Nông Dân Kêu Khổ Vì Nước Hầm Cá
Trong 2 vụ sản xuất vừa qua, nhiều hộ dân trồng lúa ở khu vực ấp 3, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) rất bức xúc vì tình trạng lúa chết mà nguyên nhân nghi do Hợp tác xã (HTX) lấy nước thải từ hầm nuôi cá lóc bơm tưới cho người dân. Đặc biệt, trong vụ hè thu này, trên 80 hộ dân ở khu vực ấp 3 tiếp tục bức xúc vì trên 40ha lúa khoảng 15 ngày tuổi đang chết dần.
Vừa thu hoạch xong vụ đông xuân năng suất thấp, ông Phan Văn Đắc ở ấp 3, xã Thường Phước 1 phải tiếp tục kêu khổ vì khoảng 4 công lúa hè thu vừa xuống giống của ông đang chết dần, mặc dù đã 2 lần gieo sạ. Nguyên nhân lúa bị thiệt hại theo ông Đắc là do HTX lấy nước thải từ hầm nuôi cá lóc bơm tưới cho lúa. Theo thống kê của Ban Nông nghiệp xã Thường Phước 1, hiện khu vực này có khoảng 40ha lúa bị ảnh hưởng.
Trong đó, số thiệt hại cao nhất trên 60%, các diện tích khác thiệt hại khoảng từ 20 - 40%, lúa từ 10 - 15 ngày tuổi. Xác định tình trạng lúa chết do nguồn nước tưới ô nhiễm nên ngày 13/4/2014 vừa qua, trên 80 hộ dân ở đây đã làm tờ tường trình gửi đến UBND huyện và xã Thường Phước để yêu cầu có biện pháp giải quyết.
Trước tình trạng này, sáng ngày 23/4/2014, ngành chức năng của huyện gồm Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên - Môi trường, UBND xã Thường Phước 1 phối hợp cùng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đi kiểm tra hiện trạng để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Qua kiểm tra thực tế, ngành chức năng kết luận lúa bị thiệt hại là do HTX lấy nước thải từ các hầm nuôi cá lóc bơm tưới lúa.
Kỹ sư Lê Thị Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: “Biện pháp duy nhất hiện nay là phải thay toàn bộ nước trên ruộng và cho 1 lượng nước sông vào để rửa rồi rút ra khoảng 2 lần. Sau đó, sử dụng luôn nước sông để không làm ảnh hưởng cây lúa”.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo xã Thường Phước 1 chủ trương, trước mắt không để các hộ nuôi cá tiếp tục xả nước thải vào đường nước của HTX, đồng thời yêu cầu Đội Thủy lợi xã khai thông đường nước nội đồng tại khu vực này để HTX tổ chức bơm nước rửa ruộng.
Sau quá trình rửa sạch nước bị ô nhiễm, tùy theo tình hình thực tế, các hộ dân sẽ gieo sạ lại ở những diện tích bị thiệt hại nhiều. Việc các hộ dân yêu cầu được hỗ trợ diện tích bị thiệt hại, ngành chức năng sẽ căn cứ vào quy định để trả lời cho bà con.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi giun quế - tạo nguồn thức ăn sạch trong chăn nuôi đang là mô hình hiệu quả được nhiều hộ chăn nuôi của xã Tất Thắng (huyện Thanh Sơn) thực hiện. Việc ứng dụng thành công mô hình này đã giúp người nông dân có thêm biện pháp tạo nguồn thức ăn mới giàu dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi; tiết kiệm được chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, bảo đảm an toàn cho người dùng sản phẩm chăn nuôi.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp của huyện Phước Sơn gần đây đã có những chuyển biến tích cực.
Nhận thấy việc trồng keo “ăn xổi” (chưa đến tuổi đã thu hoạch) đã để lại hệ lụy về môi trường nghiêm trọng, nhiều năm qua, Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Ba Tơ đã hướng đến việc trồng rừng thân thiện với môi trường.
Rệp sáp bột hồng hại sắn là đối tượng dịch hại mới được phát hiện trên địa bàn Quảng Trị lần đầu tiên tại Hướng Hóa vào tháng 8/2013 với diện tích 5 ha. Từ đó đến hết năm 2014, do chưa có biện pháp phòng trừ hữu hiệu nên dịch này đã lây lan sang các vùng trồng sắn trên toàn tỉnh với diện tích 440 ha trên giống KM94.
Trước tình hình hạn hán diễn ra gay gắt, từ đầu tháng 4/2015, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị phương án chống hạn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ hè thu 2015.