Nông dân trăn trở khi giá sen lao dốc
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), toàn huyện Tháp Mười hiện có 350ha trồng sen, tập trung chủ yếu ở xã Mỹ Hòa, Mỹ Quý, Tân Kiều và Láng Biển. So với cây lúa thì trồng sen cho lợi nhuận cao hơn nên thời gian gần đây, nhiều nông dân chuyển sang trồng sen. Tuy nhiên, một thực trạng mà rất nhiều nông dân trồng sen hiện không an tâm là tình hình bất ổn của giá sen cũng như vấn đề dịch bệnh đang đe dọa nhiều diện tích sen trên địa bàn huyện.
Ông Bùi Văn Ân ngụ ấp 1, xã Mỹ Hòa có hơn chục năm gắn bó với cây sen chia sẻ: “Những năm trước trồng sen rất dễ, không dịch bệnh và giá cả cũng ổn định. Nhiều người thấy có thể “ăn nên làm ra” với cây sen nên trồng ồ ạt. Một số thương lái cho hay, hiện không những ở Đồng Tháp phát triển mạnh diện tích sen mà các tỉnh lân cận như Cần Thơ, An Giang cũng bắt đầu đẩy mạnh diện tích.
Từ sau lễ 30/4, giá sen tuột xuống chỉ còn khoảng từ 10 - 12 ngàn đồng/kg, với mức giá này thì lời có là bao. Chỉ mong sao có công ty bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định, chứ sản xuất theo kiểu này thì hồi hộp quá”.
Một số thương lái và vệ tinh thu mua gương sen về sơ chế thành sen lụa (hạt sen đã bóc vỏ) cho biết, sau khi sơ chế thành sen lụa, sẽ xuất thô sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc và một phần nhỏ tiêu thụ thị trường trong nước. Tuy nhiên, hiện nay các thị trường nước ngoài “ăn hàng” chậm, khiến giá thu mua nguyên liệu không thể cao hơn.
Theo tính toán của bà con nông dân, nếu giá sen từ 20 - 30 ngàn đồng/kg thì trồng sen lợi nhuận cao gấp 1,5 - 2 lần trồng lúa. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ không ổn định khiến nông dân phập phồng khi đầu tư canh tác cây trồng này.
Bên cạnh đó, vấn đề quản lý dịch bệnh trên sen khiến nhiều bà con trăn trở, nhất là bệnh thối ngó sen. Do bệnh này lây lan khá nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cây sen, làm sen giảm năng suất. Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay loại bệnh này vẫn chưa có thuốc đặc trị.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Văn Kiệt, ấp 1 xã Mỹ Hòa cho biết: “Bệnh thối ngó sen mới xuất hiện những năm gần đây, tuy nhiên khả năng lây lan của bệnh này khá nhanh và nếu ruộng bị dịch bệnh nặng sẽ gây thiệt hại và làm ảnh hưởng đến 50% năng suất. Rất mong các nhà khoa học sớm tìm ra nguyên nhân và thuốc đặc trị để giúp bà con nông dân”.
Một số nông dân có kinh nghiệm nghề trồng sen chia sẻ, hiện do canh tác lâu năm nên giống sen hiện tại của địa phương có biểu hiện thoái hóa, cho năng suất thấp và xuất hiện nhiều bệnh lạ.
Chính vì vậy, bà con rất mong được sự hỗ trợ từ các nhà khoa học, ngành nông nghiệp trong việc hướng dẫn nông dân quản lý dịch bệnh trên cây sen cũng như giới thiệu nhiều giống sen mới cho năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm sạch và an toàn trở thành bức thiết đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang tồn tại là khi người nông dân bắt đầu sản xuất rau an toàn thì họ lại vướng phải nhiều rào cản từ thị trường tiêu thụ.

Nằm giữa vùng Đồng Tháp Mười trù phú, nổi tiếng xa gần với các đặc sản mùa nước nổi, chợ cá đồng Trường Xuân, huyện Tháp Mười là một địa điểm thú vị không những thu hút cư dân bản địa mà đây còn là điểm đến hấp dẫn đối với những ai có ý định săn đặc sản đồng quê vào mùa nước ở Đồng Tháp.

Cứ đến đầu tháng 10 hàng năm, người tiêu dùng lại lo lắng khi sản phẩm cam sành trôi nổi trên thị trường gắn nhãn mác cam sành Hà Giang được bày bán công khai với giá rất rẻ, chỉ từ 10 - 15 ngàn đồng, thậm chí có nơi chỉ bán với giá 6-8 ngàn đồng. không chỉ giá rẻ mà các loại cam đang được bày bán có mẫu mã đẹp, không có hạt, nhìn rất bắt mắt nên người tiêu dùng cứ vô tư mua về dùng.

Những năm qua, cây trồng vụ Đông đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Qua kinh nghiệm sản xuất của bà con, vụ Đông phải được gieo trồng sớm, đảm bảo thời gian sinh trưởng và thu hoạch mà không ảnh hưởng tới sản xuất vụ Xuân. Vào thời điểm này, bà con huyện Quản Bạ đã hoàn thành 50% diện tích cây trồng vụ Đông.

Bằng sự nhạy bén, năng động, dám nghĩ, dám làm trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới phù hợp, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp trở thành những tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất.