Quýt Hồng Lai Vung Rộn Rã Vào Xuân
Theo đánh giá của nhiều nhà vườn, mùa quýt hồng năm nay ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) sản lượng tăng hơn năm trước do điều kiện thời tiết thuận lợi. Giá quýt tuy đang ở mức thấp hơn năm trước nhưng có khả năng tăng lên từng ngày.
Hiện toàn huyện Lai Vung có hơn 2.000ha quýt hồng, quýt đường đang cho trái, nhiều nhất là ở các xã Long Hậu, Tân Phước và Tân Thành. Mặc dù, giá quýt hiện thấp hơn năm trước nhưng dự đoán từ nay đến Tết, giá còn tiếp tục tăng nên bà con nhà vườn rất phấn khởi.
Theo tính toán của các nhà vườn, vụ này quýt được mùa, dự tính năng suất quýt hồng đạt 10 - 12 tấn/công, quýt đường đạt 6 - 7 tấn/công, tăng khoảng 15% so với năm ngoái. Chính vì thế, để nâng cao giá trị đặc sản quýt hồng, bí quyết của nhiều nhà vườn là cho thu hoạch sản phẩm đúng dịp Tết. Hiện phần lớn chủ vườn biết cách xử lý quýt ra hoa đúng kỳ, kết hợp phân bón, thuốc, tưới nước phù hợp. Theo các chủ vườn, sau khi ra trái, nuôi trái cho đến khi thu hoạch là 9 - 10 tháng.
Ông Trịnh Công Đảo ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước, huyện Lai Vung chia sẻ: “Năm nay, hơn 6.000m2 quýt của gia đình tôi nằm trong hệ thống đê bao liên kết ngăn lũ chắc chắn nên không bị ảnh hưởng và hy vọng sẽ mang lại hiệu quả cao nhất. Hiện tại, giá quýt hồng dao động khoảng 19.000 - 20.000 đồng/kg, quýt đường 22.000 đồng/kg. Thời gian cận Tết, các thương lái đến tận vườn mua với giá bình quân khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg. Ước tính sản lượng quýt của gia đình tôi năm nay sẽ đạt mức gần 60 tấn”.
Vụ quýt Tết năm nay, ước lượng toàn huyện Lai Vung sẽ cung cấp cho thị trường các nơi trên 30.000 tấn quýt. Thị trường tiêu thụ quýt hồng Lai Vung rộng khắp cả ba miền: Bắc, Trung, Nam, nhiều nhất là ở các chợ vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... Bình quân 1ha quýt hồng, nông dân có thu nhập khoảng 150 triệu - 200 triệu đồng. Đây là nguồn thu khá hấp dẫn, giúp các nhà vườn cải thiện cuộc sống, đón Tết Nguyên đán với nhiều niềm vui.
Nhiều nhà vườn nhận định, để đạt được năng suất khả quan như vụ quýt Tết năm nay, ngay từ đầu vụ ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nhằm giúp cho người trồng quýt không gặp khó khăn trong canh tác.
Cụ thể như tỉa cành, loại bỏ bớt trái không cần thiết, sử dụng phân hữu cơ, giảm lượng phân vô cơ, trừ sâu bệnh trên cây quýt và các biện pháp quản lý lợi ích của quần thể thiên địch. Ngoài ra, áp dụng chương trình IPM giảm số lần phun xịt thuốc, bón phân cân đối. Bên cạnh đó, việc bồi thêm đất nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây cũng là yếu tố quan trọng giúp tăng năng suất. Qua đó, giúp trái quýt hồng khi thu hoạch được sạch, đẹp, bóng hơn, bán được giá cao.
Theo bà con nông dân trồng quýt, năm nay nhiều chủ vườn vẫn duy trì việc đưa cây quýt hồng vào chậu làm kiểng. Cách làm này được thị trường rất ưa chuộng và bán được giá.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 10 ngày trở lại đây, nhiều hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn hai huyện Cần Đước, Long An có số lượng tôm thẻ chết hàng loạt khiến hơn 30% diện tích nuôi tôm của hai huyện này tạm thời bị bỏ không, thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng.
Chế biến hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Hải Long (TP.Vũng Tàu)
Năm 2011 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái tại xã Quân Bình và Cẩm Giàng. Qua đánh giá cho thấy mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực.
Một loại chế phẩm vi sinh mới dùng để xử lý phế thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ đã được Viện Công nghệ môi trường (Viện KH - CN Việt Nam) đã nghiên cứu và sản xuất thành công
ĐBSCL đang u ám với mùa tôm năm 2012 bị dịch bệnh hoành hành gây thiệt hại lớn, PV Tiền Phong đi một vòng qua những nơi nuôi tôm nổi tiếng.