Thừa Thiên Huế Cứu Nguồn Lợi Thủy Sản
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nạn đánh bắt mang tính hủy diệt NLTS vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai diễn ra khá phức tạp. Trên 50 vụ vi phạm được phát hiện, xử lý từ đầu năm đến nay, tịch thu và tiêu hủy 250 cheo lừ xếp mắt lưới nhỏ, 50 bộ kích điện, xử phạt hành chính trên 140 triệu đồng là con số đáng báo động.
Hiện ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có trên 1.500 hộ chuyên hành nghề xung điện, giã cào, lừ mắt lưới nhỏ để khai thác mang tính hủy diệt NLTS.
Ông Đặng Tựu ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quang Lợi (Thừa Thiên Huế) nói: “Mười năm trước, chỉ cần vài mẻ lưới, trúng các loài có giá trị kinh tế, như cá kình, hanh, chép, dìa... có thể bán được nhiều tiền. Còn bây giờ, nhiều loài cá ngon là đặc sản trên đầm phá rất hiếm. Suốt ngày buông lưới, thả câu, lênh đênh trên phá cũng chỉ kiếm được những con cá, tôm còm cõi, bữa có bữa không”.
Xâm phạm vùng cấm
Hơn tuần nay, người dân các thôn Hà Công, Ngư Mỹ Thạnh, Cư Lạc thuộc xã Quảng Lợi (Quảng Điền) rất bức xúc trước nạn “ngư tặc” lộng hành ngay trên khu bảo vệ NLTS Vũng Mệ. Các đối tượng tranh thủ sự sơ hở của lực lượng chức năng đã đưa thuyền vào khu bảo vệ, sử dụng kích điện đánh bắt cá, tôm.
Nhận tin báo từ người dân, lực lượng xã Quảng Lợi phối hợp với Chi hội Nghề cá xã Quảng Ngạn tổ chức truy đuổi và bắt giữ hai đối tượng, một đối tượng khác tẩu thoát, tịch thu hai chiếc ghe, hai bình ắc quy, bộ kích điện và hàng chục kg tôm, cá các loại. Các đối tượng qua điều tra đã khai nhận đều trú tại thôn Trung Làng, xã Quảng Thái (Quảng Điền).
Ông Hồ Trúc, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá thôn Hà Công chia sẻ, mặc dù công tác quản lý khá chặt chẽ, thường xuyên tổ chức tuần tra nhưng các đối tượng vẫn lén lút, khai thác vào đêm khuya nên khó phát hiện và xử lý. Từ ngày khu bảo vệ Vũng Mệ thành lập đến nay, các lực lượng tổ chức xua đuổi hàng chục đối tượng sử dụng ghe thuyền đuôi tôm, kích điện, giã cào trong khu bảo vệ thủy sản.
Các đối tượng vi phạm thường tổ chức đi theo nhóm từ 4 - 5 ghe, rất liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng truy đuổi nên rất khó bắt giữ. Riêng năm 2013 - 2014, các chi hội trên địa bàn xã Quảng Lợi đã bắt giữ và xử phạt hành chính 7 vụ vi phạm khai thác trong khu bảo vệ NLTS Vũng Mệ, tịch thu nhiều phương tiện, thiết bị khai thác và xử phạt trên 10 triệu đồng.
Cách đây một tháng, chỉ trong vòng 5 ngày, lực lượng kiểm ngư tỉnh phối hợp với Chi hội Nghề cá Thủy An, xã Quảng Ngạn và Chi hội Nghề cá thôn 8, xã Điền Hải tổ chức tuần tra, truy bắt 14 đối tượng sử dụng thuyền công suất lớn cào lươn, xung điện đánh bắt thủy sản trên vùng đầm phá thuộc hai huyện Quảng Điền và Phong Điền. Lực lượng kiểm ngư, chi hội nghề cá sử dụng ca nô, thuyền công suất lớn với khoảng 30 người tổ chức mật phục mới truy bắt được các đối tượng.
Tái tạo nguồn lợi
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, cho rằng, việc thành lập các khu bảo vệ NLTS dựa vào cộng đồng, bằng cách giao quyền mặt nước cho các chi hội nghề cá và người dân bảo vệ, hưởng lợi được xem là phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Các địa phương đã thành lập 16 khu bảo vệ thủy sản với tổng diện tích 500 ha, dưới sự quản lý của người dân nên phát huy vai trò chủ thể, bảo vệ khá nghiêm ngặt. Hầu hết các hộ được giao quyền quản lý mặt nước đã bỏ hẳn tình trạng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt. Hoạt động đánh bắt luôn tuân thủ các quy định của cơ quan chức năng, chỉ khai thác các loại tôm, cá lớn, không sử dụng kích điện, giã cào, lừ mắt lưới nhỏ...
Thả cá giống tái tạo NLTS trên đầm phá được các ban ngành chức năng triển khai hằng năm, riêng năm nay thả trên 100 ngàn con cá dìa.
Sau 3 năm triển khai các hoạt động tái tạo, cá ngoài đầm phá vào cư trú, sinh sôi, các khu bảo vệ bước đầu xuất hiện nhiều loài có giá trị, như cá dìa, rô phi, chép, diếc, tôm sú... Tại các xã Quảng Lợi, Điền Hải, Vinh Giang, Quảng Ngạn... nhiều hộ khai thác mỗi ngày 5 - 6kg, thu 300 - 400 ngàn đồng, có ngày trúng đậm 7 trăm đến 1 triệu đồng.
Trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai còn hình thành hơn 50 rạn (nơi cá trú ngụ) nhân tạo và xây dựng nhiều trộ chuôm, không chỉ bảo vệ NLTS mà còn quy tụ nhiều loài thủy sản, động vật đến cư trú, sinh sôi. Điển hình như đầm Nậy, xã Phú Thanh (Phú Vang), từ khi có 5 trộ chuôm, các loại cá, tôm quần tụ ngày càng nhiều nên hiệu quả đánh bắt cao hơn.
Với diện tích khoảng 23 ngàn ha, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được xem là “kho vàng” về NLTS với 230 loài tôm, cá, trong đó 30 loài có giá trị kinh tế cao. Sản lượng khai thác hằng năm chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng toàn tỉnh, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của cư dân vùng đầm phá. Từ nay đến năm 2015, các ban ngành, địa phương tiếp tục thành lập thêm 3 - 5 khu bảo vệ NLTS, giao cộng đồng quản lý và hưởng lợi.
Đưa vào hương ước
Ông Nguyễn Lương Hiền, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh cho rằng, việc thành lập các khu bảo vệ NLTS thật sự phát huy hiệu quả, song cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn triệt để nạn “ngư tặc” lộng hành.
Các địa phương có khu bảo vệ NLTS cần đưa vào hương ước của làng, quy định và nghiêm cấm các hoạt động đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt. Lực lượng bảo vệ NLTS cần được trang bị tốt các điều kiện đảm bảo công tác tuần tra, truy đuổi, xử lý vi phạm, như thuyền máy công suất lớn, thuyền máy đuôi tôm, phao cứu hộ cứu nạn...
Trong điều kiện các lực lượng kiểm ngư, chi hội nghề cá các địa phương còn mỏng, rất cần sự tham gia tích cực từ phía người dân... Phối hợp các lực lượng, thường xuyên phục kích và tăng cường tuần tra đêm được xem là biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả nạn “ngư tặc” lộng hành trên phá Tam Giang-Cầu Hai.
Có thể bạn quan tâm
Tập trung nâng dần diện tích liên kết sản xuất với nông dân, góp phần gia tăng chuỗi giá trị gạo, ổn định nguồn nguyên liệu, tham gia bình ổn giá, đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm xây dựng hệ thống khép kín... là những tiêu chí hàng đầu hiện nay của Công ty Lương thực Bạc Liêu. Ông Trần Quốc Thống- quyền Giám đốc- chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.
Xuất Khẩu nông sản sang UAE tăng do tình hình kinh tế năm 2014 của UAE tiếp tục tăng trưởng ổn định từ 4,4- 4,7% khiến nhu cầu tiêu dùng tăng. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực đi khảo sát thị trường và tham dự các hội chợ, triển lãm chuyên ngành thực phẩm, trong đó có triển lãm SIAL ME và Gulf Food.
Cuối tháng 6 âm lịch, cá linh theo con nước tràn về vùng đầu nguồn An Phú. Chẳng biết quá trình sinh sản của loài cá này bắt nguồn từ đâu nhưng khi về đến xã biên giới Vĩnh Hội Đông thì chúng đã to bằng đầu đũa ăn. Từ xưa, người dân vùng lũ không dùng từ “nhỏ” để gọi những con cá linh còn bé xíu, thay vào đó họ dùng từ “non”. Đây là cách gọi đã thành thói quen và cá linh non trở thành món ngon được nhiều người tìm mua khi chúng vừa xuất hiện tại các chợ.
Nhưng cá cơm Mũi Né vẫn được nhiều người ưa thích. Nhiều năm nay, cá cơm khô Mũi Né không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn xuất qua Trung Quốc, Đài Loan… Gần đây, một số thương nhân Hàn Quốc sang tận Phan Thiết đặt vấn đề mua cá cơm Mũi Né.
Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao khoa học - kỹ thuật huyện Phước Long (Bạc Liêu) vừa tổ chức hội thảo tổng kết mô hình nuôi ếch lai kết hợp nuôi cá trê vàng trong mùng lưới. Mô hình thực hiện thí điểm tại 2 xã Vĩnh Phú Đông và Hưng Phú.