Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Chết Dần Vì Tôm, Cá Tra!

Nông Dân Chết Dần Vì Tôm, Cá Tra!
Ngày đăng: 13/10/2014

Trước áp lực siết nợ từ ngân hàng, đã có không ít hộ nông dân nuôi tôm, cá tra ở ĐBSCL quyết định chuyển sang nuôi gia công, thậm chí bán một phần tư liệu sản xuất để giải quyết nợ. Trong khi đó, chính sách khoanh nợ cho đối tượng này, có hiệu lực vào đầu tháng 11-2014, liệu có rơi vào “vết xe đổ” của những chính sách tương tự?

Nuôi gia công, bán đất vẫn chưa trả hết nợ!

Vốn là một nhân vật có tiếng trong ngành sản xuất cá tra của Cần Thơ cách đây gần chục năm, ông Trần Hiếu Trung, ngụ ở khu vực Thới Thạnh Đông, quận Ô Môn đã được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh quận này nhanh chóng xét duyệt cho vay 3,5 tỉ đồng để mở rộng quy mô sản xuất khi ông vừa đề nghị.

Khi đã có vốn vay từ ngân hàng, gia đình ông Trung quyết định dốc mọi nguồn lực vào việc mở rộng diện tích nuôi cá tra, từ 1-2 ao lên thành 5-6.

Thế nhưng, chưa kịp mừng với thành quả đầu tư, gia đình ông đã rơi vào khủng hoảng nợ nần, một phần lỗ vì giá cá liên tục giảm, một phần vì lãi suất vay ngân hàng quá cao (17-18%/năm).

Chỉ sau vài năm hứng chịu khủng hoảng và cầm cự trong tình trạng kiệt quệ dần, gia đình ông Trung đã hoàn toàn không còn khả năng trả nợ. “Phía ngân hàng thấy vậy liên tục đến siết nợ, ép tôi phải bán đất, tài sản để trả cho họ”, ông nói.

Theo ông Trung, đến đầu năm 2010 - khi đã cùng đường - ông quyết định bán gần 7.000 mét vuông đất ruộng cùng một số tài sản, gom góp trả cho ngân hàng được hơn 2,3 tỉ đồng. “Và cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nợ ngân hàng hơn 1,1 tỉ nhưng chưa biết đến khi nào mới trả xong”, ông cho biết.

Trong khi đó, với số nợ 2 tỉ đồng vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh quận Ô Môn cách nay hơn hai năm nhưng chưa có khả năng trả, ông Nguyễn Thanh Bình, ngụ tại khu vực Thới Thạnh, phường Thới An, quận Ô Môn, Cần Thơ đã quyết định chuyển sang nuôi gia công cho một doanh nghiệp xuất khẩu tại ĐBSCL để có tiền trả lãi cho ngân hàng.

Theo ông Bình, nuôi gia công dù không có lãi nhiều nhưng đổi lại được doanh nghiệp đầu tư thức ăn đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao hơn giá thành sản xuất (dù không nhiều) nên cũng ổn định và có ít tiền để trả lãi ngân hàng. “Nhưng tình trạng này (chưa được ngân hàng khoanh nợ - NV) nếu vẫn tiếp tục kéo dài, thì dù có sản xuất cả đời vẫn không trả hết được số nợ này”, ông Bình buồn rầu cho biết.

Cùng chung số phận với nông dân nuôi cá tra, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), cho biết tại địa phương cũng có hàng trăm trường hợp nông dân nuôi tôm đang nợ tiền của ngân hàng, trong đó có trường hợp nợ 4-5 năm vẫn chưa trả xong. “Dịch bệnh hoại tử gan tụy bùng phát, trong khi phần lớn nông dân đầu tư ao nuôi chủ yếu bằng nguồn vốn vay của ngân hàng nên khi gặp rủi ro, lập tức họ lâm nguy”, ông cho biết.

Tính đến cuối tháng 8-2014, con tôm có thể nói là điểm sáng duy nhất trong ngành thủy sản khi mang về cho đất nước hơn 2,5 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, tăng 48,3% so với cùng kỳ và dự báo cả năm có thể vượt 3,5 tỉ đô la Mỹ. Thế nhưng, chỉ riêng tại Sóc Trăng, tính đến giữa tháng 8-2014, đã có đến 18.000 héc ta tôm nuôi bị thiệt hại, chiếm trên 42% diện tích thả nuôi, tăng 12% so với cùng kỳ.

Với diện tích nuôi bị thiệt hại như vậy, rõ ràng trong năm 2014 sẽ tiếp tục có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hộ nông dân nuôi tôm sẽ rơi vào cảnh phá sản, nợ ngân hàng, dù chưa có con số thống kê cụ thể.

Liệu có theo “vết xe đổ” của Văn bản 1691?

Trong khi nông dân nuôi tôm, cá tra đã và đang tiếp tục rơi vào khó khăn, thì một số người trong cuộc đang hoài nghi liệu Thông tư số 26/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về chính sách khoanh nợ cho đối tượng nêu trên có giẫm lên “vết xe đổ” của những chính sách đi trước?

Theo tìm hiểu của TBKTSG, giữa tháng 3-2014, NHNN đã có Văn bản số 1691/NHNN-TD yêu cầu năm ngân hàng thương mại, gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long giảm lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực, trong đó có nuôi tôm và cá tra về mức 8%/năm (đã có hiệu lực).

Tuy nhiên, cho đến nay, một số ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi suất cho vay 10%, thậm chí trên 10%/năm. Trao đổi với TBKTSG, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Cá tra Thới An (quận Ô Môn, Cần Thơ), khẳng định: “Văn bản 1691 của NHNN đến nay vẫn chưa được các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm”.

Theo ông Hải, hiện bà con nông dân tại địa phương vẫn phải chịu mức lãi suất vay bằng tiền đồng để nuôi cá tra là 10%/năm.

Mới đây, ngày 16-9-2014, NHNN tiếp tục có Thông tư số 26/2014/TT-NHNN thực hiện Quyết định số 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra. Nội dung quan trọng của thông tư này là yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện khoanh nợ cho nông dân, chủ trang trại hoặc hợp tác xã nuôi tôm, cá tra gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 1-11-2014.

Theo ông Hải, rõ ràng Thông tư 26 là điều kiện, là đòn bẩy tốt để nông dân nuôi tôm, cá tra sớm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất vì được khoanh nợ, tức nông dân sẽ được các tổ chức tín dụng xóa lãi suất các khoản nợ đã cho vay. Thay vào đó, NHNN sẽ thực hiện tái cấp vốn tương ứng với số tiền mà tổ chức tín dụng đã khoanh nợ cho nông dân, lãi suất 0%/năm.

Theo ông Bình, nếu được ngân hàng khoanh nợ, nghĩa là ông không phải đóng lãi nữa, ông sẽ lấy khoản tiền đó trả dần nợ gốc cho ngân hàng. “Có như vậy, mới mong chúng tôi sớm thoát khỏi được cảnh nợ nần, chứ như hiện nay cái vòng luẩn quẩn bị ngân hàng siết nợ cứ rình rập mãi”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Võ Tú Vinh, Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh quận Ô Môn, Cần Thơ, điều kiện để được khoanh nợ là phải thuộc vào diện thiên tai dịch bệnh, tức xảy ra trên diện rộng, “còn đa phần khách hàng ở đây (nông dân nuôi cá tra - NV) bị lỗ về giá thôi, chứ dạng thiên tai dịch bệnh để được vào tiêu chí khoanh nợ vẫn chưa được”, ông cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Rầy Nâu Lây Lan Nhanh Trên Lúa Đông Xuân Rầy Nâu Lây Lan Nhanh Trên Lúa Đông Xuân

Đáng chú ý là diện tích bị nhiễm mật số cao, từ 750 con/m2 trở lên chiếm khoảng 2.000ha. Tập trung ở các xã: Long Thắng, Hòa Thành, Hòa Long, thị trấn Lai Vung.

13/02/2014
Cam Cao Phong Được Mùa, Được Giá Cam Cao Phong Được Mùa, Được Giá

Những ngày này về Cao Phong (Hòa Bình), đi dọc QL6 đâu đâu cũng thấy bày bán cam Cao Phong, cam Canh, người mua kẻ bán tấp nập.

13/02/2014
Nông Dân Thành Phố Nông Dân Thành Phố

Thị trường hoa tết năm nay, dòng hoa Dendro nắng được khách chuộng vì hoa đẹp, nở bền, nhiều loại có hương thơm. Giá của dòng hoa này đứng ở mức khá cao, từ vài trăm đến vài triệu đồng/giò lan, tùy chất lượng và số cành.

13/02/2014
Nghị Quyết Bám Đất Làm Giàu Nghị Quyết Bám Đất Làm Giàu

“Giờ thì khác rồi, xã mình gần 10 năm qua, không có tiêu chí nào trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa đạt được…”. Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ Nguyễn Văn Lâm bắt đầu câu chuyện khi nói về xã nghèo trở thành khá giả.

13/02/2014
Nhớ Mùa Cá Trước Nhớ Mùa Cá Trước

Từ cầu sông Ba(Gia Lai) nhìn về phía sông, những hòn đá cuội nằm phơi mình giữa dòng nước cạn đục. Đôi bờ, những cây bạch đàn ủ rũ, im lìm giữa tiết đông lất phất mưa bụi. Một lão ngư từng có tháng năm dài gắn mình với dòng sông huyền sử, nén tiếng thở dài: “Ôi nhớ những mùa cá trên sông vào những ngày giáp Tết…”.

13/02/2014