Nông Dân Vĩnh Châu Đẩy Nhanh Cải Tạo Ao Tôm, Khống Chế Dịch Bệnh
Sức hấp dẫn về giá cả và sức bật về kinh tế từ con tôm nhiều năm qua luôn hấp dẫn người dân trong việc duy trì mô hình này, đặc biệt là trong vài năm gần đây, con tôm thẻ chân trắng ngày càng có sức hút mạnh vì thời gian nuôi ngắn hơn con tôm sú, tỷ lệ thành công cao.
Từ hiệu quả của việc nuôi tôm thẻ chân trắng ở năm 2013, nhiều hộ nuôi tôm ở thị xã Vĩnh Châu đã thả giống nối tiếp không ngắt vụ dẫn đến những hệ lụy cho vụ nuôi năm 2014. Trước những diễn biến bất lợi từ môi trường và thời tiết từ những tháng đầu năm 2014 đến nay đã làm tình hình dịch bệnh trên tôm bùng phát.
Là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng nên trước những diễn biến bất thường của thời tiết, cộng với sự xuất hiện của bệnh đốm trắng, gan tụy trên tôm, mới đây, tỉnh Sóc Trăng đã Quyết định công bố dịch bệnh đốm trắng ở tôm nuôi trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu.
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng thì việc công bố nhằm ngăn ngừa thiệt hại cho người dân, giúp người dân giảm thiệt hại trước diễn biến khó lường của bệnh tôm có thể lan rộng do tác động của thời tiết trong thời gian qua; cũng như đẩy nhanh việc khống chế và dập tắt dịch bệnh, giúp người dân và ngành chức năng địa phương có thời gian cải tạo ao nuôi và có được sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thả nuôi sắp tới, đặc biệt là không để dịch bệnh lây lan sang nơi khác…
Kế hoạch năm 2014, tỉnh Sóc Trăng sẽ thực hiện thả nuôi 45.000 ha tôm nước lợ. Hiện tại, toàn tỉnh đã thả nuôi tôm đầu vụ được 5.200 ha/45.000 ha, thiệt hại 1.500 ha, chủ yếu do bệnh đốm trắng và gan tụy, tập trung chủ yếu trên con tôm thẻ chân trắng.
Theo ông Lê Minh Trường – Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng thị xã Vĩnh Châu cho biết, hiện nay có trên 60% diện tích tôm bị thiệt hại, chủ yếu là con tôm thẻ. Theo lịch thời vụ thì con tôm thẻ bắt đầu cho thả từ ngày 25/11/2013 và cho đến ngày 31/12/2013, sau đó chúng tôi khuyến cáo bà con ngưng lại, không thả nuôi và sẽ bắt đầu thả nuôi từ ngày 01/4/2014, cùng một lượt với con tôm sú.
Có thể thấy, nguyên nhân của việc dịch bệnh xuất hiện sớm trong năm nay, bên cạnh các yếu tố bất lợi từ môi trường thì việc chủ quan của người dân chính là những yếu tố làm cho tình hình dịch hại phát triển nhanh chóng, vì đa phần người nuôi tôm thẻ không chịu cải tạo ao nuôi sau vụ nuôi mà giữ lại nước trong vuông tôm rồi thả tiếp.
Đáy ao bẩn và không được vệ sinh kỹ càng làm cho dịch trên tôm bùng phát. Hiện phòng Kinh tế Hạ tầng thị xã Vĩnh Châu đang tập huấn cho bà con chung quanh việc cải tạo và xử lý môi trường để chuẩn bị cho vụ nuôi bắt đầu từ ngày 01/4/2014 sắp tới; đồng thời, công tác kiểm tra chất lượng con giống luôn được tăng cường.
Trước mắt, phòng Kinh tế Hạ tầng thị xã Vĩnh Châu yêu cầu các trại giống và điểm cung cấp giống tạm thời ngưng sản xuất và bán con giống cho người dân, để người dân có thời gian phơi ao và cải tạo ao kỹ càng, rồi dựa trên lịch thời vụ của ngành chức năng khuyến cáo mới thả nuôi tiếp.
Với những khuyến cáo của ngành chức năng, sự thận trọng của người dân trong việc cải tạo lại diện tích ao nuôi trong thời gian gần đây, cùng kinh nghiệm nuôi tôm của các hộ dân, hy vọng người dân Vĩnh Châu nói riêng và các vùng nuôi tôm khác trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói chung sẽ có được những vụ mùa tôm bội thu và trúng giá.
Có thể bạn quan tâm
Trong 3 năm thực hiện mô hình, dự án, hoạt động dạy nghề, hỗ trợ việc làm giai đoạn 2011-2013, 7 xã ngoại thành của TP Cà Mau có nhiều nông dân được đầu tư các dự án trồng hoa màu, rau an toàn, ruộng lúa bờ hoa, lúa trên đất nuôi tôm, nuôi cá chình, bống tượng,… Có hơn 600 hộ vươn lên khá giàu, hơn 300 hộ thoát nghèo.
Từ Lâm Đồng đến Cà Mau lập nghiệp, với đôi bàn tay trắng, hiện nay ông Phan Trung Tâm, cư ngụ tại ấp 3, thị trấn Trần Văn Thời sở hữu hơn 5 ha đất chuyên trồng hoa màu cho năng suất cao.
Trong những ngày này, bà con nông dân TP Cà Mau tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương cải tạo ao đầm để bước vào mùa nuôi tôm chính vụ.
Xã Tam Giang Tây những năm gần đây được đánh giá cao về công tác hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo. Với những cách làm hiệu quả cùng với ý thức, những hộ nghèo không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước mà tự phấn đấu vươn lên nên đời sống của những hộ dân sau khi được giúp đỡ ngày càng phát triển hơn.
Xen canh cây lúa với hoa màu không còn lạ lẫm với người dân xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, bởi bà con ở đây đang rất thành công với mô hình này. Một số hộ đã chuyển hẳn từ trồng lúa sang trồng hoa màu vì lợi nhuận mà hoa màu mang lại cao hơn cây lúa gấp nhiều lần.