Mừng Nhưng Chưa Hết Lo

“Ngô năm nay được mùa, khi thu hoạch gia đình tôi phấn khởi lắm. Nhưng khi bán, giá ngô hạt xuống thấp, trừ chi phí đầu tư, lãi thu về chẳng đáng là bao, có hộ trong bản chỉ hòa vốn” - Đó là tâm sự của bà Nguyễn Thị Mền, bản Pú Ngam, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên khi chúng tôi hỏi về vụ ngô xuân hè 2014. Dường như nghịch lý “được mùa mất giá” tái diễn trong nhiều năm qua đặt người nông dân vào cảnh vừa làm vừa lo!
Vụ xuân hè này, xã Núa Ngam trồng gần 700ha ngô. Người dân chủ yếu gieo trồng giống nhập ngoại NK, giá giống cao hơn so với các giống ngô khác từ 40.000 – 70.000 đồng/kg nhưng năng suất cao. Cùng với thời tiết thuận hòa nên thuận lợi cho cây ngô phát triển, ít dịch hại. Vì vậy, năng suất ngô bình quân toàn xã đạt gần 50tạ/ha, sản lượng hơn 3.000 tấn (tăng khoảng 50 tấn so với vụ xuân hè trước).
Tuy nhiên, niềm vui “trúng mùa” chưa được trọn khi giá ngô giảm, khiến người nông dân “thấp thỏm” không yên. Bởi hầu hết người trồng ngô ở Núa Ngam đều trồng theo hình thức “ăn trước trả sau”, nghĩa là ứng trước vật tư phân bón của tư thương đến khi thu hoạch, bán ngô thì trả nợ. Vì thế nên ngô dù không được giá nhưng nhiều người vẫn phải bán. Hơn nữa, ngô để lâu, bảo quản không tốt dễ bị mọt, mốc, ảnh hưởng đến chất lượng.
Giá ngô năm nay giảm từ 500 – 1.000 đồng/kg so với vụ trước. Hiện ngô bắp tươi có giá bán bình quân từ 2.500 – 3.000 đồng/kg, ngô hạt tươi từ 3.700 – 4.000 đồng/kg, còn giá ngô hạt khô dao động từ 5.000 – 6.000 đồng/kg. Ngô rớt giá, nhưng ngược lại chi phí vật tư nông nghiệp lại tăng.
Theo tính toán, trung bình chi phí cho 1.000m2 trồng ngô người dân phải đầu tư hơn 200.000 đồng tiền giống, trên 1 triệu đồng tiền phân bón, 500.000 đồng tiền công làm đất, công thu hoạch dao động từ 600.000 – 900.000 đồng… Như vậy, tổng chi phí đầu tư ban đầu từ 2,5 – 3 triệu đồng. Hầu hết những hộ sau khi bán ngô trừ chi phí chỉ hòa vốn là gia đình không có điều kiện trực tiếp sản xuất, phải thuê lao động trồng, chăm sóc.
Ông Nguyễn Văn Đóa, Chủ tịch UBND xã Núa Ngam cho biết: Để duy trì đầu ra ổn định cho sản phẩm ngô nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung, xã Núa Ngam sẽ phối hợp với một số doanh nghiệp khác xây dựng nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi. Như vậy sẽ tránh được tình trạng nông dân bị ép giá, vừa đáp ứng được nhu cầu sử dụng thức ăn cho người chăn nuôi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không riêng ở xã Núa Ngam mà tình trạng ngô “được mùa mất giá” diễn ra ở nhiều xã khác trên địa bàn huyện Điện Biên. Ông Đỗ Văn Mười, thôn 10, Yên Cang, xã Sam Mứn cho biết: Vụ xuân hè vừa qua, gia đình tôi trồng 2.000m2 ngô, thu hoạch 1,4 tấn hạt tươi. Ngoài chi phí mua giống, vật tư, tự bỏ công chăm sóc, thu hoạch, nhưng khi bán, trừ chi phí lợi nhuận thu về rất thấp, coi như “lấy công làm lãi”.
Những năm gần đây, ngô là một trong những nguyên liệu chủ yếu sử dụng sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nguồn cung trong nước không đủ khiến nhiều doanh nghiệp miền xuôi chuyển sang nhập khẩu ngô để đảm bảo hoạt động. Hơn nữa ngô nhập khẩu chất lượng tốt và giá thành rẻ hơn ngô trong nước. Vì vậy, nhiều thương lái không còn “mặn mà” với việc thu mua ngô ở vùng cao vận chuyển về miền xuôi tiêu thụ như nhiều năm trước.
Cùng với đó là giá cước vận chuyển ngày càng tăng do công tác quản lý xe chở quá tải được siết chặt hơn, thương lái phải hạ giá thu mua ngô để bù vào giá cước. Nếu như trước đây, giá cước vận chuyển trên tuyến đường dài khoảng 500km cho 1 tấn hàng hóa dao động từ 500.000 – 700.000 đồng, thì nay lên tới 1,2 – 1,3 triệu đồng.
Vụ xuân hè 2014, huyện Điện Biên trồng gần 4.000ha ngô, tổng sản lượng khoảng 19.000 tấn. Diện tích tập trung chủ yếu ở các xã: Núa Ngam, Na Tông, Mường Nhà, Nà Tấu, Sam Mứn… Để người dân yên tâm phát triển sản xuất ngô theo hướng hàng hóa, thiết nghĩ, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần có những giải pháp về thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho cây ngô nói riêng và nông sản nói chung.
Có thể bạn quan tâm

Chạch Lấu là loài cá nước ngọt có thân mầu xanh đậm hoặc đen xám, trên thân có nhiều đốm vàng hình tròn hoặc bầu dục... Ở nước ta, loại cá này có nhiều tên gọi khác nhau: chạch lấu, chạch bông (Nam Bộ); chạch chấu, chạch làn (Trung Bộ và Bắc Bộ). Trước đây, giống cá chạch lấu chủ yếu đánh bắt ngoài thiên nhiên.

Thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất theo hướng "chung sống với lũ" trong giai đoạn 2011 - 2015, Tiền Giang triển khai Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất theo mô hình lúa + cá tại xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè nằm đầu nguồn sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang có tổng nguồn vốn khoảng 25 tỉ đồng trên qui mô 100 ha.

Xuất thân từ một gia đình không mấy khá giả, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê, nhưng với sự nỗ lực vươn lên, Huỳnh Ngọc Yến (sinh năm 1988, ngụ ấp An Hòa, xã An Hòa, Châu Thành) đã trở thành gương thanh niên làm kinh tế giỏi, với thu nhập ổn định từ nghề nuôi chim cút.

Đây là mô hình thuộc dự án Khuyến nông trung ương “Chăn nuôi gà sinh sản an toàn sinh học trong nông hộ”. Theo đánh giá của cán bộ khuyến nông và bà con nông dân, mô hình này cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Cây gừng tại xã Đồng Chum được triển khai trồng thuộc tiểu hợp phần hỗ trợ sản xuất - kinh doanh của dự án giảm nghèo huyện Đà Bắc. Năm 2014 là năm đầu tiên cây gừng được trồng thí điểm tại xã Đồng Chum với tổng diện tích thực hiện 41,5 ha (đạt 100% kế hoạch). 264 hộ gia đình tham gia dự án chia thành 11 nhóm với tổng mức đầu tư 3,3 tỷ đồng; trong đó, dự án giảm nghèo hỗ trợ 1,9 tỷ đồng, người dân đóng góp 1,4 tỷ đồng.