Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi cá là nuôi bệnh

Nuôi cá là nuôi bệnh
Ngày đăng: 22/09/2015

Hiếm có đối tượng thủy sản nào có thể mang lại giá trị xuất khẩu hàng năm hơn tỷ USD như con cá tra. Với nhiều ưu điểm như thịt ngon, ít chất béo, lại dễ nuôi trong ao với năng suất cao, cá tra đã trở thành ngành hàng chủ lực ở ĐBSCL.

Các Cty xuất khẩu thủy sản cũng từ đó mà ra đời, nhiều khu đất làm nông nghiệp không hiệu quả đã trở thành vùng nuôi cá tra quy mô lớn.

Tuy nhiên, các Cty hoặc các hộ nuôi tư nhân dường như không bao giờ hài lòng về năng suất nuôi của cá tra hiện tại, họ luôn cố gắng tìm mọi cách để có thể thu hoạch được nhiều cá hơn nữa trên cùng một diện tích.

Đó cũng là nhu cầu chính đáng nếu như chất lượng của cá cũng tăng theo sản lượng.

Mật độ thả nuôi được tăng lên nhiều so với khuyến cáo, có nơi lên đến 80 con thậm chí 100 con/m2 (đối với cỡ cá 50 - 70 con/kg), với tâm lý “thả cá giống càng nhiều thì thu hoạch càng nhiều” hoặc “thả nhiều để trừ hao lượng cá chết”.

Thực tế đã chứng minh suy nghĩ đó hoàn toàn không đúng, thả cá tra với mật độ dày trong khi quy trình nuôi không được cải thiện, chất lượng nước trong ao không được kiểm soát tốt sẽ là tiền đề cho dịch bệnh bùng phát.

Tỷ lệ  cá hao hụt nhiều, chi phí phát sinh tăng cao do phải điều trị bệnh cho cá trong thời gian dài càng làm lợi nhuận sụt giảm.

Chu kỳ nuôi cá tra bình thường kéo dài khoảng 6 tháng, dịch bệnh gây thiệt hai nghiêm trọng nhất trong khoảng 2 tháng đầu tiên và rải rác những tháng sau đó.

Có thể kể ra vài loại bệnh mà dường như ngươi nuôi cá nào cũng ngán ngẩm khi nhắc đến.

Đầu tiên khi cá được thả vào ao kiểu gì cũng sẽ bị “xuất huyết”, đây là bệnh do các loại vi khuẩn cơ hội tấn công do cá bị xây xát trong quá trình vận chuyển, ao nào nhẹ thì hao hụt 1 - 2%, nặng có thể lên đến 5 - 10%.

Cũng từ thời điểm này, cá tra sẽ được cho điều trị kháng sinh kết hợp với các loại hóa chất diệt khuẩn.

Tiếp theo, phải kể đến loại bệnh “sát thủ” gây thiệt hại nặng nhất cho nghề nuôi cá tra, đó là bệnh “gan thận mủ” do vi khuẩn E.ictaluri gây ra.

Nếu không quản lý tốt, tỷ lệ chết có thể lên đến 60 -70%, đặc tính của loại vi khuẩn này là khả năng kháng thuốc kháng sinh rất nhanh.

Điều đó lý giải vì sao một số loại thuốc điều trị hiệu quả trong vụ nuôi trước lại không có tác dụng trong vụ nuôi này, người nuôi phải phối trộn nhiều loại thuốc và thay đổi liên tục.

Vì thế, cá tra lại được tiếp tục cho ăn kháng sinh, với liều lượng và chủng loại tăng lên so với đợt điều trị trước đó.

Vượt qua được các loại bệnh trên thì sức đề kháng của cá cũng suy giảm đáng kể, vì vậy dễ dàng mắc một loại bệnh cũng nguy hiểm không kém là “trắng gan, trắng mang”.

Bệnh này đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác, nhưng khi cá mắc bệnh thì lượng hồng cầu giảm đáng kể, mang và gan trắng nhợt nhạt.

Lúc này, cá tra mới bắt đầu được bổ sung các loại chất dinh dưỡng, tái tạo hồng cầu. Đến giai đoạn lớn hơn, cá tra lại tiếp tục bị “vàng da”, biểu hiện là toàn thân có màu vàng, gây thiệt hại chủ yếu gia đoạn cá lớn.

Nguyên nhân có thể được chẩn đoán do rối loạn các chức năng phân giải ở gan, mật làm cho cá có màu vàng. Biện pháp thường sử dụng là bổ sung chất dinh dưỡng, giải độc gan nhưng không mang lại hiệu quả cao.

Nghị định 36/2014/NĐ-CP ra đời sẽ đảm bảo con cá tra Việt Nam có được một quy chuẩn đồng nhất từ nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ. Các doanh nghiệp, người nuôi cá tra sẽ phải áp dụng các tiêu chuẩn quản lý khắt khe hơn, nhằm đảm bảo phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn.


Bằng cách áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, người nuôi sẽ quản lý được sức khỏe đàn cá được tốt hơn, cá ít mắc bệnh, lợi nhuận từ đó cũng tăng lên và đặc biệt là sẽ không còn cảnh “nuôi cá là nuôi bệnh”.

Trải qua mấy loại bệnh trên thì lượng cá trong ao cũng đã hao hụt đáng kể, đó là chưa kể đến các loại bệnh khác như nội ký sinh trùng ở gan, mật, cơ thịt hay ngoại ký sinh ở da, mang, vây, đuôi.

Ngoài ra còn các bệnh về môi trường như pH giảm, thiếu oxy… Người nuôi cá phải định kỳ xử lý hàng tấn hóa chất xuống ao nuôi bao gồm các loại diệt khuẩn, vôi, zeolite, vi sinh… Đó là chưa kể đến các bệnh trên cứ tái đi tái lại suốt chu kỳ nuôi.

Như vậy, trong 6 tháng, cá tra phải gánh chịu gần chục loại bệnh và dường như lúc nào cũng được bổ sung thuốc các loại.

Mỗi ao nuôi rộng 1 ha, trung bình có 2 công nhân chăm sóc thì chỉ cần cá bệnh là làm cả ngày không hết việc, bao gồm vớt cá chết, trộn thuốc, cho ăn…

Một số nông dân nuôi cá tra nhiều năm cho rằng, cá tra bây giờ khó nuôi, nếu như lúc trước tỷ lệ hao hụt trung bình chỉ 20% thì bây giờ có thể lên đến 40% là bình thường, thậm chí có những ao phải thả giống lại nhiều lần vì chết gần hết.

Nghề nuôi cá tra ở Việt Nam đã đạt tới một trình độ cao nhất định, với quy mô nuôi công nghiệp như vậy thì không thể nuôi cá mà không phát sinh dịch bệnh.

Tuy nhiên, cần có những định hướng, cũng như giải pháp mang tính hệ thống để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh.


Có thể bạn quan tâm

Châu Thành (Hậu Giang) có trên 2.100ha cam sành có khả năng phải chặt bỏ Châu Thành (Hậu Giang) có trên 2.100ha cam sành có khả năng phải chặt bỏ

Thông tin từ cơ quan chuyên môn huyện Châu Thành (Hậu Giang), trong tổng số gần 5.000ha cam sành trên địa bàn huyện thì hiện có đến 2.656ha đang nhiễm bệnh, trong đó có trên 2.172ha bị nhiễm nặng, có khả năng phải chặt bỏ.

18/04/2015
Nhấp nhổm trông ngóng giá thanh long Nhấp nhổm trông ngóng giá thanh long

Ngày 12/4, giá thanh long xuất khẩu tiếp tục xuống thấp. Các nhà vườn trong tỉnh Bình Thuận không khỏi lo lắng trước xu hướng bất lợi của thị trường.

18/04/2015
Hiệu quả từ mô hình sản xuất xoài bao trái Hiệu quả từ mô hình sản xuất xoài bao trái

Nhờ biết cách xử lý cho xoài ra trái nghịch vụ, áp dụng biện pháp kỹ thuật chăm sóc xoài theo hướng an toàn, mô hình sản xuất xoài bao trái của gia đình ông Huỳnh Văn Long, xã Sông Bình (Bắc Bình, Bình Thuận) đã có thu nhập kinh tế tương đối cao.

18/04/2015
Cách diệt trừ bọ xít gây hại trên cây vải, nhãn Cách diệt trừ bọ xít gây hại trên cây vải, nhãn

Bọ xít hại nhãn, vải thường gia tăng số lượng nhanh chóng và gây hại nặng cho vải, nhãn ở giai đoạn nụ, hoa đến quả non (từ tháng 2 – 5).

18/04/2015
Cây vải 58 tuổi trên đất D'Ran (Lâm Đồng) Cây vải 58 tuổi trên đất D'Ran (Lâm Đồng)

Cây vải cổ thụ 58 tuổi này do lão ông Lý Quang Chức, thôn Lạc Thiện 2, thị trấn D’Ran, tỉnh Lâm Đồng trồng từ năm 1957 trong phần đất của gia đình. Cây rất cao, thân chia nhiều nhánh, tỏa bóng mát che rợp một khoảng vườn.

18/04/2015