Chật Chội Dịch Vụ Hậu Cần Trên Biển
Những năm gần đây, số lượng tàu thuyền làm nghề khai thác ở vùng biển xa bờ của Bình Thuận đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, dịch vụ hậu cần trên biển cho ngư dân (tiếp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, thu mua hải sản) vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế. Điều này ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của những chuyến đánh bắt cũng như ngành thủy sản của địa phương.
Theo ước tính, bình quân mỗi năm sản lượng khai thác hải sản của Bình Thuận đạt khoảng 170.000 – 175.000 tấn các loại. Để nâng cao hiệu quả khai thác, những năm qua ngư dân Bình Thuận ngày càng chú trọng đến việc đầu tư đóng mới tàu thuyền công suất lớn vươn khơi bám biển.
Các tàu thuyền làm nghề dịch vụ hậu cần trên biển cho ngư dân cũng phát triển theo. Ngoài việc tiếp nhiên liệu, hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho ngư dân ngay ở ngư trường, đội tàu làm dịch vụ hậu cần còn thực hiện thu mua hải sản của các tàu thuyền khai thác khác.
Anh Đỗ Văn Thanh – chủ vựa cá Bích Thanh (chợ cá Cồn Chà - Cảng cá Phan Thiết) cho biết, trước đây để phục vụ cho việc đánh bắt cá, anh Thanh đã đầu tư đóng mới nhiều tàu thuyền công suất lớn, khai thác ở tuyến khơi và luôn tìm kiếm, mở rộng các ngư trường đánh bắt. Ở vùng khơi xa, tàu thuyền có thể đánh bắt được các loại hải sản lớn có giá trị kinh tế hơn so với gần bờ, lợi nhuận sau những chuyến biển ấy cũng khá cao.
Tuy nhiên, khi khai thác xa bờ anh nhận thấy, ở vùng khơi xa, dịch vụ hậu cần trên biển còn nhiều hạn chế, vì vậy năm 2009 anh đã chuyển 3 tàu sang làm dịch vụ thu mua hải sản của ngư dân. Mỗi năm 3 chiếc tàu này thu mua khoảng 2.000 tấn hải sản các loại của tàu thuyền khai thác trên biển.
Theo ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận: “Hơn 5 năm trở lại đây, đội tàu làm dịch vụ hậu cần trên biển của Bình Thuận đã phát triển khá nhanh. Hiện toàn tỉnh có khoảng 150 tàu thuyền đăng ký làm nghề dịch vụ hậu cần trên biển, trong đó nhiều nhất là Phú Quý với khoảng 100 chiếc.
Về cơ bản, hoạt động của các đội tàu hậu cần khá hiệu quả, giúp cho những chuyến biển của ngư dân có thể kéo dài thêm thời gian. Song, trên thực tế, dịch vụ hậu cần của Bình Thuận chưa đáp ứng được kỳ vọng của ngư dân.
Trong số 150 tàu thuyền đăng ký làm nghề dịch vụ hậu cần thì chỉ một số ít (5 chiếc) là thu mua tất cả các loại hải sản, còn lại chỉ thu mua chuyên về một loại mặt hàng nào đó”. Điều này đã ảnh hưởng đến việc vươn khơi bám biển của ngư dân, bởi những chuyến đánh bắt ngoài khơi xa thường phải kéo dài nhiều ngày, có chuyến kéo dài cả tháng hoặc lâu hơn.
Ông Nguyễn Thanh Bình - một ngư dân ở phường Bình Tân - thị xã La Gi cho biết: Chi phí cho một chuyến biển có khi phải mất hàng trăm triệu đồng, chủ yếu là phí tổn nhiên liệu. Nếu tàu ra vào nhiều lần thì vừa tốn thêm tiền dầu vừa tốn thời gian. Hơn nữa, do ngư dân vẫn chưa tiếp cận được với công nghệ bảo quản hải sản mới nên khi tàu vào bờ, giá trị hàng hóa giảm đi một phần.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân như: hỗ trợ nhiên liệu, bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu, máy thông tin liên lạc.
Đối với phát triển dịch vụ hậu cần trên biển, thời gian qua Chi cục Thủy sản đã tích cực tìm kiếm đối tác, cá nhân, đơn vị nhằm mở rộng hoạt động dịch vụ này. Đồng thời tuyên truyền, vận động các tàu thuyền thành lập các tổ đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong khai thác, thu mua, tiếp nhiên liệu. Ông Huỳnh Quang Huy cho biết thêm, việc làm này đã được Chi cục Thủy sản tiến hành trong nhiều năm nay và thu được hiệu quả khá tốt.
Cùng với đó, với việc Nghị định 67 ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực, hứa hẹn ngành thủy sản các địa phương, trong đó có đội tàu làm dịch vụ hầu cần sẽ được tạo đà phát triển nhanh hơn.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi vịt đẻ giống an toàn sinh học (ATSH) và an ninh sinh học tại lò ấp, đã giúp chị Đoàn Thị Ngọc Bích ở Phường Tân Lộc, Quận Thốt nốt, thành phố Cần Thơ thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Công ty cổ phần đường Biên Hòa đang xây dựng dự án cánh đồng lớn với cây mía tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Mục tiêu nhằm xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng trồng mía tập trung, ứng dụng cơ giới hóa để tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất cho cây mía.
Huyện Phong Điền, TP Cần Thơ từ lâu đã nổi tiếng với nhiều loại cây trái đặc sản như: dâu, vú sữa, cam, quýt, sầu riêng… nay lại có thêm hồ tiêu, một loài dây leo tuy trồng xen canh với cây ăn trái nhưng hiệu quả kinh tế khá cao, giúp bà con nông dân tăng thu nhập đáng kể.
Qua những nỗ lực của ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương, nhà vườn; năm 2013, bệnh chổi rồng được khống chế, tuy nhiên từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh chổi rồng có xu hướng nhiễm trở lại, ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) hiện có trên 2.300 ha nhãn thì đã có 440 ha bị nhiễm bệnh làm bà con cũng rất lo lắng.
Thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có trên 3.800 ha vườn cây có múi bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh (Greening), tăng khoảng 470 ha so với cách nay 10 ngày, tỷ lệ ảnh hưởng từ 30 - 70%. Bệnh chủ yếu xuất hiện trên cây cam sành ở thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành.