Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Bò Sữa Giống Nội Địa

Nuôi Bò Sữa Giống Nội Địa
Ngày đăng: 09/11/2014

Đạ Ròn (Đơn Dương - Lâm Đồng), một trong những địa phương phát triển mạnh về nghề nuôi bò sữa, hiện đang bước vào giai đoạn thịnh vượng, số đầu bò sữa ngày càng nhân rộng. Không chỉ nuôi bò cho sữa mà ở Đạ Ròn còn xuất hiện mô hình nuôi bò sữa để bán. Với cách làm ăn của những nông hộ này, số lượng bò sữa ngày càng được nhân rộng nhanh chóng, với giá cả vừa phải, chất lượng bò đảm bảo, giúp nhiều hộ đủ điều kiện mua một con bò mẹ vốn có giá rất cao.

Đạ Ròn hiện có tới hàng trăm nông hộ chăn nuôi bò sữa, nhiều nông hộ nuôi theo quy mô trang trại với 20 - 30 con. Muốn mở rộng đàn bò, thông thường người dân nuôi cho bò mẹ đẻ con, nuôi lớn hoặc nhanh hơn là mua bò nhập ngoại. Nhưng với gia đình chị Trần Thị Hoa, thôn 1 Đạ Ròn thì khác hẳn. Trong chuồng nhà chị có 4 con bò cái tơ sắp đến thời điểm khai thác sữa và chị Hoa giới thiệu, đó là những bò cái sắp sửa “xuất chuồng”.

Thay vì nuôi bò lấy sữa, chị Hoa là một trong những hộ ở Đạ Ròn chuyên nuôi bò sữa giống cung cấp cho các trang trại, các nông hộ. Chị Hoa cho hay, nhà chị ít người, ít đất nên thay vì nuôi bò vắt sữa, nắm được nhu cầu cần bò sữa trưởng thành của nhiều nông hộ, chị chuyển sang nuôi bò giống đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bò sữa là một trong những con vật nuôi đòi hỏi kỹ thuật cao, nuôi bò sữa giống còn yêu cầu những kỹ thuật nghiêm khắc hơn bò trưởng thành. Chị Hoa cho hay, nhiều trang trại khi có bê con, họ tự nuôi không xuể nên bán bớt. Chị mua bê con chỉ từ vài ngày tuổi về nuôi với giá trung bình 18 triệu đồng/con.

Nuôi bê con rất khó và đòi hỏi kỹ thuật cao so với bò lớn. Vì tách mẹ quá sớm, không được cho bú nên bê con không có phản xạ mút. Người nuôi phải cho ăn bằng loại sữa chuyên dùng nuôi bê, bắt đầu bằng lấy tay đưa vào miệng bê, giúp chúng tập bú, làm quen với sữa.

Nuôi bê bằng bình sữa, từ từ bê có thể tự uống được và lớn dần. Sau 3 tháng thì cai sữa cho bê, chuyển sang nuôi bằng cám, bắp và chất xanh. Khi bò chừng 10 tháng tuổi là có thể xuất bán. Bò cái 10 tháng tuổi đã trưởng thành, có thể chuẩn bị phối giống, bắt đầu chu trình khai thác sữa. Một bò cái 10 tháng tuổi có giá 40 triệu đồng, chỉ bằng 45% giá bò cái nhập ngoại có giá xấp xỉ 90 - 100 triệu đồng/con.

Chị Hoa nói: “Nuôi bò cái giống thu nhập không cao như bò sữa, chỉ khoảng 2 triệu đồng/con/tháng. Nhưng bù lại chi phí không nhiều, công lao động ít, tôi chỉ mất chừng 2h/ngày để chăm sóc đàn bò 5 con. Nếu nuôi nhiều, một tháng cũng có lời chừng 10 - 15 triệu đồng”.

Cũng tương tự chị Hoa, thôn 1 còn có nhiều gia đình nuôi bò cái giống như anh chị Phước Ngà, Tĩnh Sâm, anh Cường thôn 3… Đặc điểm chung của những hộ nuôi bò giống này là đều có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nuôi bò sữa, có kỹ thuật rất tốt và tận tâm.

Theo các nông hộ nuôi bò sữa giống trước hết phải chú ý tới nguồn gốc của bê con. Giống bò ở Đạ Ròn khá tốt do bò mẹ đều là cái nhập ngoại, bê con sinh ra từ tinh nhập ngoại nên chất lượng ổn định. Sau đó, người nuôi phải chú trọng chăm sóc thật kỹ bê con ngay từ khi mới nhập chuồng.

Chăm sóc kỹ, bê con có sức và sẽ đạt tầm vóc cũng như chất lượng sữa tốt khi trưởng thành. Sau khi bỏ sữa, chế độ ăn gồm cám, bắp và chất xanh cho bê cũng phải theo đúng kỹ thuật, cho bê ăn theo tỷ lệ chuẩn vào từng thời điểm phát triển. Cũng vì vậy, bò sữa giống “made in Đạ Ròn” hiện rất đắt hàng, các hộ chăn nuôi bò sữa của Bảo Lộc, Đức Trọng… đều tìm tới đây thay vì bỏ một số tiền lớn mua bò nhập ngoại.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Ròn chia sẻ, việc bà con tìm ra hướng đi mới trong nuôi bò sữa là điều rất đáng hoan nghênh. Thay vì nhập ngoại bò giống, bà con đã tìm được cách để nuôi bò nội địa cung cấp rộng rãi ra thị trường. Bò nhập giá cao, nhiều hộ muốn khởi nghiệp với bò sữa cũng khó tiếp cận.

Còn bà con Đạ Ròn cung cấp bò giống với giá mềm, phù hợp với túi tiền nông dân nên phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đây cũng là hướng đi phù hợp giúp phát triển đàn bò sữa Lâm Đồng, giúp thêm nhiều hộ nông dân tiếp cận với con bò sữa.


Có thể bạn quan tâm

Phước Dinh (Ninh Thuận) Tổ Nuôi Tôm An Toàn Bền Vững Hoạt Động Hiệu Quả Phước Dinh (Ninh Thuận) Tổ Nuôi Tôm An Toàn Bền Vững Hoạt Động Hiệu Quả

Đầu năm 2012, có 20 hộ nuôi tôm ở thôn Sơn Hải 1 (xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận) liên kết nhau thành lập Tổ nuôi tôm an toàn bền vững (NTATBV) và đã mang lại nhiều lợi ích cho các hộ tham gia, đồng thời có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường sinh thái ở địa phương.

12/06/2014
Tiếp Tục Tạo Điều Kiện Tiêu Thụ Vải Thiều Tiếp Tục Tạo Điều Kiện Tiêu Thụ Vải Thiều

Ngay từ đầu mùa vụ, các bộ ngành hữu quan và chính quyền địa phương đã chủ động lên kế hoạch, triển khai các biện pháp để đẩy mạnh tiêu thụ cũng như XK quả vải tươi.

30/06/2014
Kiên Giang Khuyến Cáo Ngư Dân Không Tự Phát Khai Thác Banh Lông Một Cách Ồ Ạt Kiên Giang Khuyến Cáo Ngư Dân Không Tự Phát Khai Thác Banh Lông Một Cách Ồ Ạt

Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang vừa tiến hành kiểm tra 14 cơ sở thu mua banh lông trên địa bàn hai huyện Giồng Riềng và Phú Quốc, trong đó Phú Quốc có 13 cơ sở. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, bước đầu cơ quan chức năng khuyến cáo ngư dân không nên tự phát chuyển đổi ngành nghề sang khai thác banh lông.

12/06/2014
Niên Vụ 2013/2014 Sản Xuất Được Gần 1,6 Triệu Tấn Đường Niên Vụ 2013/2014 Sản Xuất Được Gần 1,6 Triệu Tấn Đường

Riêng đường sản xuất từ đường thô của Nhà máy đường luyện Biên Hòa là 85.925 tấn, Nhà máy đường Biên Hòa – Tây Ninh là 4.920 tấn, Cty NIVL là 19.610 tấn và Nhà máy đường Cần Thơ là 4.719 tấn.

30/06/2014
Cẩm Sơn (Bến Tre) Nhân Rộng Mô Hình Chăn Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái Cẩm Sơn (Bến Tre) Nhân Rộng Mô Hình Chăn Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái

Để nghiên cứu đánh giá về hiệu quả của mô hình đối với môi trường, cuối năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự án nuôi heo trên đệm lót sinh thái, trong đó xã Cẩm Sơn có 4 hộ được chọn để triển khai. Mỗi hộ được hỗ trợ từ 2,5 đến 4,5 triệu đồng.

12/06/2014