Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sáng Tạo Của Nông Dân Một Kiểu Tưới Gốc Tiết Kiệm, Hiệu Quả

Sáng Tạo Của Nông Dân Một Kiểu Tưới Gốc Tiết Kiệm, Hiệu Quả
Ngày đăng: 15/01/2015

“Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) là huyện có lượng mưa rất ít, chỉ rộ 2 - 3 tháng một năm, độ ẩm trong không khí lại thấp, nước tưới cho thanh long chủ yếu từ nguồn nước ngầm, nên năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hạn hán là nông dân chúng tôi lại đau đầu vì thiếu nước, mà cây trồng thiếu nước một mùa thì ba mùa vực chưa lại.

Chính vì vậy, vấn đề tiết kiệm sao cho đủ nước tưới cả năm đối với chúng tôi vô cùng quan trọng”- ông Bùi Ngọc Thành, khu phố Lập Bình, thị trấn Thuận Nam, nói.
Chúng tôi có mặt tại vườn thanh long của ông Thành vào một ngày nắng nóng, khô hạn cuối năm. Ông Thành vừa cầm “rơ mốt” điều khiển hệ thống tưới gốc tiết kiệm của mình vừa nói thêm: “Từ ngày thiết kế hệ thống này, năng suất thanh long trong vườn tăng rõ rệt, những pha chong điện trước đây chỉ đạt 7 tấn nay đã lên 8 tấn/ ha”.
Ông chỉ cho chúng tôi những ống nước được nối thành hình vuông dưới mỗi gốc thanh long và nói thêm: “Thấy đơn giản vậy nhưng phải mất gần 3 năm tôi mới hoàn thiện được nó. Giờ thì một công có thể tưới được 3.000 trụ, giảm hao 20% lượng nước mà vẫn bảo đảm đủ nước, đủ phân, không sợ bị nghẹt bét phun nước bởi rong rêu, vôi phèn. Có thể nói là siêu tiết kiệm!”.
Khi được hỏi về việc cập nhật những công nghệ tưới hiện đại như thế nào, ông Thành tâm sự: “Hệ thống nào mới ra chúng tôi cũng tìm hiểu, từ tưới nhỏ giọt đến tưới phun mưa, nhưng ngặt nỗi, tất cả đều giá cao vì phần lớn là hàng nhập từ Nhật, Mỹ, Hà Lan… đầu tư trọn một hệ thống tưới như thế mấy người đủ tiền? Chưa kể lệ thuộc vào mấy ông kỹ thuật công nghệ, mỗi lần hỏng hóc, gọi họ, đâu phải lúc nào họ cũng tới ngay.
Trong khi với hệ thống tưới tiết kiệm này, vật liệu dễ tìm, các ống chính đều bằng nhựa bán đầy ngoài thị trường; việc thiết kế các ống chính, ống nhánh đơn giản, quản lý theo lô dễ dàng, khắc phục bọt khí, rong rêu, van xả đơn giản, chỉ cần vài động tác, ai cũng làm được.
Chỉ cần dùng hệ thống này kết hợp với tưới phun mưa là đáp ứng một cách đầy đủ lượng phân nước cho toàn bộ rễ quanh trụ thanh long. Từ trận hạn kinh khủng cách đây 3 năm, mỗi lần nhìn các hồ nước chứa cạn khô, quan sát lại tán thanh long dày đặc như một chiếc lộng héo rũ, là tôi mất ăn mất ngủ, trăn trở mãi.
Tôi suy nghĩ: “Phun nước từ dưới lên, tại sao không?!”. Cho đến một hôm đang tưới thì một ống nước bị rách, nước phun ra một vòi dựng đứng rồi tỏa đều ra xung quanh. Nhìn vũng nước đẫm ướt hình tròn ấy, đầu óc tôi chợt sáng lên. Tôi đi mua ống nước, các loại co, lưỡi cưa nhỏ, keo dán và thiết kế trực tiếp các ống tưới tại một gốc thanh long ngay hôm đó.
Rồi cứ sửa chữa, hoàn thiện miết cho đến tận năm nay, từ hệ thống nguồn đến đường ống chính, ống nhánh, cũng như tạo ra những khuôn tưới hình vuông (mỗi cạnh 60cm) bọc quanh từng trụ thanh long, để từ đó 8 hay 12 tia nước (trong ống nhựa) liên tục phun ra, làm cho từng trụ thanh long luôn ẩm, qua đó giảm được công lao động nếu phải tưới thủ công bằng cách kéo ống đi từng gốc.
So với hệ thống 14 vòi nhỏ giọt của hệ thống tưới ngoại nhập đắt tiền thì hệ thống tưới từ gốc lên của tôi phù hợp với túi tiền của người nghèo. So với cách tưới truyền thống thì có thể nói vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả hơn về mọi mặt. Cái hay của hệ thống tưới tiết kiệm này còn là việc thay đổi tia nước phun tùy theo độ tuổi của thanh long, tùy theo độ thấm hút của đất mà không phải thay hệ thống khác”.
Ông Thành chỉ cho tôi hệ thống tưới nước, bắt đầu từ hồ chứa, van xả, đồng hồ, hệ thống nhận điều khiển từ xa… tất cả được chăm chút rất sạch sẽ. Ông vừa cười vừa nói: “Tôi rất vui được chia sẻ kinh nghiệm và hệ thống tưới siêu tiết kiệm mà rất hiệu quả của mình. Đã có người đến hỏi, tôi hướng dẫn từng ly từng tí cho họ làm. Tinh thần nông dân là vậy mà, tôi luôn hy vọng cách làm này sẽ được nhân rộng”.
Chia tay ông Bùi Ngọc Thành, người viết bài này thật sự mừng vì bà con nông dân mình bây giờ thật chịu khó và sáng tạo! Những nông dân trồng thanh long muốn biết hệ thống tưới này một cách rõ hơn xin theo địa chỉ ghi trong bài để đến nơi tìm hiểu.


Có thể bạn quan tâm

Huyện Năm Căn (Cà Mau) Tặng Con Giống Cho Nông Dân Huyện Năm Căn (Cà Mau) Tặng Con Giống Cho Nông Dân

Đây là mô hình nuôi cá trong ao đất lần đầu tiên được triển khai áp dụng thực hiện thí điểm, nhằm từng bước đa dạng hóa cây trồng vật nuôi và phát triển các mô hình nuôi các loài thủy sản mới phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.

21/08/2014
Khai Thác Mặt Nước Để Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản Khai Thác Mặt Nước Để Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô (Đắk Nông) thì trên địa bàn huyện hiện có khoảng 150-170 ha diện tích mặt nước đang được khoảng 600 hộ dân tận dụng để nuôi trồng thủy sản.

21/08/2014
Nỗ Lực Phát Triển Ngành Thủy Sản Nỗ Lực Phát Triển Ngành Thủy Sản

Nhằm bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần đưa ngành Thủy sản phát triển nhanh, các địa phương đang tập trung chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

21/08/2014
Ngao Chết Trên Diện Rộng Ở Tiền Hải (Thái Bình) Ngao Chết Trên Diện Rộng Ở Tiền Hải (Thái Bình)

Từ ngày 31/7 đến nay, tại 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải (Thái Bình) đã xảy ra hiện tượng ngao nuôi bị chết. Ngay sau khi nhận được thông tin từ phía địa phương, Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) và các đơn vị liên quan đã phối hợp đi kiểm tra tình hình thực tế tại các xã có diện tích nuôi ngao.

21/08/2014
Bến Tre Xây Dựng, Quảng Bá Thương Hiệu Cho Tôm Khô, Cá Khô Bến Tre Xây Dựng, Quảng Bá Thương Hiệu Cho Tôm Khô, Cá Khô

An Thủy (Ba Tri) và Bình Thắng (Bình Đại) được xem là 2 làng nghề thủy sản đặc trưng của Bến Tre. Hàng năm, một lượng lớn sản phẩm thủy sản được sản xuất và bán đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, nhưng giá trị kinh tế lại không cao. Một trong những nguyên nhân chính là hầu hết sản phẩm của làng nghề được bán đại trà, không có thương hiệu riêng.

21/08/2014