Suy kiệt nguồn lợi thuỷ sản ven bờ
Cà Mau là 1 trong 4 ngư trường khai thác trọng điểm của cả nước. Trong những năm qua, nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản của tỉnh có bước phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay là sự suy kiệt nguồn lợi thuỷ sản ven bờ, nhất là giống các loài thuỷ sản do sự khai thác huỷ diệt của người dân. Nhiều phương tiện đánh bắt ven bờ bằng lưới ba màng, xung điện, mắt lưới nhỏ hơn mức quy định… làm nguồn cá, tôm và các loài thuỷ sản còn non bị suy kiệt nghiêm trọng, nhất là vào mùa sinh sản.
Theo số liệu của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Cà Mau, hiện toàn tỉnh có 4.666 phương tiện khai thác thuỷ sản. Trong đó, số phương tiện có công suất dưới 20 CV là 1.352 phương tiện, chiếm 28,97%. Số này tập trung chủ yếu ở các huyện: Trần Văn Thời, Phú Tân, U Minh… đa phần là đẩy te, đáy biển, lưới kéo, câu, lưới rê, lú Huế và ốc mực.
Ông Phạm Thế Tài, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, đánh giá, nguồn lợi thuỷ sản khu vực gần bờ trên vùng biển của tỉnh đang giảm dần cả về trữ lượng, sản lượng; kích cỡ cá, tôm đánh bắt được có xu hướng nhỏ dần. Mặc dù tổng sản lượng khai thác thuỷ sản năm sau cao hơn năm trước, nhưng chất lượng thì không tăng, những loài cá có giá trị kinh tế cao không còn nhiều như trước.
Ðể khai thác được nhiều loài thuỷ sản, với phương châm đánh bắt được càng nhiều càng tốt phục vụ mưu sinh, ngư dân sẵn sàng làm các nghề cấm để đạt được mục đích khai thác.Trong đó, nhiều nhất vẫn là tình trạng khai thác trong vùng cấm, sử dụng mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác.
Gần 10 năm lập gia đình, cũng ngần ấy thời gian anh Nguyễn Trường Giang, xã Khánh Hội, huyện U Minh bám biển cạn để sống. Ðêm thì anh đặt lú Huế, ngày giăng lưới ba màng. Không chỉ có hộ anh Giang mà nhiều người dân nơi đây ai cũng bám biển để sống. Nhiều người dân làm nghề trong khu vực cấm khai thác vẫn biết việc làm của họ đang vi phạm quy định bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thuỷ sản. Có người cho biết, họ từng bị các lực lượng chức năng nhắc nhở và phạt tiền, nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên làm liều.
Ông Phạm Thế Tài kiến nghị, ngành thuỷ sản phải đánh giá trữ lượng thuỷ sản trong vùng biển để định lượng khai thác và bảo tồn, tái tạo. Ðặc biệt, cơ cấu lại các nghề khai thác theo hướng chọn lọc cho phù hợp với trữ lượng thuỷ sản. Song song đó, các ngành chức năng cần có những định hướng và giải pháp cụ thể để tạo công ăn việc làm phù hợp với ngư dân ven biển.
Quan trọng nhất là phải có cơ chế, chính sách về vốn, nhằm hỗ trợ ngư dân đầu tư nâng cao công suất tàu, giảm dần tàu có công suất nhỏ; hỗ trợ về lãi suất vốn vay ngân hàng đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ và hỗ trợ trong việc ứng dụng công nghệ mới vào khai thác, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Ðẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đến các tầng lớp Nhân dân./.
Có thể bạn quan tâm
UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành quy định quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ đến năm 2025 dành cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi tiến hành đầu tư xây dựng.
Tiếp tục những thành quả đạt được từ việc xử lý chất thải chế biến thủy sản, Cty Hoài Nam - Hoài Bắc, DN xử lý môi trường hàng đầu Việt Nam đã làm việc với Sở TN-MT An Giang về xử lý nước thải NM thủy sản theo cơ chế phát triển sạch CDM.
Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết: Vụ lúa hè thu 2014 đã có 4 doanh nghiệp và 1 tổ hợp tác đã liên kết với các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Gò Công Tây và Gò Công Đông thực hiện 1.106,2 ha cánh đồng mẫu lớn.
Hơn 1 tháng trở lại đây, giá gà, vịt thịt ở Hậu Giang, Kiên Giang liên tục giảm, khiến người chăn nuôi gặp khó khăn, còn tiểu thương ngao ngán vi buôn bán kém sôi động.
Được biết, từ đầu tháng 8, tình trạng ngao chết rải rác ở các xã thuộc huyện Tiền Hải, từ ngày 11/8 trở đi ngao chết xảy ra đồng loạt. Tính đến 20/8, đã có hơn 1.000 ha diện tích có ngao chết, chủ yếu thuộc 6 xã của 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy, ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.