Nuôi Bò Sữa Gây Ô Nhiễm Môi Trường
Nghề nuôi bò sữa đang ngày càng phát triển ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi (TP.HCM). Tuy nhiên, do không có quy hoạch vùng nuôi, không có hệ thống xử lý chất thải nên việc nuôi bò sữa đang khiến xã này ô nhiễm nghiêm trọng.
Xã Tân Thạnh Đông hiện có khoảng 20.000 con bò sữa (chiếm 1/5 tổng đàn bò tại TP.HCM). Việc nuôi bò sữa phát triển không ngừng đang làm cho cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá. Tuy nhiên, đi cùng với sự gia tăng số lượng của đàn bò là nỗi ám ảnh từ phân bò thải ra gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Hồ Văn Tráng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Cả xã Tân Thạnh Đông đang khổ vì phân và nước thải của bò sữa. Chiều xuống, trên những con đường trong xã, phân bò tươi được cho vào bao chất thành đống chờ lái đến mua về làm phân. Trong khi đó, những cống nước vẫn hứng nước tiểu bò, vào xã lúc nào cũng ngửi thấy mùi khăm khẳm khắp nơi”.
Theo ông Tráng, mỗi ngày một con bò thải ra 10kg phân. Chúng tôi theo đuôi một chiếc xe công nông chất đầy phân bò tươi đến chỗ xử lý. Bãi xử lý là một khoảnh ruộng trồng cỏ voi (cỏ sữa). Chủ xe công nông - anh Trần Văn Cường ở ấp 6, cho hay số phân bò chất trên xe là 3 tấn do đàn bò sữa gần 40 con của nhà nuôi thải ra.
Theo đó, mỗi ngày phân bò được đưa đến đây, phân bố đều trên ruộng cỏ, sau đó sổ ra và tưới nước cho chảy tràn đồng!
Đấy là những đồng cỏ xa chuồng bò sữa. Đối với những đồng cỏ gần chuồng, anh Cường cho biết sẽ dẫn ống đi khắp đồng cỏ rồi xả nước thải trộn lẫn phân và nước tiểu bò để tưới cỏ. Theo anh Cường, đây là cách làm khá phổ biến của nông dân nuôi bò sữa ở xã Tân Thạnh Đông.
Việc đàn bò sữa ở xã Tân Thạnh Đông đang gây ô nhiễm môi trường hiện nay, theo đánh giá của UBND xã có hai nguyên nhân chính: Đô thị hóa nhanh dẫn đến đất nông nghiệp thu hẹp dần và tổng đàn bò đang tăng nhanh. Chính quyền xã cũng đang loay hoay chưa có hướng xử lý ô nhiễm từ việc nuôi bò sữa.
Bà Lê Thị Mai – Phó Chủ tịch xã nói: “Chúng tôi chưa có hướng xử lý cụ thể. Hiện nay xã đang tính đến phương án giảm đàn bò đối với những hộ không trang bị hầm biogas và xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa tập trung”.
Có thể bạn quan tâm
Là hộ nghèo nên năm 2013, gia đình anh Nguyễn Đình Sáu, thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm (Hiệp Hoà) được tham gia dự án Vệ sinh môi trường nông thôn. Theo đó, anh được hỗ trợ 48 triệu đồng và chỉ phải bỏ thêm một phần kinh phí để xây chuồng trại chăn nuôi kiên cố.
Mô hình chăn nuôi bò thịt đang phát triển rộng rãi ở ngoại thành Hà Nội, nhiều hộ dân đã vươn lên trở thành những tỷ phú nuôi bò. Hà Nội đã đưa những giống bò mới năng suất, chất lượng cao vào chăn nuôi nhưng người dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn để mở rộng sản xuất, xây dựng chuồng trại, xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Dù hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp (DN) được ký kết ngay từ đầu vụ nhưng đến khi thu hoạch, một trong hai bên có thể “bẻ kèo” khi giá lúa biến động nhiều. Để đảm bảo hợp đồng không bị phá vỡ, ngoài uy tín của DN, niềm tin của nông dân, vai trò điều tiết trung gian của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương rất quan trọng.
Trước đây, nông dân thu hoạch lúa phải thuê nhân công cắt tay, gom - tuốt lúa và phải chuẩn bị phương tiện vận chuyển đường thủy mang về nhà. Lại phải phơi khô lúa rồi đón ghe bán. Thời nay, đã có máy gặt đập liên hợp, thương lái đến tận đồng thu mua lúa tươi. Vì vậy, thu hoạch xong, nông dân chỉ việc chờ cân lúa và… đếm tiền.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đang triển khai trồng mới, trồng lại chè. Theo kế hoạch, năm nay, toàn tỉnh sẽ trồng mới, trồng lại 1.600 ha chè, trong đó 1.500 ha được hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); 100 ha được tỉnh hỗ trợ kinh phí.