Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Tân An Luông Mê Làm Lúa VietGAP

Nông Dân Tân An Luông Mê Làm Lúa VietGAP
Ngày đăng: 29/05/2014

Đều đặn đúng 8 giờ vào các ngày 1 và 15 hàng tháng, các tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất và những người có nhiệt huyết với đồng rộng, thuộc 12 ấp đã tụ họp về xã Tân An Luông (Vũng Liêm - Vĩnh Long) bàn về sản xuất lúa VietGAP trong mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML).

Nhà nông và nhà khoa học luôn “sát cánh” dõi theo từng thời điểm sinh trưởng của cây lúa để kịp thời xử lý một cách thích hợp, hiệu quả nhất.

Mô hình đạt nhiều kỳ vọng

Ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong 2 năm qua, Tân An Luông được chọn gần 212ha ruộng ở các ấp Nước Xoáy, Ấp 8 và ấp Đập Sậy với 450 hộ nông dân tham gia vào mô hình CĐML. Đây là một phần diện tích thuộc dự án “Xây dựng mô hình và hỗ trợ nông dân trồng lúa theo hướng cơ giới hóa và chứng nhận VietGAP ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011- 2015”.

Thực hiện mô hình bước đầu đạt hiệu quả tốt, vụ Đông Xuân 2013- 2014 vừa qua, xã Tân An Luông được Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long chấp thuận cho mở rộng thêm diện tích của Ấp 6 và ấp Bờ Sao, nâng tổng diện tích CĐML tại xã này lên gần 500ha với 822 hộ tham gia.

Trong đó có 412ha được xét hỗ trợ về giống, mua máy móc thiết bị (làm đất, máy phun thuốc, sấy lúa,…). Thấy rõ lợi ích thiết thực, hiện Tân An Luông đã có thêm rất nhiều hộ đăng ký tham gia vào CĐML.

Sau năm thứ hai thực hiện mô hình, Tân An Luông cũng vừa được Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long phối hợp với Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 6, tổ chức lễ trao giấy chứng nhận sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho Tổ sản xuất lúa trong CĐML xã Tân An Luông.

Đây là mô hình sản xuất lúa đầu tiên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và là mô hình sản xuất lúa thứ 5 ở ĐBSCL được trung tâm nói trên cấp giấy chứng nhận sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đạt kết quả này phải nói rằng từ khi thực hiện dự án tại đây, tỉnh đã đầu tư hơn 366 triệu đồng cho mô hình này tại ấp Nước Xoáy trên diện tích gần 30ha, có 49 nông hộ tham gia. Kết quả, mô hình đã đạt 9 tiêu chí về cơ sở vật chất và 61 tiêu chí sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long, hiệu quả của mô hình bước đầu mang lại rất khả quan. Về mặt xã hội, đã củng cố và hình thành các tổ chức như: tổ, nhóm cộng đồng, cùng trao đổi kinh nghiệm, được bồi dưỡng kiến thức, vững tin áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Thông qua các tổ, nhóm này, hàng trăm lượt nông dân biết kỹ thuật trồng lúa theo hướng VietGAP; biết quản lý dịch hại tổng hợp; biết ghi chép sổ tay VietGAP. Về kinh tế giúp người trồng lúa biết sử dụng giống xác nhận, áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, xuống giống đúng lịch thời vụ, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất.

Qua đó làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, tăng năng suất; đồng thời, sản xuất theo mô hình giúp mở rộng các dịch vụ nông nghiệp như: sản xuất giống, làm đất, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản,… góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị hạt lúa, tăng tính cạnh tranh, và cuối cùng là nâng cao lợi nhuận, tăng thu nhập cho nông dân.

Tổng kết mô hình sản xuất CĐML tại Tân An Luông cho thấy, lợi nhuận bình quân hơn 12.850.000 đ/ha, cao hơn ngoài mô hình 3.270.000 đ/ha.

Ngoài ra, mô hình đã góp phần bảo vệ môi trường, đẩy mạnh việc cơ giới hóa, thay đổi tập quán sản xuất lúa theo lối truyền thống của nông dân (chịu khó ghi chép) và đặc biệt là thực hiện tốt việc liên kết giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Cuộc họp của sự liên kết

Chuyện hội họp đối với nông dân trước đây là vấn đề khá nan giải vì nhiều lý do thì bây giờ cuộc họp giữa những nhà nông với “3 nhà” còn lại (nhà khoa học- Nhà nước- nhà doanh nghiệp) gần như là một nhu cầu không thể thiếu. Cứ đều đặn vào ngày 1 và 15 hàng tháng, là họ họp. Nếu các ngày ấy rơi vào ngày nghỉ, ngày lễ thì tiến hành sớm hơn, theo quy ước.

Đều đặn 2 lần/ tháng, “4 nhà” trong khối liên kết gặp gỡ, trao nhau nhiều thông tin bổ ích về trồng lúa VietGAP.

Lãnh đạo xã hoặc cán bộ địa chính nông nghiệp chủ trì và thường tiến hành khá đúng giờ. Trong cuộc họp, đại diện nông dân từng ấp một thông báo tình hình chung quanh về vấn đề sản xuất cây lúa tại ấp mình.

Giai đoạn đầu vụ thì nói về khâu chuẩn bị, làm đất, giống. Khi xuống giống rồi thì đề cập sự sinh trưởng của cây lúa, nước, ảnh hưởng mưa gió, thời tiết. Lúa qua giai đoạn mạ thì bàn tốc độ đâm chồi, chiều cao, mật độ cây lúa/m2.

Giai đoạn kế tiếp thì bàn sâu về phát triển của cây lúa, diễn biến của các loại dịch bệnh và phương pháp phòng trừ. Kế tiếp, cách bón phân cho lúa đón đòng vào hạt và chừng nào, ngày nào thu hoạch để đạt hiệu quả cao nhất; bảo quản sau thu hoạch; khâu tiêu thụ sản phẩm;…

Các kỹ sư (Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang) và nông dân hiểu và chia sẻ thông tin cho nhau rất nhiệt tình. Vụ này cho năng suất bao nhiêu, bán cho ai lợi hơn luôn được bàn tán không chỉ trong cuộc họp mà tại các đám tiệc, các buổi họp chợ hay trong quán cà phê,… thật rôm rả.

Mỗi lần họp đều có các đề tài bàn bạc rất thiết thực, tranh luận khá sôi nổi vì nó gắn với những giá trị và công lao của mỗi thành viên đóng góp vào nhằm giúp cho nông dân tham gia mô hình được lợi nhiều nhất.

Nguyễn Thanh Phú là kỹ sư, cán bộ “3 cùng” nói: “Địa phương luôn tạo điều kiện cho tổ chúng tôi làm tốt nhiệm vụ của công ty giao, là làm sao giúp nông dân Tân An Luông thay đổi và biết cách làm lúa theo quy trình VietGAP. Mấy chú, mấy anh ở đây rất cầu thị và đã giúp chúng tôi như em cháu trong nhà”.

Nông dân Nguyễn Văn Thanh- Tổ trưởng tổ sản xuất ấp Đập Sậy cho biết: “Lúc đầu, khi đề ra mô hình CĐML, bà con nông dân chúng tôi cũng còn e ngại, nhưng qua 2 vụ rồi hiệu quả thấy rõ nên ai cũng phấn khởi. Nhiều người ngoài mô hình cũng lấy làm tiếc, thường hỏi xịt thuốc gì, bón phân nào để họ cùng làm theo”.

Theo ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vũng Liêm, hiệu quả mô hình CĐML đã thấy rõ, nhiều bà con nông dân trong và ngoài xã Tân An Luông mong muốn mô hình sớm mở rộng để người dân nông thôn có điều kiện tham gia để tăng thu nhập và có cuộc sống tốt hơn.

Sự liên kết “4 nhà” đã và đang xúc tiến rất tốt trong sản xuất lúa trong CĐML ở Tân An Luông. Tất cả đang tạo sự đồng bộ để làm chuyển biến mạnh mẽ hơn về chất trong xây dựng đời sống nông thôn mới hôm nay.

Chuyện hội họp đối với nông dân trước đây là vấn đề khá nan giải vì nhiều lý do thì bây giờ cuộc họp giữa những nhà nông với “3 nhà” còn lại (nhà khoa học- Nhà nước- nhà doanh nghiệp) gần như là một nhu cầu không thể thiếu.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Mô Hình Ruộng Lúa - Bờ Dưa Hiệu Quả Mô Hình Ruộng Lúa - Bờ Dưa

Nếu như ở nhiều nơi để thu hút thiên địch, nông dân thường áp dụng trồng hoa trên bờ mẫu, thì một số nông dân thuộc tổ hợp tác sản xuất ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy tận dụng đất bờ bao để trồng dưa hấu vừa có lợi về môi trường, vừa cho hiệu quả về kinh tế.

17/06/2013
Người Giỏi Chăn Nuôi Người Giỏi Chăn Nuôi

Trước đây mỗi lần nhắc đến Thanh Tiến, một thôn Công giáo toàn tòng nằm bên phía bắc bờ con sông Gianh, thuộc xã Tiến Hoá, huyện Tuyên Hoá, người ta lại nghĩ ngay đến một vùng quê nghèo vốn sinh sống chủ yếu bằng các nghề khai thác vật liệu xây dựng.

17/06/2013
Công Điện Khẩn Về Phòng, Chống Dịch Bệnh Tai Xanh Ở Lợn Công Điện Khẩn Về Phòng, Chống Dịch Bệnh Tai Xanh Ở Lợn

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa có công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở lợn.

22/02/2013
Trồng Ấu Đạt Hiệu Quả Cao Trồng Ấu Đạt Hiệu Quả Cao

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân sống dọc theo quốc lộ 80 thuộc 2 huyện Lai Vung và Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp chuyên làm nghề trồng ấu. Hiệu quả sau một vụ trồng thường cao gấp 2, 3 lần so với vụ lúa Hè thu của năm đó. Anh Bùi Văn Thương ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò là một trong những người trồng ấu lâu năm và luôn đạt hiệu quả cao nhất vùng.

17/06/2013
Một Kinh Nghiệm Thoát Nghèo Bền Vững Một Kinh Nghiệm Thoát Nghèo Bền Vững

Hiện, Mỏ Cày Nam (Bến Tre) đang có nhiều mô hình thoát nghèo, trong đó anh Nguyễn Văn Út đã thoát nghèo bền vững nhờ tích lũy nhiều kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi.

18/06/2013