhất cũng từ 600.000 - 900.000 đồng/con.
Còn nếu nuôi để lấy trứng, ấp bán con giống thì mỗi chim mái đẻ 8 tháng, với khoảng 20 trứng/tháng, tương ứng khoảng 160 trứng/năm. Sau khi ấp khoảng 24 ngày thì nở. Giá bán chim con 7 ngày tuổi trên thị trường là 100.000 đồng/con, tính ra lợi nhuận mỗi chim trĩ mái mang về trừ chi phí còn khoảng 10 triệu đồng/con.
Một ưu điểm nữa là phân chim trĩ không gây hôi, thối như các loại gia cầm khác. Bên cạnh đó diện tích chuồng tùy theo điều kiện của từng hộ, chứ không nhất thiết phải to, rộng, với diện tích 2 - 3 m2 cũng đủ để làm chuồng nuôi nhốt. Qua gần 1 năm nuôi, anh Thuỵ chưa thấy chim trĩ bị bệnh gì. Tuy nhiên để phòng ngừa, ngoài vệ sinh chuồng trại và khử trùng bằng rắc vôi bột 1 lần/tháng; anh Thuỵ còn bơm thuốc Benkocid 2 lần/tháng.
Có thể bạn quan tâm
Cho đến thời điểm này, Hà Nội mới xây dựng được 17 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi với sản lượng còn khiêm tốn so với nhu cầu của Thủ đô.
Với sự hợp tác hiệu quả giữa Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) và công ty Nestlé Việt Nam, sau 3 năm triển khai, dự án NESCAFÉ Plan hỗ trợ nông dân trồng cà phê ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai đã thu được nhiều kết quả nổi bật.
Thanh long đang chín đỏ trên cây ơ hờ. Các vườn đã thu hoạch xong thì sạch nhưng xung quanh, nơi đường đi, bờ đất nhấp nhô, bờ mương, bãi đất bỏ hoang ở phía xa… đều thấp thoáng màu đỏ của thanh long chín đổ từng đống, vung vãi lớp cũ, lớp mới.
Vụ nuôi tôm năm 2014 toàn thành phố Đông Hà (Quảng Trị) có 55 ha diện tích nuôi tôm, chủ yếu ở các phường Đông Giang, Đông Lễ, Đông Lương với số lượng hơn 21 triệu con tôm giống.
Theo Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Nam bộ, thời gian qua, tình trạng các bè cá đóng trái phép trên tuyến luồng hàng hải sông Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày càng có chiều hướng gia tăng. Tình trạng này tập trung nhiều ở khu vực từ phao báo hiệu hàng hải số 18 đến khu vực phao báo hiệu hàng hải số 20.