Sử Dụng Biogas, Nhiều Tiện Ích
Chăn nuôi phát triển đồng nghĩa với việc lượng chất thải từ chăn nuôi thải ra môi trường ngày càng nhiều. Hiện nay, việc ứng dụng xây hầm biogas vào chăn nuôi nhằm xử lý triệt để nguồn chất thải, tiết kiệm chi phí tiền mua khí đốt, góp phần tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt khu vực đông dân cư đang được một số địa phương thực hiện, mang lại hiệu quả.
Hiện nay, trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ số hộ chăn nuôi gia súc khá nhiều, tập trung chủ yếu ở các phường: Nam Thanh, Thanh Trường, Him Lam, xã Thanh Minh… Tuy nhiên, do địa bàn chật hẹp, dân cư đông nên việc xử lý chất thải chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Nhất là với những hộ có quy mô chăn nuôi vừa trở lên. Chính vì vậy việc xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ biogas được coi là giải pháp hữu hiệu được nhiều hộ áp dụng lắp đặt sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Huế, Phó Trưởng phòng Kinh tế, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân thì công tác bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm chú trọng. Năm 2011, từ nguồn vốn của Chương trình Khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam 2007 – 2012 do Chính phủ Hà Lan tài trợ, Phòng đã triển khai thực hiện mô hình lắp đặt sử dụng hầm khí biogas tới 8 hộ dân thuộc các phường: Nam Thanh, Noong Bua, Him Lam; mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ. Sau 3 năm triển khai, đến nay dự án đã phát huy hiệu quả tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Không chỉ góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm chi phí mua khí đốt.
Ông Lò Văn Pánh, bản Noong Bua, phường Noong Bua, một trong những hộ được thụ hưởng dự án chia sẻ: Nguồn thu nhập của gia đình tôi dựa hoàn toàn vào nuôi lợn và trồng rau. Trước đây toàn bộ chất thải chăn nuôi lợn được xả thẳng vào hố chứa cạnh chuồng, sau đó dùng để bón rau. Tuy nhiên, hố chứa chất thải lúc nào cũng bốc mùi hôi nồng, nhiều ruồi nhặng gây mất vệ sinh. Sau khi được dự án hỗ trợ, tôi đã lắp đặt hầm biogas để xử lý chất thải.
Hiện nay, gia đình tôi luôn duy trì nuôi từ 10 – 15 con lợn tăng gấp đôi, gấp ba lần so với thời gian trước đây, song không phải lo lắng về vấn đề chất thải như trước. Gần 3 năm nay, gia đình tôi sử dụng khí sinh học từ hầm biogas để đun nấu nên tiết kiệm được tiền mua củi đun, mua gas công nghiệp. Bã thải tận dụng để trồng rau đỡ tốn tiền mua phân bón. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình tăng lên.
Nhận thấy lợi ích của hầm biogas, ngoài những hộ được hỗ trợ kinh phí như gia đình ông Pánh, thì nhiều hộ cũng tự bỏ tiền đầu tư lắp đặt hệ thống biogas. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Tư Thư (tổ dân phố 1, phường Nam Thanh). Trước đây, khi gia đình ông Thư chăn nuôi nhỏ lẻ (khoảng 12 – 15 con lợn/lứa), toàn bộ chất thải đều xả trực tiếp ra dòng suối sau nhà, không chỉ gây ô nhiễm môi trường cho gia đình ông, mà còn ảnh hưởng nhiều đến các hộ sống quanh khu vực. Đầu năm 2011, sau khi mở rộng quy mô chăn nuôi, gia đình ông quyết định đầu tư xây hầm biogas với dung tích 14m3, tổng chi phí 13 triệu đồng.
Ông Thư cho biết: Trước đây, cứ hơn một tháng gia đình tôi dùng hết 1 bình gas công nghiệp để nấu nướng tốn hơn 400 nghìn đồng. Từ ngày lắp đặt sử dụng hầm biogas, toàn bộ chất thải đều được gom vào hầm chứa để xử lý, chuồng trại đảm bảo vệ sinh, khí đốt sinh ra được dùng để đun nấu và sử dụng sinh hoạt phục vụ cuộc sống. Mỗi tháng gia đình tôi tiết kiệm được hơn 500 nghìn đồng tiền gas và điện.
Chăn nuôi ở tỉnh ta dù nhỏ lẻ hay quy mô lớn đều đang phổ biến tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Do đó, việc ứng dụng biogas trong chăn nuôi đã mang lại hiệu quả rõ rệt và được coi là giải pháp đa tiện ích.
Ngoài lợi ích thiết thực tạo ra nguồn năng lượng sạch và rẻ tiền cho người dân, giảm thiểu tình trạng chặt phá rừng lấy củi làm chất đốt, cung cấp phụ phẩm khí sinh học cho trồng trọt chăn nuôi, tạo ra thực phẩm sạch, góp phần giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Sử dụng biogas còn mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho người sử dụng, giúp tiết kiệm tiền mua khí đốt, điện, hạn chế được dịch bệnh cho vật nuôi, là động lực để người chăn nuôi gia tăng đàn gia súc.
Nguồn bài viết: http://www.baodienbienphu.com.vn/kinh-t%E1%BA%BF/s%E1%BB%AD-d%E1%BB%A5ng-biogas-nhi%E1%BB%81u-ti%E1%BB%87n-%C3%ADch
Có thể bạn quan tâm
Vừa qua, tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiến Cường, xã Phú Cường, ông Lê Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cùng các ngành liên quan của huyện và ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc - Tổng Công ty Lương thực Miền Nam và Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp đã họp bàn thực hiện liên kết tiêu thụ lúa vụ đông xuân 2014 - 2015.
Hợp tác xã thương mại, dịch vụ nông nghiệp Cái Tàu Hạ có 16 thành viên, vốn điều lệ ban đầu là 400 triệu đồng; hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực: cung cấp vật tư nông nghiệp, thu mua tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài huyện.
Mấy năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên vụ hè thu nào gia đình ông Nguyễn Hữu Đức (thôn Tiến Bộ, Thạch Tân - Thạch Hà) cũng làm hết đất canh tác. Năm nay, 1 mẫu ruộng, gia đình ông thu hơn 2 tấn lúa, được xem là vụ hè thu bội thu nhất từ trước tới nay.
Cũng do gia cảnh khó khăn, học đến cấp 3, Đồng nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nông. Năm 2.000, Đồng lập gia đình, khi “ra riêng” được bố mẹ cho 1 sào đất (1.000 m2) để làm nông. Ban đầu, anh tiếp tục gắn bó với cây rau, nhưng giá rau bấp bênh nên cuộc sống không ổn định. Không chấp nhận tình cảnh này, Đồng đi khắp các nhà vườn ở địa phương để tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất phù hợp.
Chỉ chừng 2 năm qua do nước lũ đầu nguồn không đổ về nhiều, phần do nhiều người bắt ốc và biết tận thu nguồn lợi này làm mồi nuôi cá đồng, tôm sú nên ốc ít dần.