Nông Dân Vượt Khó Làm Giàu
Cùng với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cấp hội nông dân trong tỉnh còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ, thúc đẩy hội viên, nông dân cải thiện cuộc sống. Qua đó, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa hội viên với tổ chức hội; đồng thời, củng cố vững chắc hơn vị thế của Hội trong sự phát triển KT - XH của địa phương.
Đến thăm mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi của gia đình chị Nguyễn Kim Thắng, đội 11, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên), chúng tôi ấn tượng bởi cách làm của người nông dân “chính hiệu” này. Đó là hệ thống trang trại chăn nuôi lợn khép kín, sử dụng 4 lao động thường xuyên với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng.
Với phương pháp chăn nuôi gối vụ, mỗi năm chị Thắng xuất bán 3 - 4 lứa lợn thịt, trung bình mỗi lứa xuất trên 100 con, thu lợi hơn 150 triệu đồng/năm. Điều chị Thắng trăn trở đó là chăn nuôi với số lượng lớn, lượng phân thải ra môi trường xung quanh, hệ thống chuồng trại dù có tốt đến mấy cũng không thể xử lý được mùi và ô nhiễm môi trường.
Xác định chăn nuôi bền vững, gần 4 năm về trước, gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn qua kênh của Hội nông dân mở rộng quy mô chăn nuôi và lắp đặt 3 hầm khí biogas để xử lý các chất thải.
Không những vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực chăn nuôi được giải quyết, chị Thắng còn tận dụng khí biogas nấu rượu giải quyết thêm việc làm cho 2 lao động địa phương. Hàng năm, có lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm do các cấp hội nông dân tổ chức, chị Thắng đều đăng ký cho người lao động tham gia học để nâng cao kiến thức phòng, trị bệnh.
Với cách làm này, mô hình kinh tế trang trại của chị Thắng trở thành điển hình không chỉ của huyện Điện Biên mà còn của tỉnh trong tạo việc làm cho người lao động, phát triển ngành nghề nông thôn.
Những năm qua, hàng nghìn lượt hội viên nông dân đã được tạo điều kiện để tiếp cận vốn, KHKT... từng bước vượt khó, làm giàu.
Nếu như chị Nguyễn Kim Thắng chọn mô hình phát triển trang trại chăn nuôi để làm giàu thì anh Lò Văn Thành, đội 15b, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) lại chọn phát triển kinh tế theo mô hình VACR. Quyết tâm làm giàu trên chính đồng đất quê hương, cùng với sự quan tâm của các cấp tổ chức hội nông dân trong tỉnh từ việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT… anh Thành đã vươn lên thoát đói vượt nghèo và làm giàu dù khởi đầu đầy gian khó.
Niềm khích lệ, động viên lớn với anh Thành cũng là niềm vui chung của hội viên nông dân xã Thanh Luông, của huyện Điện Biên khi vừa qua anh Thành được Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh lựa chọn để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xét tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2014. Ngày đầu tháng 10, chúng tôi may mắn gặp anh trước khi anh lên đường về Thủ đô Hà Nội nhận danh hiệu cao quý mà Trung ương hội trao tặng. Kiệm lời khi được hỏi về những danh hiệu thi đua, Bằng khen, Giấy khen mà các cấp trong tỉnh trao tặng, anh Thành lại sôi nổi, nhiệt tình khi nói về kinh nghiệm lựa chọn cây, con giống đưa vào sản xuất.
Anh Thành cho biết: “Ngoài nhận khoanh nuôi 45ha rừng, gia đình còn nuôi 12 con bò, 32 con trâu sinh sản; hơn 3,5ha ao ương nuôi cá giống và cá thương phẩm; gần 1.000 con vịt đẻ trứng và vịt thịt. Căn cứ nhu cầu thực tế của bà con trong bản, mình đầu tư máy xay xát, máy phay đất, máy tuốt lúa vừa để phục vụ gia đình và làm dịch vụ”.
Để vận hành công việc thuận tiện, ngoài thuê 4 lao động làm ổn định thường xuyên, anh Thành còn thuê 6 lao động làm việc thời vụ, với mức lương trung bình 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, gia đình anh có lãi trên 300 triệu đồng/năm.
Ông Vũ Văn Đại, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết: Nhằm tập hợp hội viên nông dân phát triển kinh tế, Hội đã tổ chức thực hiện có hiệu quả 3 phong trào, 5 chương trình công tác hội và 12 tiêu chí thi đua duy trì và xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình trong sản xuất kinh doanh.
Tích cực phối hợp với các ngành tạo điều kiện hỗ trợ nông dân vốn, vật tư, kỹ thuật để đẩy mạnh sản xuất, góp phần thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp hội đặc biệt chú trọng.
Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; thâm canh tăng vụ, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, góp phần nâng cao sản lượng sản phẩm nông nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho hơn 10.000 hội viên nông dân; phối hợp tổ chức dạy nghề ngắn hạn về trồng trọt, chăn nuôi, thú y… cho 655 hội viên. Vấn đề tạo nguồn vốn để hội viên đầu tư phát triển sản xuất luôn được các cấp hội quan tâm.
Ngoài triển khai giải ngân dự án vay vốn giải quyết việc làm; hướng dẫn hội viên thực hiện các dự án theo nguồn vốn phân bổ của Trung ương hội, Hội ký kết ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tạo vốn vay cho 22.709 lượt hộ với tổng dư nợ 476,7 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện Nghị định số 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo vốn vay cho 5.881 lượt hộ, với tổng số tiền hơn 522,8 tỷ đồng… Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả của các cấp hội trong tỉnh đã thu hút 74.744 hội viên tham gia; trong đó, có trên 20.000 hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi”.
Có thể bạn quan tâm
Nước tưới có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng của cây cà phê cũng như sự thành bại của người trồng cà phê sau một năm vất vả chăm sóc, bảo vệ. Nhưng hiện vai trò trọng yếu này đang bị đe dọa khi nước tưới phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, hiện nay là thời điểm sâu bệnh gây hại trên cây điều phát triển mạnh. Các loại sâu hại phổ biến là: Sâu đục thân, cành, bọ xít muỗi, bệnh thán thư... gây hại ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Chỉ tính từ ngày 22 đến ngày 28-10, diện tích bị bọ xít muỗi gây hại trên cây điều trong tỉnh là 108 ha, trong đó mức độ nhẹ 98 ha, trung bình 10 ha (tăng 9 ha so với kỳ trước). Do vậy, nông dân cần chú ý bọ đục chồi trong thời gian tới.
Mía và sắn là 2 loại cây trồng chủ lực của huyện Ðồng Xuân (Phú Yên). Ngành Nông nghiệp của huyện đang tiến hành đưa các bộ giống mới vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Ðặc biệt là cây sắn, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai mô hình canh tác cây trồng bền vững, giúp người dân ổn định sản xuất.
Với nhiều nông dân không có đất sản xuất, cuộc sống sẽ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những nông dân như những chú ong miệt mài tìm mật bằng cách thuê vườn cao su non chưa khép tán để trồng hoa màu.
Trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với cây lúa, cây ngô phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, việc chọn các giống ngắn ngày "né" được lụt, chống chịu hạn tốt sẽ giảm thiểu đáng kể sự thiệt hại và được coi là những yếu tố tiên quyết để có một vụ mùa thắng lợi.