Nuôi Cá Rô Phi Đơn Tính Theo Hướng VietGap
Được Trung tâm Khuyến Nông Ngư quốc gia hỗ trợ kinh phí, Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng thí điểm mô hình nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính đực theo hướng VietGap. Mô hình giúp các hộ nuôi hướng đến sản xuất sản phẩm sạch.
Kết quả bước đầu
Những năm gần đây, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi cá nước ngọt theo hướng thâm canh tăng năng suất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, nghề nuôi cá hiện nay vẫn sản xuất theo lối truyền thống, việc sử dụng các loại phân hữu cơ chưa qua xử lý, các loại thức ăn từ phế phụ phẩm nông nghiệp, tự chế biến không đảm bảo chất lượng và việc lạm dụng các loại thuốc, hóa chất để xử lý ao nuôi diễn ra khá phổ biến; đã làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường. Việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản đòi hỏi phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sản phẩm phải được truy xuất nguồn gốc bằng cách ghi chép đầy đủ các thông tin trong quá trình sản xuất là điều rất cần thiết, đang được nhiều ngư dân hướng đến.
Nhằm phát triển nuôi cá nước ngọt theo hướng ổn định, sản phẩm sản xuất phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tốt cho người tiêu dùng và xuất khẩu, Trung tâm khuyến Nông Lâm Ngư xây dựng mô hình thí điểm nuôi thâm canh các rô phi đơn tính đực theo hướng VietGap ở xã Phú Xuân (Phú Vang), Quảng Thọ (Quảng Điền) và Phong Xuân (Phong Điền), với diện tích 10.000m2, tổng kinh phí thực hiện gần 171 triệu đồng, cá giống thả nuôi 40.000 con, kích cỡ cá giống 5-7 cm, mật độ thả 4 con/m2; tỷ lệ sống của cá đạt trên 70%. Ông Văn Công Thảo, hộ nuôi ở xã Quảng Thọ cho biết: “Gia đình tui được chọn thực hiện mô hình thí điểm nuôi cá rô phi trên diện tích 4.000m2, thả nuôi 16.000 con giống. Quá trình nuôi cá có tốc độ phát triển tốt, không xuất hiện bệnh. Nuôi theo quy trình VietGap chất lượng cá tốt hơn so với nuôi truyền thống, cá có màu sắc sáng bóng, mình dày, thịt thơm ngon. Sau 7 tháng thả nuôi đạt trọng lượng 500g/con, bán với giá 30.000 đồng/kg. Nuôi theo quy trình VietGap chi phí đầu tư cao hơn nuôi truyền thống, nhưng giá trị kinh tế mang lại cao hơn không là bao, bình quân mỗi kg cá bán nhích lên khoảng 4.000 đồng”.
Hướng đến sản xuất sản phẩm sạch
Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư cho biết: “Trong thời gian thực hiện mô hình, trung tâm tổ chức hội nghị đầu bờ để giúp bà con ngư dân tiếp thu những kiến thức về kỹ thuật nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính đực theo hướng VietGap; đồng thời trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm để áp dụng vào sản xuất. Bước đầu mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi, góp phần thay đổi tập quán sản xuất theo hướng cung cấp sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính đực theo hướng VietGap bên cạnh mang lại hiệu quả kinh tế còn giúp bà con ngư dân tiếp cận cách thức sản xuất mới và thay đổi dần cách sản xuất cũ, góp phần vào việc tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường, giảm thiểu tác động vào môi trường tự nhiên. Ý thức của người dân về việc sản xuất theo hướng VietGap để tạo ra sản phẩm sạch được nâng cao. Đơn cử như ở xã Quảng Thọ (Quảng Điền) các hộ nuôi mua giống ở Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt có hợp đồng để gắn trách nhiệm bên mua và bên bán. Bên cạnh đó, ngư dân còn quan tâm đến cải tạo ao hồ, sử dụng chế phẩm sinh học. Mặc dù, có nhiều hộ nuôi chưa ứng dụng quy trình VietGap nhưng bước đầu họ đã tuân thủ một số điểm cơ bản để tạo ra sản phẩm sạch, như trước một tháng khi thu hoạch người nuôi không sử dụng thức ăn sẵn có mà phải sử dụng thức ăn tổng hợp, đồng thời, thường xuyên thay nước trong ao nuôi.
Tuy nhiên, để áp dụng VietGap thành công trong nuôi trồng thủy sản nói chung và trong nuôi cá rô phi đơn tính nói riêng đòi hỏi người dân phải tích cực, có ý thức cao trong việc chấp hành nghiêm quy trình từ chọn giống chất lượng, cách chăm sóc, sử dụng thức ăn, ghi chép... Ngành chức năng sớm quy hoạch vùng nuôi tập trung để dễ quản lý và thực hiện VietGap; đồng thời, tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình trình diễn nuôi cá rô phi theo VietGap trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận để áp dụng.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, huyện Cao Lãnh đẩy mạnh đầu tư khai thác các sản phẩm chủ lực của địa phương như: lúa, xoài, thủy sản, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học... Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của huyện thời gian qua là thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế và Đề án phát triển 50 ha cây chanh leo của UBND huyện Vị Xuyên (tập trung tại 3 xã Trung Thành, Ngọc Linh và Bạch Ngọc); sau hơn 4 tháng trồng và chăm sóc, đến nay số diện tích cây chanh leo mùa đầu tiên đã bắt đầu cho thu hoạch, bước đầu cho thấy những kết quả tích cực.
Phát triển kinh tế vườn, đồi là khâu đột phá trong phát triển KT-XH của thôn Nghè, xã Hương Sơn (Quang Bình). Những năm qua, thôn Nghè đã tập trung các nguồn lực đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế mô hình kinh tế vườn, đồi tạo bước chuyển biến đáng kể cho phát triển KT - XH ở địa phương.
Cách trung tâm huyện lỵ Yên Minh không xa, nhưng xã Sủng Thài lại là địa phương có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất huyện. Dù vậy nhưng Đảng bộ, chính quyền và 100% đồng bào dân tộc Mông nơi đây vẫn kiên cường bám trụ, vượt khó, tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp để xây dựng cuộc sống ấm no hơn.
Với đặc thù là một tỉnh vùng cao, để phát huy lợi thế của từng vùng, tỉnh ta đã xác định phát triển chăn nuôi là một trong những chương trình kinh tế quan trọng và coi việc phát triển chăn nuôi là một trong những giải pháp hàng đầu để xóa đói giảm nghèo bền vững.