Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Làm Giàu Từ Vườn Ươm

Nông Dân Làm Giàu Từ Vườn Ươm
Ngày đăng: 26/09/2013

Những ngày này, đi dọc các con đường ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn - Quảng Ngãi), ta như bị hút mắt vào màu xanh mênh mông. Trên nền xanh mượt ấy, hàng trăm người đang nâng niu, quý trọng từng mầm cây.

* Người đi tiên phong

Ở xã Bình Hiệp, ông Phạm Xuân Ba (54 tuổi) ở thôn Xuân Yên được biết đến là người đi tiên phong trong phong trào ươm keo và nhân giống keo lai mô.

Những ngày mưa tháng 9 là thời điểm vào mùa trồng keo tốt nhất. Vườn ươm rộng hơn 1ha của gia đình ông Ba hợp tác cùng 3 gia đình khác tất bật với gần chục lao động đang làm việc. Ai cũng cặm cụi với công việc của mình. Cảnh xe cộ ra vào hoà lẫn với tiếng người mua bán càng làm cho không khí thêm phần nhộn nhịp.

Từng là công nhân lâm trường ở Bình Sơn, rồi làm công nhân công ty cao su, năm 2000, khi phong trào trồng rừng bắt đầu rầm rộ, sẵn kinh nghiệm được trau dồi trong những năm tháng làm công nhân, ông Ba quyết định lập vườm ươm trên đất vườn nhà bán cho nhân dân quanh vùng.

Mỗi năm ông Ba không chỉ thu về vài chục triệu đồng từ vườn ươm mà còn giải quyết lao động thường xuyên cho bà con nông dân trong thôn. Thấy vườm ươm của ông làm ăn hiệu quả, nhiều gia đình trong xã cũng làm theo. Cây keo đã mang lại nguồn thu đáng kể cho những hộ dân nơi đây và Bình Hiệp trở thành nơi cung cấp giống keo cho khắp các địa phương trong tỉnh.

Từ thực tế hơn 12 năm gắn bó với việc ươm keo lai và trồng rừng, ông Ba thấy cây keo ươm theo phương pháp giâm hom có một số nhược điểm như, chỉ có rễ chùm nên dễ đổ ngã, thân giòn, dễ gãy.

Vốn là người ham học hỏi, chịu khó tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thông qua truyền hình, internet, ông Ba biết đến giống keo lai mô với ưu thế phát triển khỏe, năng suất vượt trội.

Không một chút ngần ngại, đầu năm 2013, ông Ba khăn gói vào tận Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp Miền Nam đưa về 20.000 cây giống keo lai BV 16 bằng phương pháp nuôi cấy mô, về trồng trên diện tích 6.500 m2 và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật hướng dẫn của Viện.

Sau 3 tháng nhân giống, ông Ba đã xuất bán được lứa đầu tiên 150.000 cây keo giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Thấy hiệu quả, ông Hoa quyết định hợp tác cùng 3 hộ dân có đất để mở rộng vườn ươm lên hơn 1ha lấy tên là Vườn ươm Bình Hiệp.

Chỉ sau 6 tháng nhân giống đầu dòng, Vườn ươm Bình Hiệ” đã xuất bán1,5 triệu cây giống bằng phương pháp cấy mô, thu về gần 800 triệu đồng. Không chỉ mở rộng diện tích, ông Ba còn bỏ ra hơn 80 triệu đồng để đầu tư hệ thống phun sương tự động. Từ khi có hệ thống phun sương, vườn ươm không chỉ tiết kiệm được lượng nước đáng kể mà cây giống còn ra đều và nhanh phát triển nhờ được cung ứng đủ và đều nước.

So sánh với với keo lai truyền thống, ông Ba cho biết: “Trên cùng chân đất và chăm sóc như nhau, cây keo mô đã cho thấy ưu điểm vượt trội. Thân cây lên thẳng, ít phân cành, có rễ cọc chắc chắn”.

Hiện nay cây keo giống cấy mô có giá từ 600 đồng/cây. Tuy nhiên, mật độ trồng chỉ 1.600 cây/ha, với keo giâm hom là 2.200 cây/ha. Như thế, trên cùng một diện tích, chi phí phải đầu tư thêm cho mua cây giống cấy mô là 300 nghìn đồng/ha, nhưng rút ngắn được thời gian khai thác đến 2 năm.

*Người người ươm keo, nhà nhà ươm keo

Những năm gần đây, số lượng vườn ươm ở Bình Hiệp ngày càng tăng nhanh, nhà nhà, người người đầu tư vườm ươm keo. Các hộ dân đã tận dụng tối đa diện tích đất vườn, đồi để ươm keo giống, thu lợi nhuận cao. Ươm cây keo giống không những giúp bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách có hiệu quả, mà còn nâng cao được thu nhập cho hộ gia đình.

Công việc diễn ra tất bật cả mùa nắng lẫn mùa mưa. Cứ vào tháng 3 hằng năm, các vườm ươm lại bắt đầu chọn đất, làm đất, trộn phân, đóng bầu, giâm hom… Đến tháng 6, người dân bắt đầu có giống để bán. Vì thế, người lao động có việc làm quanh năm. Hiện, các vườn ươm giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, đặc biệt là chị em phụ nữ với mức thu nhập 3- 3,6 triệu đồng/người/tháng.

Từ 200m2 đất ban đầu, đến nay vườn ươm của chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Liên Trì đã mở rộng ra hơn 2.000m2. Đến với nghề này muộn hơn, nhưng nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước nên chẳng mấy chốc chị đã nắm được những bí quyết, cách làm hay về thử nghiệm tại vườn ươm của mình. Nhờ đó, chị Dung đã nhanh chóng trở thành một trong những người ươm giống nổi tiếng ở địa phương.

Chỉ tay về đám keo cấy mô đang thời kỳ tươi tốt, chị Dung phấn khởi nói: “Thấy phong trào trồng rừng phát triển mạnh, trong khi nguồn giống quá ít. Chính vì thế, gia đình tôi đã quyết định ươm thử với số lượng ít. Trong mùa đầu thu hoạch, sau khi trừ chi phí và công chăm sóc, so với cây lúa, ươm keo giống mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp bốn lần.

Mỗi năm, vườm ươm của chị xuất bán từ 700.000 - 800.000 đ/cây keo giống, trừ chi phí chị Dung thu về hơn 150 triệu đồng. Theo chị Dung, tuy nghề này vốn đầu tư ít và ít rủi ro nhưng phải cẩn thận, tỉ mỉ. Từ khâu chọn đất, làm đất, đóng bầu, giâm hom hoặc giâm cành, che chắn vườn ươm... đều phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật thì cây mới sinh trưởng và phát triển tốt.

Hiện nay, keo cấy mô được nhiều người biết đến và ưa chuộng nên nhiều chủ vườm ươm đang đẩy mạnh nhân giống để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các vườn ươm này không chỉ phục vụ nhu cầu trồng rừng của người dân trong tỉnh mà còn đáp ứng thị trường các tỉnh lân cận như: Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Huế…

Ngoài vườn ươm của ông Ba, chị Dung, hiện nay trên địa bàn xã Bình Hiệp còn vài trăm vườn ươm lớn, nhỏ của các gia đình, cung ứng mỗi năm vài chục triệu cây keo giống cho thị trường.

Không chỉ có phụ nữ gắn bó với nghề, mà còn cả thanh niên, thanh nữ. Số lượng người theo nghề này ngày một nhiều. Nhiều người xem đây là nghề chính của mình. Họ đến với nghề không chỉ với khát vọng vươn lên làm giàu mà còn mang đến niềm vui sống mỗi ngày khi nhìn thấy những hạt giống nảy mầm, cành non đâm chồi và phát triển. Những mầm xanh ấy không chỉ góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, mà còn mang lại sự bình yên, no ấm và hạnh phúc cho nhiều gia đình.


Có thể bạn quan tâm

Để Cá Tra Vượt Qua Rào Cản Phi Thuế Quan? Để Cá Tra Vượt Qua Rào Cản Phi Thuế Quan?

Rào cản phi thuế quan, nhìn ở góc độ tích cực là điều kiện cần thiết các quốc gia nhập khẩu buộc các nước xuất khẩu phải cung ứng sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

10/06/2014
Nghị Định 36 Cần Có Lộ Trình Và Thông Tư Hướng Dẫn Nghị Định 36 Cần Có Lộ Trình Và Thông Tư Hướng Dẫn

Nghị định số 36/2014/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định) về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra vừa được Chính phủ ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 20/6/2014 nhằm quản lý và phát triển ổn định ngành cá tra Việt Nam trên toàn chuỗi sản xuất.

10/06/2014
Liên Kết Nuôi Ong Bền Vững Cho Doanh Nghiệp, Ổn Định Cho Nông Dân Liên Kết Nuôi Ong Bền Vững Cho Doanh Nghiệp, Ổn Định Cho Nông Dân

Mặc dù đã có 300 đàn ong nuôi ổn định tại Đăk Nông, nhưng ông Cừ vẫn quyết định xuống Bình Phước nuôi thêm 300 thùng ong mật vì đầu ra cho mật ong luôn sẵn có. Ông Cừ cho biết, vụ ong này có thể sẽ mang lại thu nhập hàng chục triệu/tháng cho gia đình ông.

10/06/2014
Mô Hình Tiết Kiệm Nước Tưới Mô Hình Tiết Kiệm Nước Tưới

Chính quyền và nhân dân xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) đang tập trung nỗ lực chống hạn bảo đảm sản xuất, ổn định đời sống. Nông dân địa phương “chắt chiu” nguồn nước hồ Ông Kinh, hệ thống nước ngầm được tưới tiết kiệm phục vụ hiệu quả canh tác nông nghiệp và chăn nuôi gia súc.

10/06/2014
Gia Lai Xuất Hiện Bệnh Trắng Lá Mía Gia Lai Xuất Hiện Bệnh Trắng Lá Mía

Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Gia Lai, thời gian qua vùng nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai tại các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa đã xuất hiện bệnh trắng lá mía gây hại với diện tích bị nhiễm bệnh trên 500 ha. Tập trung nhiều nhất là 2 huyện Phú Thiện và Ia Pa.

10/06/2014